Sáng 27/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”.
Diễn đàn nhằm giúp cho giới trẻ hiểu rõ về hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc điểm và cách xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp một cách hiệu quả ở Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến hết tháng 02/2016, cả nước có 4.424 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thủy sản). Các DN này có hiệu quả kinh tế tương đối tốt, chỉ số phản ánh về hiệu suất sinh lời cao hơn so với các DN trong lĩnh vực khác. Quá trình đổi mới DN Nhà nước đã có sự thay đổi đáng kể, số DN Nhà nước trong nông nghiệp giảm đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2016, đã có 244 DN nhà nước trong nông nghiệp được thông qua đề án tái cơ cấu. Đặc biệt sau khi được Chính phủ đưa ra 3 Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, việc quan tâm và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực.
Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua 2 cụm từ được nhắc nhiều lần là nông nghiệp và khởi nghiệp. Đây được coi là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam. Nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệ. Diễn đàn là cơ hội tốt để giúp các DN khởi nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
“VCCI trong nhiều năm qua là một tổ chức đầu tiên thúc đẩy, trở thành bệ đỡ cho DN khởi nghiệp ở Việt Nam. Tôi tin rằng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ dẫn đầu. VCCI và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp để thúc đẩy và hỗ trợ DN khởi nghiệp trong lĩnh vực này”, TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Toàn cảnh Diễn đàn
Trao đổi tại Diễn đàn, TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho biết, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, vai trò của Nhà nước với các chính sách pháp luật là vô cùng quan trọng. Nếu nói về điểm mạnh cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển ông Phạm Hồng Quất cho biết, hiện đã có hành lang pháp lý cơ bản để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển; có hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; bắt đầu có các quỹ đầu tư, cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp; có một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Đặc biệt, hiện nay các DN khởi nghiệp đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam trẻ, nhân lực tri thức cao, đặc biệt là nhận lực, rất phù hợp để phát triển khởi nghiệp.
Để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, để xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp cần hoàn chỉnh và đảm bảo nhiều cách tiếp cận khác nhau: cần tạo cho các DN có thể tiếp cận thị trường; cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các DN khởi nghiệp; có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các DN khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…); xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp cần hoàn thiện.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đã được nghe và thảo luận về thực tiễn khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam; liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam.
Tin ảnh: Đăng Minh