Tiềm lực KH&CN Thứ ba, 07/05/2024 , 01:39 am
Cập nhật : 08/12/2021 , 10:12(GMT +7)
Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật y học hiện đại ngang tầm thế giới
GS.TS Phạm Gia Khánh - Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20.
Chương trình KC.10/16-20 đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, hiện đại mà các nước trên thế giới đang thực hiện (ghép tạng, công nghệ sinh học, sinh học phân tử, xạ trị điều biến liều theo thể tích hình cung, laser quang đông phẫu thuật thai nhi, các kỹ thuật bào chế thuốc hiện đại,…). Không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, Chương trình đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp người dân tiết kiệm chi phí do không phải ra nước ngoài điều trị.

Đó là chia sẻ của GS.TS Phạm Gia Khánh - Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20) khi đánh giá về những kết quả của Chương trình KC.10/16-20 - 1 trong 7 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quản lý. 

Hiệu quả kinh tế - xã hội lớn

- PV: Sau 5 năm thực hiện, Chương trình KC.10/16-20 triển khai 40 đề tài và 6 dự án, phân bổ đều ở các nội dung nghiên cứu. GS có thể thông tin thêm về kết quả của Chương trình? 
GS.TS Phạm Gia Khánh: Chương trình KC.10 đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, hiện đại mà các nước trên thế giới đang thực hiện (ghép tạng, công nghệ sinh học, sinh học phân tử, xạ trị điều biến liều theo thể tích hình cung, laser quang đông phẫu thuật thai nhi, các kỹ thuật bào chế thuốc hiện đại, dược chất phóng xạ Na18F, Cr32PO). Nhờ vậy, đã giải quyết nhiều bệnh hiểm nghèo góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thông qua Chương trình đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ khoa học và tiềm lực KHCN y - dược trong nước theo kịp thế giới, tránh tụt hậu.
 
Chương trình mang lại hiệu quả lớn về kinh tế -xã hội. Ví dụ, ứng dụng Laser quang đông điều trị hội chứng truyền máu song thai nếu ra nước ngoài diều trị phải mất 30.000 USD, nhưng nhờ có chương trình nghiên cứu, điều trị trong nước chỉ 2.000 USD. Mỗi năm nước ta có khoảng 300 bệnh nhân phải điều trị bằng phương pháp này. Như vậy, mỗi năm tiết kiệm cho nhà nước khoảng 200 tỷ đồng. Nếu tính hiệu quả của các đề tài trong chương trình, thì hiệu quả kinh tế của chương trình mang lại gấp nhiều lần kinh phí đầu tư cho Chương trình.
 
Chương trình KC.10 cũng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, bởi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của xã hội. Con người là vốn quý nhất của xã hội và “sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Các mục tiêu và nội dung của Chương trình đều nhằm mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của Chương trình đã điều trị cho nhiều bệnh nhân, giảm thiểu tàn phế để họ tiếp tục lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Điều này đã làm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 
Chương trình đã góp phần thực hiện chính sách công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, vì đã giúp nhiều người nghèo được tận hưởng những thành tựu khoa học. Nếu không có Chương trình thì một số em nhỏ ở Hà Giang không thể có kinh phí để ghép phổi. Rõ ràng, chương trình mang ý nghĩa rất lớn đối với xã hội.
 
- Được biết, trong các giai đoạn thực hiện, Chương trình KC.10 là một trong những chương trình được cho là thành công nhất, được coi là “niềm tự hào của khoa học và công nghệ”. GS nghĩ sao về nhận định này?

GS.TS Phạm Gia Khánh: Tôi không nghĩ chương trình KC.10 là một trong những Chương trình thành công nhất, vì tôi biết các chương trình khác cũng rất thành công. Nhưng chắc chắn Chương trình KC.10 cũng như các chương trình khác là niềm tự hào của KH&CN. Vì chính nhờ có KH&CN mà Chương trình KC.10 đã ứng dụng thành công các kỹ thuật y - dược tiên tiến trên thế giới đã giải quyết nhiều bệnh tật hiểm nghèo góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 
 
- Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN như thế nào trong quá trình thực hiện, thưa Ông?
 
GS.TS Phạm Gia Khánh: Vai trò của Bộ KH&CN rất lớn trong hoạt động của các ban chủ nhiệm chương trình.
 
Thứ nhất, Bộ đã xây dựng quy định tổ chức quản lý các chương trình rất cụ thể, như chức trách, nhiệm vụ của mỗi chức danh, mối quan hệ giữa các cá nhân và tổ chức…
 
Thứ hai, Bộ KH&CN đã xây dựng các cơ chế, quy trình, hướng dẫn các hoạt động của Ban Chủ nhiệm chương trình rất cụ thể, khoa học, chặt chẽ... như các vấn đề về xác định nhiệm vụ nghiên cứu, tuyển chọn các cá nhân tổ chức tham gia nghiên cứu, tư vấn để kiểm tra giữa kỳ, đánh giá nghiệm thu...
 
Thứ ba, Bộ KH&CN đã theo dõi chỉ đạo sát sao các hoạt động của Ban Chủ nhiệm Chương trình và giải quyết nhanh chóng các khó khăn, kiến nghị của Chương trình. Nhờ các quy định này đã giúp Ban Chủ nhiệm chương trình hoạt động dễ dàng và hiệu quả.

- Hiện nay tỉ lệ ứng dụng vào thực tiễn của các nhiệm vụ thuộc Chương trình KC.10/16-20 đạt mức nào, thưa GS?
 
GS.TS Phạm Gia Khánh: Hầu hết các nhiệm vụ khoa học của chương trình đều được ứng dụng vào thực tiễn. Chúng tôi có 41/46 dự án đã được đưa vào thực tế. Hầu hết các nhiệm vụ của Chương trình đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Tuy vậy, có 5 nhiệm vụ phải thực hiện tiếp giai đoạn sau do quy định của ngành y rất chặt chẽ. Thí dụ như các vấn đề về thuốc men và một số kỹ thuật y học trước khi được điều trị chính thức trên người phải qua giai đoạn tiền lâm sang. Vì vậy, không đủ thời gian áp dụng vào thực tiễn. (Vì một nhiệm vụ thường triển khai 2-3 năm).
Ứng dụng Laser quang đông điều trị hội chứng truyền máu song thai đã đem lại sự sống cho nhiều em bé khi còn trong bụng mẹ. 
Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới của thế giới
 
- Khi mở ra các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, tức là Bộ KH&CN đã tạo ra “sân chơi” cho các nhà khoa học. Vậy GS có đề xuất giải pháp gì để “sân chơi” này ngày càng bổ ích và ngày càng có thêm nhiều kết quả đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội?
 
GS.TS Phạm Gia Khánh: Để các nhà khoa học có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&CN phải tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học hơn nữa. Trước mắt phải giảm các thủ tục hành chính, nhất là cơ chế tài chính. Vì cơ chế tài chính là vấn đề rất phức tạp, các nhà khoa học mất rất nhiều thời gian trong việc đấu thầu và thanh toán vật tư nghiên cứu, dẫn tới việc giảm hiệu quả trong công tác nghiên cứu khoa học.
 
Thứ hai, khi các nhà khoa học nghiên cứu, phải xây dựng đề cương nghiên cứu. Nhưng quá trình nghiên cứu thường cần có nhiều thời gian, dẫn tới có thể sau 2-3 năm khi có sự thay đổi hay phương pháp nghiên cứu có những cập nhật mới nhưng lại không thay đổi được nguyên vật liệu nghiên cứu trong đề cương đã xây dựng ban đầu. Vì vậy, Bộ KH&CN cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học chủ động và sáng tạo trong nghiên cứu bằng cách khoán đến các sản phẩm cuối cùng.
 
- Là chủ nhiệm Chương trình KC.10 một thời gian dài, xin Ông cho biết những thuận lợi và khó khăn của các đơn vị tham gia Chương trình?
 
GS.TS Phạm Gia Khánh: Về mặt thuận lợi, chúng ta có đội ngũ cán bộ rất tâm huyết và nhiệt tình trong nghiên cứu, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn và cả kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Vì nghiên cứu khoa học là nhu cầu cấp thiết của người thầy thuốc, đó là thuận lợi cơ bản nhất. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước và xã hội quan tâm đến KH&CN. Đảng ta đã xác định phát triển KH&CN cùng với giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế- xã hội.
 
Cùng với đó, các trang thiết bị y tế được trang bị khá đầy đủ hiện đại. Việc giao lưu và hợp tác quốc tế dễ dàng. Công nghệ thông tin trong nước phát triển nên việc cập nhật thông tin rất nhanh và thuận tiện.
 
Về mặt khó khăn, các trang thiết bị chuyên sâu còn thiếu và thiếu đồng bộ. Cơ chế tài chính còn bất cập, hạn chế tính chủ động của nhà nghiên cứu. Kinh phí cho đầu tư nghiên cứu còn hạn hẹp. 
 
- Nhằm tiếp tục nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Ông cho biết định hướng trong thời gian tới?
 
GS.TS Phạm Gia Khánh: Trong thời gian tới Chương trình sẽ nghiên cứu ứng dụng và phát triển KH&CN tiên tiến trên thế giới mà trong nước chưa thực hiện hoặc các công nghệ mới có để điều trị những bệnh nguy hiểm, bệnh tái nổi, mới nổi, bệnh để lại di chứng nặng nề, nhằm mục đích nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
 
Các kỹ thuật Chương trình ưu tiên nghiên cứu phát triển trong thời gian tới là: công nghệ ghép tạng, các kỹ thuật xử ít xâm lấn (phẫu thuật nội soi, can thiệp mạch); y học hạt nhân; tế bào gốc, sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị bệnh; hiện đại hóa y dược học cổ truyền.
 
Vâng, xin trân trọng cảm ơn Ông!
Bài, ảnh: Linh Chi
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner