Ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Việt Nam đã thành lập Trung tâm điều phối ghép tạng đặt tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Theo đó, trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận tạng hiến và điều phối nguồn hiến, ghép để các bệnh viện thuận lợi hơn trong việc ghép tạng cho người bệnh. Trung tâm cũng có ngân hàng bảo quản tạng và tiếp nhận các đăng ký hiến tạng từ người hiến tình nguyện.
Tuy Trung tâm điều phối ghép tạng đã được thành lập, luật hiến tạng, các văn bản dưới luật đã được ban hành rất chặt chẽ nhưng nguồn tạng hiến vẫn rất khan hiếm.
Trong khi ở các nước trên thế giới, có tới 90% ca ghép tạng là lấy tạng từ người chết não, chỉ 10% từ người cho sống thì ở Việt Nam, con số người chết não hiến tạng vẫn rất ít ỏi. Tại bệnh viện Việt Đức trong năm 2010 có hơn 1.000 trường hợp chết não nhưng chỉ có 4 trường hợp hiến tạng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, trình độ ghép tạng ở Việt Nam hiện nay tương đương với nước ngoài, thậm chí tỷ lệ thành công cao hơn một số nước vì những quy định khắt khe trong việc sàng lọc trước khi ghép.
Việt Đức đã thực hiện 53 ca ghép thận, 4 ca ghép gan 1 ca ghép tim và 2 ca ghép van tim được thực hiện tại BV Việt Đức, tỷ lệ thành công sau ghép là 100%. Trong khi đó chi phí ghép tạng của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với ghép tạng tại nước ngoài.
Cũng theo ông Quyết, hiện ở nước ta có khoảng vài nghìn người đang cần ghép tạng để tiếp tục duy trì cuộc sống, tuy nhiên vì không có nguồn tạng hiến nên nhiều trường hợp đã chết trước khi được ghép tạng.
Để giải bài toán khó về nguồn tạng hiến, TS Quyết cho rằng, ngoài tuyên truyền để người dân hiểu, nhà nước cần có chính sách động viên cả về tinh thần và vật chất cho những người đăng kí kiến tạng và điều này cần được làm công khai.
Như ở các nước trên thế giới, những người đăng kí hiến tạng luôn có một thẻ trong người, họ cũng được ưu tiên về chăm sóc y tế… khi không may tử vong chết não, cơ quan y tế hoàn toàn có thể lấy ngay nguồn tạng hiến, điều phối và ghép cho những người có nhu cầu.