Trong “Ngày IPv6 Việt Nam” vừa được tổ chức ở TPHCM, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trình diễn 2 loại thiết bị tích hợp hỗ trợ IPv6 do tập đoàn này tự nghiên cứu và chế tạo là Router wifi và Modem EOC Slave gây chú ý với các doanh nghiệp viễn thông. Tại thời điểm này, đây là doanh nghiệp viễn thông duy nhất tại Việt Nam nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị tích hợp hỗ trợ IPv6.
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp để ứng dụng rộng rãi IPv6 chính là thiết bị đầu cuối của khách hàng chưa hỗ trợ IPv6. Theo ước tính của Viettel, hiện có khoảng 85% thiết bị đầu cuối của khách hàng không hỗ trợ IPv6. Do vậy, để chủ động hưởng ứng kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Viettel đã đưa IPv6 vào công tác nghiên cứu sản xuất cho tất cả các dự án sản xuất thiết bị phục vụ cả trong và ngoài nước, Viettel đã nghiên cứu và chế tạo thành công 2 thiết bị tích hợp hỗ trợ IPv6: Router wifi và Modem EOC Slave. Phía Viettel còn cho biết, hiện đang chuẩn bị tiến hành sản xuất hàng loạt cho 2 thiết bị này với số lượng ban đầu dự kiến là 5.000 sản phẩm mỗi loại...
Để tạo ra 2 sản phẩm công nghệ nói trên, từ tháng 6-2012, Ban giám đốc Tập đoàn Viettel đã giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu phát triển Viettel nghiên cứu sản xuất thiết bị WIFI Router và EOC Slave nhằm hướng tới mục tiêu chủ động cung cấp thiết bị đầu cuối cho hoạt động kinh doanh dịch vụ internet.
Đến tháng 10-2012, Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel hoàn thành mẫu thử nghiệm WIFI Router đầu tiên (EVT1) và tháng 12-2012, Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel hoàn thành mẫu thử nghiệm thứ 2 (EVT2) với nhiều nâng cấp cải tiến: mở rộng vùng phủ wifi, nâng cấp phần cứng sẵn sàng cho IPv6, sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Chưa hết, đến tháng 1-2013 mới hoàn thành mẫu thử đầu tiên của thiết bị EOC Slave. Ngay từ mẫu thử đầu tiên đã hoạt động tốt. Viện Nghiên cứu và phát triển bắt đầu nghiên cứu tích hợp IPv6 Dualstack vào thiết bị WIFI Router và EOC Slave và vào tháng 4-2013, hoàn thành tích hợp IPv6 vào WIFI Router và EOC Slave. Chính thức thử nghiệm trên mạng IPv6 của Viettel cho kết quả hoạt động tốt, tương thích hoàn toàn chuẩn IPv6 Dualstack và các dịch vụ IPv6.
Là 2 loại thiết bị quan trọng trong kết nối internet nên cả 2 thiết bị có tiềm năng thị trường lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ internet của Viettel, đặc biệt là dịch vụ kết nối internet qua cáp quang FTTH và qua cáp truyền hình. Hiện Viettel đã lấy được giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trên toàn quốc, mở ra tiềm năng thị trường lớn đối với thiết bị EOC Slave. Đáng nói hơn, Viettel chủ động hoàn toàn về thiết kế phần cứng và phần mềm cho đến quá trình sản xuất, do đó đảm bảo về chất lượng và độ ổn định của thiết bị. Đây cũng là mục tiêu hàng đầu mà Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đặt ra khi giao nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất thiết bị cho Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel.