Nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN đã phối hợp Ngân hàng thế giới (WorldBank) thực hiện dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (từ 23/10/2013 đến 30/06/2019).Trong khuôn khổ của dự án, mới đây tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với World Bank tổ chức hội nghị khởi động Dự án này.
Dự án đầu tiên hợp tác về KH&CN
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhận định, đây là sự kiện đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam cùng với Ngân hàng thế giới chính thức khởi động 2 dự án với thông điệp: đổi mới sáng tạo chính là sự lựa chọn tối ưu cho khát vọng phát triển mạnh mẽ của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn chúng ta đang nỗ lực hướng tới năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình với nền tảng của nền kinh tế tri thức.
“Bài học thành công của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chỉ ra rằng đầu tư đúng đắn, đúng ngưỡng và đúng thời điểm cho giáo dục, khoa học, công nghệ và từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ tạo thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Yếu tố ‘đúng đắn’ tập trung ở 3 nội dung chính đó là: lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo, là người tiếp nhận và biến tri thức thành giá trị; khuyến khích các nhà khoa học sản xuất ra tri thức mới; tăng cường sự liên kết chặt chẽ hữu cơ giữa giáo dục, nghiên cứu và công nghệ”, Bộ trưởng nói.
Được biết, song hành với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, WorldBank đã cam kết hỗ trợ thực hiện hai dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ” (FIRST) và Dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho người có thu nhập thấp” (VIIP). Thông điệp xuyên suốt cả hai dự án này là: biến tri thức thành hàng hóa và năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp; khơi thông mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học; đưa KH&CN phục vụ người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu; thí điểm chính sách mới, đặc biệt là cách thức đầu tư để đưa KH&CN vào cuộc sống, thành sức mạnh cho nền kinh tế.
Theo đó, dự án được triển khai với tổng mức đầu tư là 110.000.000, trong đó vốn vay ưu đãi của IDA (Hiệp hội/Ngân hàng thế giới phát triển Quốc tế) của WorldBank là 100.000.000 và vốn đối ứng của Việt Nam là 10.000.000 (tương đương với 200 tỷ VND). Dự án sẽ được triển khai tại Bộ KH&CN và một số tỉnh/thành phố có đơn vị thụ hưởng được lựa chọn và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
PGS.TS. Trần Quốc Thắng, Giám đốc Dự án cho biết, mục tiêu dài hạn của Dự án FIRST là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của dự án được đặt ra là hỗ trợ phát triển KH&CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ thông qua xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách mới, góp phần hoàn thiện khung khổ chính sách quốc gia khuyến khích phát triển KH&CN; nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trýờng và các doanh nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo công nghệ trong các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp KH&CN.
Gồm 3 hợp phần chính…
PGS.TS. Trần Quốc Thắng, Giám đốc dự án cho biết, Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ - FIRST” có 3 hợp phần chính, cụ thể: Hỗ trợ cơ sở hoạch định chính sách và thí điểm chính sách KH&CN; Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập và tăng cường liên kết doanh nghiệp với KH&CN; Quản lý dự án và nghiên cứu một số chính sách có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.
Theo đó, hợp phần thứ nhất sẽ hỗ trợ cơ sở hoạch định chính sách và thí điểm chính sách KH&CN. Kỳ vọng các nhà khoa học đưa là xây dựng và thí điểm chính sách khuyến khích thu hút các nhà nghiên cứu quốc tế giỏi về Việt Nam phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam. Hệ thống thông tin đo lường, đánh giá năng lực KH&CN hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng đồng bộ, nâng cao khả năng thu thập, cập nhật, phổ biến và sử dụng các kết quả này trong hoạt động hoạch định chính sách phát triển KH&CN, đặc biệt là chính sách đầu tư có trọng điểm cho các tổ chức KH&CN, cũng như chính sách phát triển năng lực công nghệ của quốc gia. Đây được coi là một trong những hợp phần quan trọng của dự án.
Hợp phần thứ 2 của dự án tập trung hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập (GRI) và tăng cường liên kết doanh nghiệp với KH&CN. Hợp phần này sẽ cung cấp, tài trợ cho các GRI được lựa chọn để giúp các tổ chức nghiên cứu khoa học (viện nghiên cứu, trường đại học…) thực hiện các kế hoạch chiến lược, trong đó có kế hoạch R&D nhằm chuyển đổi từ các GRI được quản lý theo phương thức truyền thống trở thành các tổ chức tự chủ theo định hướng thị trường, tài trợ phù hợp cho các doanh nghiệp được lựa chọn theo hình thức cạnh tranh để tăng cường năng lực đổi mới công nghệ, tăng cường quan hệ đối tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu và các trường đại học; và xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn nhằm góp phần tăng cường năng lực làm chủ công nghệ, tạo ra những công nghệ mới bản địa phục vụ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và thị trường công nghệ. Hợp phần này dự kiến chiếm tới 90 triệu USD trong tổng số 110.000.000 USD của dự án FIRST.
Cuối cùng là hợp phần Quản lý dự án và nghiên cứu một số chính sách có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.
Dự án được đánh giá là một dự án lớn vì vậy, cần có sự chuẩn bị thật kỹ càng trước khi thực hiện. Dự án FIRST thành công sẽ giúp Việt Nam xây dựng một số Viện nghiên cứu được xếp hạng trong khu vực và thế giới; góp phần chuyển toàn bộ cơ chế hoạt động KH&CN Việt Nam sang cơ chế hoạt động theo thông lệ quốc tế; tạo ra được một hệ thống doanh nghiệp KH&CN mạnh xuất phát từ các Viện, trường tạo nên một lực lượng sản xuất mới cho xã hội.