Ngày 18/7, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), do đồng chí Nguyễn Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu, đã đến thăm và làm việc tại Thanh Hoá.
Tham gia Đoàn công tác có các đơn vị trực thuộc Bộ: Văn phòng Bộ, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Vụ KH&CN các ngành KTKT, Vụ Kế hoạch - tổng hợp, Vụ Công nghệ cao, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Thanh Hoá có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Quyền, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Nam, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng, các trường Đại học, các doanh nghiệp có nhiều hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: KH&CN chỉ thực sự phát triển khi bắt nguồn từ cơ sở và gắn liền với doanh nghiệp, nơi có các hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Vì vậy, Bộ đặt ra định hướng đẩy mạnh phát triển hoạt động KH&CN về các doanh nghiệp và các địa phương, trong đó có Thanh Hoá, là một tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để tạo nên những bước đột phá về KH&CN. Đồng thời Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành thống nhất quan điểm, cố gắng huy động mọi nguồn lực để đưa hoạt động KH&CN vào sâu rộng hơn trong phát triển KT-XH, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp đang ứng dụng tốt KH&CN trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày với Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ KHCN về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 của Thanh Hoá; tình hình hoạt động KhCN, định hướng phát triển Khoa học và Công nghệ của tỉnh trong thời gian tới và nêu một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh về lĩnh vực KHCN.
Qua đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 2 chương trình, 3 đề án, 12 kế hoạch, quy hoạch và 12 quyết định, quy định trong lĩnh vực KH&CN; triển khai thực hiện 12 dự án Chương trình KH&CN cấp nhà nước. Việc thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, tỉnh chú trọng phát triển các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN của tỉnh lên 53 tổ chức KH&CN (trong đó 27 tổ chức KH&CN công lập và 26 tổ chức KH&CN ngoài công lập); đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 48 tổ chức KH&CN và 9 doanh nghiệp KH&CN. Quỹ phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2007, tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, cải tiến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm...
Thực hiện phát triển tiềm lực KH&CN, tỉnh Thanh Hóa đã thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học và hiện nay đang triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ( với diện tích 1000 ha tại huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn); nghiên cứu thành lập Viện khoa học nông nghiệp Thanh Hóa trên cơ sở các Trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp hiện có.
Tham gia thảo luận, đại diện các doanh nghiệp, các ngành chức năng, các đơn vị của tỉnh cũng đã khẳng định KH&CN là nền tảng của sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin đến Bộ trưởng và Đoàn công tác những dự án ứng dụng KH&CN được triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và đề nghị Bộ tạo điều kiện cho các đơn vị, các doanh nghiệp của tỉnh được tham gia thực hiện dự án thuộc các chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp Nhà nước. Đồng thời tại buổi làm việc, các đơn vị của tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra những vấn đề bức thiết hiện nay cùng thảo luận với Đoàn công tác như: Nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất phân bón phức hợp bằng công nghệ tháp cao; bảo tồn, phát triển loài Phi tiến Vua (Sanguinolaria diphos, Linnaeus, 1771) tại Thanh Hóa; bảo tồn và phát triển nguồn gen một số loài cây lâm nghiệp đặc hữu quý hiếm tại Thanh Hóa như Sến Mật (Maduhuca pasquieri), Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis), Đỉnh Tùng (Cephalotaxus hainnensis), Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgeri Foxw), Thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius D.Don), Dẻ Tùng sọc trắng (Amentotaxus argotaenia); bảo tồn, phát triển và sử dụng một số loài dược liệu quý có giá trị kinh tế cao, có nguồn gốc từ rừng tự nhiên như: Sâm Cau, Sâm Cát, Thiên Niên Kiện, Ngũ Vị Tử Nam, Huyết Đằng, Giảo Cổ Lam.
Bộ trưởng cùng Đoàn công tác đến thăm Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông
Trong đó, những giải pháp trong việc đầu tư phát triển hoạt động KH&CN: Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp khoa học và công nghệ Thanh Hóa; xây dựng sàn giao dịch công nghệ tỉnh Thanh Hóa tại Trung tâm Thông tin ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ Thanh Hóa; đầu tư ứng dụng công nghệ cao xử lý triệt để môi trường và tái tạo năng lượng Nhà máy cồn... đã được các đại biểu của Đoàn công tác trao đổi giải đáp, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn và đi đến thống nhất chung tới các đơn vị của tỉnh.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ niềm phấn khởi khi được đón Bộ trưởng KH&CN đến thăm và làm việc tại Thanh Hoá, trân trọng cảm ơn sự quan tâm Bộ trưởng đã dành cho tỉnh và nhấn mạnh: Những năm qua, Thanh Hoá đã có sự tăng trưởng, bứt phá ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực. Hiện, tỉnh đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 17 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 6 cả nước và gần 10 tỷ đô la Mỹ do các doanh nghiệp trong nước đầu tư.
Thanh Hoá hiện là tỉnh đứng thứ 8 cả nước về chỉ số đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương; đứng thứ 9 cả nước về chỉ số đo hiệu quả quản trị hành chính công và đứng thứ 6 cả nước về chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để Thanh Hoá thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn đầu tư vào tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: Thanh Hoá có tiềm năng và lợi thế lớn về KH&CN nhưng chưa khai thác được nhiều. Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII, tỉnh cũng đã xác định KH&CN là 1 trong 4 bước đột phá để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đưa thu nhập bình quân đầu người của Thanh Hoá đến năm 2020 vượt bình quân chung cả nước (hiện tại chỉ bằng 70% bình quân chung cả nước). Tỉnh đang rất quyết tâm và đã giao cho các sở, ban, ngành chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng tất cả các mục tiêu, trong đó có KH&CN, để ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng bộ tỉnh sẽ triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, đạt được mục tiêu đề ra, Thanh Hoá rất mong Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh xây dựng các khu công nghệ cao như Khu công nghệ cao Lam Sơn, Khu công nghệ cao dọc đường Hồ Chí Minh và đưa tiến bộ KHKT mới nhất về giống, phân bón, hệ thống mạng lưới canh tác vào sản xuất; hỗ trợ tỉnh về công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; công nghệ thông tin – lĩnh vực tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh; công nghệ y dược – lĩnh vực mà tỉnh đã ứng dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến và tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt; đồng thời, đề nghị Bộ KH&CN quan tâm hỗ trợ tỉnh quản lý các thiết bị công nghệ mà các doanh nghiệp đang và sẽ tiến hành đầu tư để tỉnh thực sự có được các sản phẩm cạnh tranh khi hội nhập và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng thông tin về việc Thanh Hoá sẽ tiến hành sắp xếp lại tổ chức, hệ thống bộ máy trong các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao KHCN của tỉnh và việc tỉnh đang tập trung xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Đánh giá cao quyết tâm và hành động thực tiễn của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đối với sự nghiệp phát triển KH&CN để đạt được những thành tựu trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Với lợi thế và triển vọng phát triển KH&CN Thanh Hoá, đặc biệt là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, nguồn nhân lực và cả hệ thống doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đã đến lúc để KH&CN tạo thành sức bật mới trong việc phát triển KT-XH của tỉnh, đó là con đường duy nhất nâng cao sức cạnh tranh và để các doanh nghiệp tồn tại được trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng ghi nhận những đề xuất của tỉnh Thanh Hoá, đồng thời cho ý kiến vào từng nội dung đề xuất và cam kết hỗ trợ tối đa cho Thanh Hóa ở một số nội dung như: Việc nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gen một số loài cây lâm nghiệp quý hiếm và một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, có nguồn gốc từ rừng tự nhiên; việc đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các thành tựu KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ một số doanh nghiệp của tỉnh thực hiện các công trình KH&CN… Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và mong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển KH&CN để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ một số doanh nghiệp của tỉnh thực hiện các công trình KH&CN đang triển khai trên địa bàn Thanh Hoá.
Cũng trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hoá, Bộ trưởng cùng Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa, Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông – Doanh nghiệp KHCN đầu tiên của Thanh Hoá và đang có Dự án “Nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất phân bón phức hợp bằng công nghệ tháp cao” được tỉnh đề xuất với Bộ KHCN cho tham gia chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Tin, ảnh: Bùi Hiếu