Vĩnh Phúc triển khai hiệu quả các đề tài, dự án KH&CN
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh tặng cờ đơn vị xuất sắc cho Sở KH&CN Vĩnh Phúc (Ảnh: KH)
Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: 5 năm qua, các đề tài, dự án KH&CN đã được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Có 66% đề tài sau khi nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn. Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất và đời sống đã đạt được những kết quả khả quan.
Ngành nông nghiệp đã tập trung ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công nghệ sản xuất mới đã được chú trọng. Các dự án đầu tư mới, nhất là các dự án trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh có công nghệ sản xuất tương đối hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ứng dụng công nghệ thông tin được coi trọng và được triển khai ở tất cả các cấp, các ngành, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ và cải cách thủ tục hành chính, các dịch vụ hành chính công của tỉnh. Tiềm lực KH&CN từng bước được tăng cường, nhất là về đội ngũ cán bộ KH&CN. Trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm ngày càng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tạo phong trào nghiên cứu, triển khai KH&CN sâu rộng trong các ngành.
Từ năm 2006-2010, Hội đồng KH&CN tỉnh đã tuyển chọn, trình phê duyệt 357 đề tài nghiên cứu với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng, trong đó tuyển chọn và trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai nhân rộng 88 mô hình KH&CN (đề tài triển khai thực nghiệm) ứng dụng vào thực tế đời sống và sản xuất với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Triển khai 4 dự án cấp Bộ thuộc chương trình nông thôn miền núi; hoàn thành việc triển khai thực hiện đề tài Địa chí Vĩnh Phúc…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh những năm qua vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập như: Một số cấp, ngành, cơ sở sản xuất - kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ và chưa đặt đúng vị trí của KH&CN là động lực của quá trình phát triển; chính sách thu hút nhân tài chưa đủ hấp dẫn; việc nhân rộng các mô hình hiệu quả còn hạn chế...
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hoạt động KH&CN tỉnh sẽ cần tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tập trung đổi mới công tác quản lý KH&CN, nâng cao chất lượng giám định, thẩm định về KH&CN bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, bám sát thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết quả nghiên cứu các đề tài KH&CN vào cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, xây dựng nền sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa.