Phòng thí nghiệm phát triển ứng dụng di động (mLab) khu vực Đông Á vừa chính thức hoạt động tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHBI) – khu công nghệ cao TP.HCM ngày 17.9.
Đây là dự án thuộc chương trình “xây dựng doanh nghiệp bền vững trong nền kinh tế tri thức” được hỗ trợ bởi infoDev – một chương trình toàn cầu trực thuộc ngân hàng Thế giới (WB) do Chính phủ Phần Lan hợp tác cùng hãng Nokia tài trợ.
Chương trình nhằm khuyến khích doanh nghiệp nhỏ ứng dụng IT và các mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên công nghệ; hỗ trợ các nhà phát triển nội dung và ứng dụng di động đáp ứng cho nhu cầu nội địa.
TS Lê Hoài Quốc, giám đốc khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, thông qua mô hình mLab, thành phố mong muốn từng bước xây dựng và hoàn thiện mô hình doanh nhân sáng tạo. Kỳ vọng xa hơn là giúp các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin một cách dễ dàng, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM và khu vực lân cận. “Kỳ vọng tạo ra môi trường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển sáng tạo và đưa được sản phẩm vào thị trường công nghệ đầy tiềm năng”.
Về nguyên nhân chọn đặt mLab tại Việt Nam, bà Ellen Olafsen, đặc phái viên của WB, cho biết Việt Nam là thị trường có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nhờ nhân tố trẻ, đồng thời cần công ty quốc tế có khả năng hỗ trợ thương mại hoá khi các hạt giống trong nước đủ lực phát triển. “Vai trò của infoDev là khuyến khích các doanh nghiệp ươm tạo đưa ra những ứng dụng phục vụ cho nhu cầu đời sống, tạo ra sự kết nối của người dân, doanh nghiệp với các dịch vụ công của chính phủ dễ dàng hơn”.
Trong khi đó là nhà đồng tài trợ, ông Fanbien Lotz, giám đốc Hệ cộng sinh di động Nokia Indochina và Philippines, cho biết yếu tố quyết định là thị trường Việt Nam phù hợp với tiêu chí dự án bởi có nền tảng ứng dụng di động tốt, nhiều lập trình viên giỏi và một thị trường rộng lớn. “Chỉ tính riêng chợ ứng dụng Nokia Store đến nay đã có 200 triệu lượt tải, chưa kể số lượt tải từ Microsoft – nền tảng đang hỗ trợ Nokia. Tiềm năng thị trường lẫn người dùng tại Việt Nam là rất hấp dẫn”, ông khẳng định.
Trả lời phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lähdevirta cho biết bộ Ngoại giao nước này đã thông qua nguồn tài chính 15 triệu USD nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm sáng tạo công nghệ tại các quốc gia. Bên cạnh đó, một nguồn quỹ 100 triệu euro cũng được Phần Lan nhắm phân bổ cho các dự án sáng tạo trong doanh nghiệp tư nhân, là động cơ phát triển kinh tế tại các quốc gia, trong vòng ba năm tới.
Khởi đầu cho hoạt động tại mLab Đông Á, SHBI tổ chức cuộc thi m2Work Hackathon, với sự hỗ trợ của infoDev, WB, UKAid và bộ Ngoại giao Phần Lan. Cuộc thi này đã thu hút gần 500 lập trình viên và phát triển được 15 ứng dụng có thể thương mại hoá. |
Chia sẻ với báo chí, bà Ellen Olafsen cho biết một chương trình ở Kenya (Đông Phi), tương tự như ở Việt Nam, sau hai năm phát triển được hơn 100 ứng dụng, trong đó có những ứng dụng hỗ trợ cho người nông dân. Có những công ty rời khỏi vườn ươm để thương mại hoá sản phẩm về thanh toán bằng điện thoại di động; phát triển ứng dụng cho các ngành giáo dục, y tế. “Là nhà cung cấp vốn hạt giống (vốn mồi) cho quá trình ươm tạo, chúng tôi như là cầu nối tạo mối quan hệ, làm việc với các dự án ươm tạo khác trong WB, tìm kiếm ứng dụng tốt và hỗ trợ các tài năng phát triển. Nhưng quan trọng nhất vẫn là hướng đến phát triển tinh thần doanh nghiệp”, bà Ellen Olafsen nói.
Mô hình vườn ươm doanh nghiệp đã khởi xướng tại Việt Nam hàng chục năm trước với nhiều mảng ươm tạo nhắm đến như doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sáng tạo, ý tưởng công nghệ… nhưng thực tiễn không nhiều điển hình thành công. Môi trường kinh doanh có quá nhiều rào cản khiến các hoạt động ươm tạo chưa hiệu quả, không hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tài chính. Các đối tượng được ươm tạo cũng rơi rụng dần bởi các trở ngại từ yếu tố pháp nhân, kế hoạch kinh doanh, nguồn đầu tư, các cơ chế sau ươm tạo, khởi nghiệp khó khăn, việc thương mại hoá lại càng khó…
Gần gây các hoạt động ươm tạo đã sôi động trở lại và các nhà doanh nghiệp bắt đầu đề cao vai trò ươm tạo. Tại mLab, ngoài vai trò SHBI, các đối tác trực tiếp tham gia còn có đại học Quốc gia TP.HCM, đại học FPT và công ty Elcom. Thực tế, mảng phát triển ứng dụng di động đang có sức hút nổi bật so với các mô hình khác bởi đông đảo giới trẻ Việt Nam đang có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, dễ dàng phát huy các ý tưởng sáng tạo và việc khả năng thương mại được đánh giá cao. Thị trường có thể đặt kỳ vọng thành công với những nơi ươm tạo như mLab, tuy nhiên những hạt giống có nảy thành mầm, cây bao giờ trổ hoa vẫn đang là một thách thức lớn với mọi nhà ươm tạo.