Kết nối cộng đồng
Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam (VinaREN) là kết quả triển khai dự án Mạng Thông tin Á – âu giai đoạn II (TEIN2 VN). VinaREN có đường trục (backbone) tốc độ cao cho phép liên kết mạng của các trung tâm nghiên cứu và đào tạo (NC-ĐT) lớn trong cả nước. Kết nối VinaREN với các mạng NC-ĐT của các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua TEIN2/3 với tốc độ 45/155 Mbps. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về đường truyền, công nghệ, cho các tổ chức NC-ĐT Việt Nam được kết nối vào mạng VinaREN; Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển bền vững mạng VinaREN. Đặc biệt, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các dịch vụ và ứng dụng mạng tiên tiến thế hệ mới ở Việt Nam.
Ban đầu, VinaREN chỉ có một trung tâm vận hành mạng (NOC-VN) đặt tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội kết nối với 4 điểm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung tâm Thông tin KH-CN Quốc gia, Viện Nhi Trung ương và Viện KH-CN Việt Nam. Đến nay, VinaREN đã liên kết các trung tâm NC-ĐT quan trọng trên toàn quốc. Nâng số địa phương được kết nối từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ lên con số 11. Số đơn vị, thành viên được kết nối cũng tăng từ 44 lên 53. Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Thắng cho biết, mạng VinaREN không chỉ liên kết các nhà khoa học trong nước với nhau mà còn kết nối với cộng đồng nhà nghiên cứu, giảng dạy, đội ngũ sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của châu Á – Thái Bình Dương, châu âu, Bắc Mỹ và các khu vực khác trên thế giới thông qua kết nối liên thông giữa các mạng NC-ĐT tiên tiến trên thế giới của các quốc gia và khu vực.
Chia sẻ và khai thác
Các nhà khoa học đánh giá, năm 2008, được coi là năm thử nghiệm việc truy cập, khai thác các nguồn tin số hóa, trực tuyến trong nước và quốc tế giữa các thành viên của VinaREN. Lần đầu tiên các cơ sở dữ liệu KH-CN trong nước do Trung tâm Thông tin KH-CN Quốc gia xây dựng bao gồm hàng chục vạn tài liệu số hóa được đưa lên VinaREN để truy cập và khai thác theo chế độ mạng. Trong đó có trên 20.000 tạp chí điện tử trực tuyến về hầu hết các lĩnh vực KH-CN, giáo dục và đào tạo. Nhờ triển khai các dịch vụ thư viện điện tử, các thành viên VinaREN đã có khả năng và cơ hội truy cập, khai thác, cập nhật hàng ngày, hàng giờ các nguồn tri thức KH-CN, phục vụ thiết thực cho nghiên cứu và đào tạo của các thành viên.
Không chỉ cung cấp thông tin khoa học, mạng VinaREN cũng đã hình thành được những buổi Telemedicine (giải phẫu bệnh từ xa, phẫu thuật nội soi, chẩn đoán hình ảnh từ xa) với quy mô quốc gia và quốc tế. Các chương trình học qua mạng như: Dự án School of internet và Asean Internet Interconnection Innitiatives Project SOI-AI3, E-learning qua TEIN2/CanalAVIST, Dự án BESETOHA, Chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo, bảo vệ luận án qua mạng...cũng được áp dụng. Đặc biệt, trong công tác dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn thường xuyên kết nối và lấy dữ liệu từ các Trung tâm Dữ liệu Khí tượng thủy văn của Mỹ, Canada và khu vực châu Á - Thái Bình Dương để xử lý và dự báo thời tiết ở Việt Nam…
Ông Tạ Bá Hưng thuộc Trung tâm Thông tin KH-CN Quốc gia cho biết, mặc dù, đã có những bước phát triển rõ rệt nhưng các thành viên của VinaREN vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò của VinaREN đối với công tác NC-ĐT. Nhiều thành viên còn thụ động trong việc tổ chức khai thác, ứng dụng VinaREN trong hoạt động chức năng thường xuyên của mình, chưa kết hợp và chưa biết phát huy vai trò của VinaREN trong triển khai các chương trình nội dung hợp tác trong nước và quốc tế. Nhiều thành viên chưa có sự chuẩn bị, đầu tư cần thiết về trang thiết bị và nhân lực chuyên môn tương ứng để có thể phát huy hiệu quả của việc kết nối với VinaREN. Trong đó, phải nói đến nhận thức về vai trò và tác dụng của VinaREN đối với công tác nghiên cứu và đào tạo ở không ít cấp lãnh đạo của các đồng vị thành viên còn hạn chế. Sự quan tâm của lãnh đạo nhiều cơ quan thành viên VinaREN còn bất cập.
Trước những hạn chế này, Bộ KH-CN cũng đã có định hướng nhằm đẩy mạnh công tác phát triển thành viên. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm 100% các thành viên có cơ hội và khả năng truy cập, chia sẻ các nguồn tin KH-CN trong nước và thế giới phục vụ NC-ĐT và các hoạt động chức năng của mình. Thúc đẩy hoạt động của các Nhóm công tác trên cơ sở hình thành các chương trình hợp tác, phối hợp giữa các thành viên trong nước và với các đối tác nước ngoài về các lĩnh vực liên quan, đặc biệt trong các lĩnh vực: đào tạo từ xa, y học từ xa, thay đổi khí hậu, tính toán lưới... Đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng VinaREN, trong đó nêu rõ cơ chế đóng góp tài chính và cơ chế quản lý, vận hành VinaREN.