Với lòng tâm huyết nghiên cứu không mệt mỏi qua nhiều năm tháng, PGS. TS Nguyễn Danh Phiệt đã hoàn thành cụm công trình nghiên cứu Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước và Hồ Qúy Ly. Công trình được nhiều nhà khoa học đánh giá rất cao, công trình vừa được Đảng và nhà nước quyết định trao tặng giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010.
Nhà Đinh – những vấn đề lịch sử cần làm sáng tỏ
PGS. TS Nguyễn Danh Phiệt, nguyên cán bộ Viện Sử học- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, chủ nhiệm công trình nghiên cứu cho biết, nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử Việt Nam thế kỷ X, người ta vấp phải nhiều trở ngại từ khan hiếm tài liệu dẫn đến những kiến giả khác nhau. Nhà Đinh từ dẹp loạn 12 sứ quân đến xây dựng đất nước là một sự kiện lịch sử lớn có ý nghĩa khoa học.
Nội dung của sách gồm 2 phần chính: Loạn 12 sứ quân và quá trình dẹp loạn của Đinh Bộ Lĩnh và xây dựng nhà nước thời Đinh.
Tác giả đã dành nhiều trang khảo cứu và trình bày về các sứ quân, địa bàn hoạt động và hình thức hoạt động của họ. Đây là sản phẩm của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ X trên cơ sở xã hội nông nghiệp phân tán với sự hiện của công xã nông thôn tồn tại phổ biến. Trong bối cảnh nhà nước vương triều Ngô sụp đổ, đất nước không có sự quản lý tập trung, các thổ hào nổi dậy chiếm cứ mỗi người một vùng theo hình thức tự quản.
Địa bàn chiếm giữ của họ tập trung ở trung du và trung tâm ĐB châu thổ Sông hồng, căn cứ của họ không rộng lớn, chỉ một vùng hoặc chỉ vài ha, chưa có hỗn chiến. 12 sứ quân chỉ là hiện tượng phân tán quyền lực, không phải là nội chiến, vì vậy họ nhanh chóng bị Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp.
Hai cuốn sách của PGS. TS Nguyễn Danh Phiệt về Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước và Hồ Qúy Ly (ảnh: Hoàng Anh)
Nhà nước vương triều Đinh là một mẫu hình sơ khai của đất nước quân chủ tập quyền theo mô hình phong kiến phương Đông làm cơ sở cho các nhà nước quân chủ độc lập tự chủ tiền Lê, Lý, Trần…trong lịch sử cổ đại nước ta.
Trên cơ sở sưu tầm và thẩm định độ chính xác của các tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu thực tế, phẩm phục dựng lại toàn bộ 12 sứ quân và nhà nước vương triều Đinh Tiên Hoàng và Nhà Đinh.
GS. TS Võ Khánh Vinh – Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam nhận định, công trình “Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước” là công trình có chất lượng xuất sắc, chứa đựng một khối tư liệu đầy đủ và toàn diện nhất về Đinh Tiên Hoàng và Nhà Đinh. Đây cũng là những tư liệu đầu tiên về Vương triều này vài thế kỷ X được công bố, đánh giá đúng vai trò và công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng cũng như triều Nhà Đinh trong sự chấm dứt 1000 năm bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của nước Đại Việt sau này.
Hồ Qúy Ly – những tài liệu lần đầu công bố
Hồ Qúy Ly là một nhân vật lịch sử có gương mặt khá nổi bật trong lịch sử Việt Nam nhưng cũng là nhân vật có nhiều ý kiến, nhận định, đánh giá khác nhau nhiều khi trái ngược.
PGS. TS. Nguyễn Danh Phiệt cho rằng, để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới đất nước, những hoạt động cải cách trong lịch sử cần được nghiên cứu, trong đó có Hồ Qúy Ly và những hoạt động cải cách của ông.
Xuất phát từ đó, công trình Hồ Qúy Ly nghiên cứu toàn bộ con người bao gốm nguồn gốc, gia thế và những hoạt động của ông trong thời gian từ cuối thời nhà Trần đến khi làm vua và Thượng hoàng nhà Hồ.
Tác phẩm đề cao vai trò tích cực của Hồ Qúy Ly trong bối cảnh lịch sử xã hội trì trệm suy thoái hồi thế kỷ XIV – cuối Trần.
Được vua Nghệ Tông tin dùng, với vị trí cao trong vương triều ông trở thành đối thủ của vương hầu quý tộc Trần. Mâu thuẫn giữa Hồ Qúy Ly và vương hầu quý tộc Trần ngày càng trầm trọng, dẫn đến hành động quyết liệt, giành ngôi vua nhà Trần lúc vương triều suy thoái không có khả năng điều hành đất nước. Ông giành vị trí làm vua để tiếp tục thực hiện những cải cách mà ông chủ trương và trước đó được vua Nghệ Tông ủng hộ.
Hoạt động cải cách của Hồ Qúy Ly khá rộng trên khắp các lĩnh vực văn hóa – xã hội, chính trị, kinh tế, quân sự, để lại dấu ấn trong lịch sử. Nhưng cuộc cải cách của ông cũng có những hạn chế lớn, chủ yếu là chưa hoàn toàn phù hợp với xã hội nước ta lúc bấy giờ.
Tác phẩm nêu bật bối cảnh lịch sử phức tạp của lịch sử xã hội cuối thế kỷ XIV: bên trong bế tắc, khó khăn, nhà nước bất lực, bên ngoài nguy cơ xâm lược của Chiêm Thành ở phía Nam, Trung Hoa ở phía Bắc.Trong bối cảnh đó Hồ Qúy Ly đã hết mình chèo lái con thuyền Đại Việt với muôn vàn khó khăn.
Cuối cùng, mọi chủ trương cải cách của ông chưa phát huy hết tác dụng đã bọ chặn đứng lại vì sự xâm lược của giặc Minh. Cuộc kháng chiến chống giặc của ông bị thất bại. Ông và Triều thần, gia quyến bị bắt đưa về phương Bắc.
Có thể đánh giá Hồ Qúy Ly là một nhà cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam. Tác phẩm này cũng khẳng định Hồ Qúy Ly là nhà yêu nước quyết tâm chống giặc Minh đến cùng. Ông cũng đã dẹp yên, đẩy lùi nguy cơ Chiêm Thành về phía Nam. Đây là công trình nghiên cứu sử học đầu tiên về Hồ Qúy Ly và Nhà Hồ được công bố. Đó chính là những đóng góp chính, đặc sắc của công trình nghiên cứu lịch sử cổ trung đại Việt Nam qua nhân vật Hồ Qúy Ly, PGS. TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam khẳng định.
PGS. TS Trần Đức Cường, Viện sử học Việt Nam cũng cho rằng, có thể nói, cụm công trình nghiên cứu Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước và Hồ Qúy Ly của PGS. TS Nguyễn Danh Phiệt là công trình nghiên cứu Sử học đầu tiên được công bố về Đinh Tiên Hoàng và Nhà Đinh và Hồ Qúy Ly. Cụm công trình này xứng đáng nhận được giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010.
Nhiều nhà nghiên cứu khoa học có uy tín trong nước đánh giá cụm công trình đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học lịch sử Việt Nam, cung cấp những nhận thức sâu sắc hơn về tinh thần dân tộc và công lao dựng nước của Nhà Đinh và Nhà Hồ. Đây là những tài liệu quan trọng đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước về lịch sử Việt Nam.
Phương Hoàn