Việc đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng mới có nhiều tiềm năng phát triển như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối; ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) ở quy mô công nghiệp; thúc đẩy các dự án kinh doanh sử dụng NLTT… trong việc giải quyết các bài toán về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh cho biết như trên tại Phiên khai mạc “Hội nghị quốc tế về công nghệ năng lượng bền vững lần thứ 4 (ICSET) 20016” diễn ra tại Hà Nội ngày 14/11/2016.
Tham dự Phiên khai mạc có PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK HN); ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Hội nghị ICSET được tổ chức 2 năm 1 lần, ICSET 2016 là lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam từ ngày 14-16/11, do Phân ban Điện công nghiệp và Điện tử công suất của IEEE Singapore và Chi nhánh Hội Kỹ sư Điện – Điện tử quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Trường ĐHBK HN.
Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 80 nhà nghiên cứu và học giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới như Mỹ, Đức, Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, New Zeland, Đan Mạch, Đài Loan, Việt Nam,…
PGS.TS. Tạ Cao Minh, Trường ĐHBKHN cho biết, năm nay Ban Tổ chức Hội nghị ICSET 2016 đã nhận được 120 báo cáo khoa học của hơn 250 nhà nghiên cứu đến từ 26 quốc gia trên thế giới, với số báo cáo được chấp nhận là 61, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá rất cao. Ngoài ra, Hội nghị còn mời được các giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trình bày báo cáo tham luận.
Hội nghị gồm 2 phiên toàn thể và 12 phiên kỹ thuật với hơn 30 chủ đề đa dạng “bao phủ” hầu khắp các lĩnh vực công nghệ năng lượng như: Quang điện và năng lượng mặt trời, hệ thống năng lượng gió, pin nhiên liệu, lưới điện thông minh, năng lượng sinh học và năng lượng địa nhiệt, ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực năng lượng, điện tử công suất và chuyển đổi năng lượng, quản lý năng lượng trong các tòa nhà thông minh,…
Phần lớn các báo cáo khoa học trình bày tại Hội nghị đều được nghiên cứu, phát triển bởi các nhà khoa học trẻ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế và trong nước. Một số kết quả đã được thương mại hóa, chuyển giao công nghệ cho các đối tác doanh nghiệp, có giá trị thực tiễn và ứng dụng cao trong cuộc sống.
Đáng chú ý, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), GS. Konstantin Turitsyn đã giới thiệu về các công cụ toán học thế hệ mới cho mạng lưới điện thông minh và bền vững - một giải pháp nhằm phòng ngừa các sự cố xảy ra trong lĩnh vực năng lượng. Hay TS. Vũ Thành Long, đang là nhà khoa học nghiên cứu kiêm giảng viên Viện Công nghệ Massachussets chia sẻ về việc đang ấp ủ dự án về năng lượng mới cho Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Nhiều diễn giả khác cũng đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu, xu hướng mới nhất trên thế giới, ứng dụng điện – điện tử trong các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý và đổi mới công nghệ năng lượng, các loại hình sản phẩm, dịch vụ đang được áp dụng thành công và hiệu quả trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, trong bối cảnh các nguồn nghiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường, sự tốn kém trong khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu các nguồn năng lượng mới thay thế trong bối cảnh, ngày càng cần thiết và cấp bách. Việc đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng mới có nhiều tiềm năng phát triển như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối; ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào sản xuất, sử dụng NLTT ở quy mô công nghiệp; thúc đẩy các dự án kinh doanh sử dụng NLTT… trong việc giải quyết các bài toán về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xác định đến 2030, trong đó đã đề rõ mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời ban hành chỉ thị, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng và lộ trình áp dụng cho từng ngành sản xuất công nghiệp, khuyến khích sử dụng các trang thiết bị, phương tiện có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng.
Hội thảo ICSET 2016 đã tạo ra diễn đàn cho các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam giới thiệu, công bố cũng như giao lưu chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu, công nghệ mới liên quan đến NLTT; đồng thời là cầu nối tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam với các nhà khoa học uy tín của thế giới.
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên