Theo Nghị định 108 và 109/2012/NĐ - CP, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (KHXHVN) đã chính thức hoạt động lần lượt vào ngày 19-2 và 22-2-2013. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với nền khoa học nước nhà?
Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Phạm Xuân Nam, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm KHXHVN.
Một thế hệ trí thức lớn từ rất sớm đã đặt nền móng cho việc ra đời Viện Hàn lâm
PV: Là một nhà khoa học nghiên cứu lịch sử và văn hóa, gắn bó lâu năm với Viện KHXHVN, cảm xúc của Giáo sư như thế nào khi giờ đây ở Viện đã chính thức trở thành Viện Hàn lâm KHXHVN?
GS.TS. PHẠM XUÂN NAM: Tôi có 40 năm chính thức là cán bộ của Trung tâm KHXH&NV Quốc gia, từ năm 1964-2003. Tôi vô cùng phấn khởi khi nhận được tin Chính phủ đã ra quyết định đổi tên Viện KHXHVN thành Viện Hàn lâm KHXHVN. Vào dịp Tết Quý Tỵ vừa rồi, khi GS.TS Nguyễn Xuân Thắng dẫn đầu một đoàn cán bộ các cơ quan chức năng của Viện KHXHVN đến thăm, tôi đã nhiệt liệt chúc mừng Viện về sự kiện quan trọng này. Nhân đó, tôi có nói với đoàn rằng thật ra ý tưởng thành lập Viện Hàn lâm đã được Đảng ta đưa ra cách đây nhiều thập kỷ.
- Vâng, như chúng tôi được biết ngay từ rất sớm Đảng đã chủ trương chuẩn bị cho việc ra đời Viện Hàn lâm. Và đến thời điểm hiện nay, theo Giáo sư, Viện KHXHVN sau ngần ấy năm hoạt động đã đủ tầm vóc để xứng đáng trở thành Viện Hàn lâm?
Chính phủ quyết định thành lập Viện Hàn lâm KHXHVN đã mở ra triển vọng về một giai đoạn phát triển mới của nền khoa học xã hội nước nhà. Nhưng nó hoàn toàn không phải là chiếc đũa thần để có thể ngày một ngày hai giải quyết được mọi vấn đề.
|
Tất nhiên, ý tưởng thành lập Viện Hàn lâm đã có từ gần 70 năm trước nhưng do hoàn cảnh của đất nước có những lúc phải tập trung vào giải quyết những nhiệm vụ hết sức cấp bách để giành độc lập, thống nhất đất nước. Vì vậy, đến tháng 12 năm 1953 mới thành lập Ban nghiên cứu Sử Địa Văn, lúc đó chỉ có trên 10 cán bộ. Ban đã tập hợp được những trí thức hàng đầu lúc bấy giờ như Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Vũ Ngọc Phan, Trần Đức Thảo, Hoài Thanh... Đây là những người đã đặt nền móng cho việc phát triển Ban sau này thành Ủy ban KHXHVN, rồi Viện KHXHVN.
Trong 59 năm kể từ khi có Ban nghiên cứu Sử Địa Văn đến nay là một quá trình hết sức lâu dài, vừa tập hợp nhân tài, vừa đào tạo cán bộ, vừa nghiên cứu vừa học tập. Đến nay chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ tương đối đông đảo, trong đó có những cán bộ cốt cán đầu ngành, chuyên sâu về từng lĩnh vực của KHXH&NV. Bản thân Viện KHXHVN trong quá trình phát triển vừa qua đã có nhiều đóng góp quý báu như đã tham gia biên tập Cương lĩnh của Đảng năm 1991, tham gia xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội thời kỳ 1991 -2000. Sau này lại tham gia vào việc xây dựng Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và xây dựng Chiến lược mới cho thời kỳ 2011-2020...
Nhiều vấn đề lớn của thực tiễn đất nước đang chờ những nghiên cứu khoa học xứng tầm từ Viện Hàn lâm KHXHVN
- Đóng góp của Viện KHXHVN trong thời gian qua dù đã rất lớn nhưng dư luận vẫn còn băn khoăn: chúng ta có nhiều công trình cấp nhà nước, nhiều đề tài khoa học, nhiều tiến sĩ, giáo sư, song cũng có nhiều vấn đề lớn về tư tưởng, đạo đức, văn hóa, xã hội chưa được nghiên cứu thấu đáo, phù hợp với tình hình thực tiễn, thưa Giáo sư?
Về mặt lý luận, sự phát triển của mọi sự vật hiện tượng bao giờ cũng là một quá trình thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập chứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ hoàn toàn. Mỗi thời kỳ có những vấn đề khác nhau đặt ra. Giải quyết vấn đề này lại có vấn đề khác nảy sinh...
Cuộc sống của nước ta, nhất là khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có mặt tích cực, như làm cho nhiều người từ chỗ trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước... trở nên năng động, tự mình giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Chúng ta cũng đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội như đã và đang đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, mở rộng việc làm, từng bước xóa đói giảm nghèo... được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện những mặt trái như hiện tượng chạy theo đồng tiền, xem trọng giá trị vật chất mà coi thường những giá trị nhân văn. Đặc biệt, trong việc xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội, nhiều ngành, nhiều địa phương thường có xu hướng thiên về chạy theo tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Hệ quả là bệnh viện, nhất là ở tuyến trung ương thì quá tải mà sân golf thì nhiều; nhà trẻ thiếu, nông dân thiếu đất sản xuất trong khi có hơn 260 khu công nghiệp còn một nửa diện tích đất để trống cho cỏ mọc...
- Như vậy, với sự ra đời của Viện Hàn lâm KHXHVN liệu có thể đón chờ một thời kỳ mới nhiều triển vọng về những công trình nghiên cứu, những nhà khoa học đủ tầm vóc quốc gia và quốc tế, thưa Giáo sư?
Có thể nói đội ngũ khoa học của đất nước bao gồm rất nhiều bộ phận chứ không chỉ riêng có ở Viện Hàn lâm KHXHVN. Tất nhiên, với những chức năng và nhiệm vụ mới mà Đảng và Chính phủ đặt ra, tôi tin là Viện Hàn lâm KHXHVN sẽ có một bước phát triển mới, sẽ có những đóng góp mới trong việc cung cấp những lý luận và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách với nhiều tiến bộ hơn.
Để làm được điều đó, theo tôi, trước hết cần có sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước. Thứ hai là sự nỗ lực của bản thân Viện. Thứ ba là Đảng và Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho Viện có thể thu hút được nhân tài. Theo tôi, trong thời gian sắp tới, vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của Viện Hàn lâm KHXHVN là thu hút, tập hợp được những nhân tài khoa học, xây dựng được một đội ngũ chuyên gia hàng đầu có khả năng giải quyết những vấn đề thiết yếu đang đặt ra đối với KHXH trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Rồi việc xây dựng những công trình, bộ công trình khoa học lớn để làm sáng tỏ hơn nữa những đặc sắc, tinh hoa của nền văn hiến Việt Nam mà ông cha ta dày công vun đắp trong suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước…
Nhiều nước có Viện Hàn lâm không nhất thiết phải có ngay Viện sĩ
- Thưa giáo sư, trước đây Viện KHXHVN đã có nhiều nhà khoa học được phong giáo sư, phó giáo sư. Nay lại có Viện Hàn lâm tức là sắp tới chúng ta sẽ có những nhà khoa học được phong hàm Viện sĩ. Và vào thời điểm này chúng ta đều hy vọng sự ra đời của Viện Hàn lâm KHXHVN sẽ thúc đẩy nền khoa học nước nhà lớn mạnh, xứng tầm 2 chữ "hàn lâm”?
Việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư không thuộc chức năng của Viện KHXHVN trước đây mà là của Hội đồng học hàm Quốc gia do cơ quan có thẩm quyền lập ra. Riêng việc phong hàm Viện sĩ sắp tới, như Nghị định 109 đã nói rõ, Viện Hàn lâm sẽ phải dự thảo quy chế về việc thực hiện việc đó như thế nào, tiêu chuẩn ra sao… để trình lên Chính phủ xem xét và chính thức ban hành. Theo như tôi biết, một số nước đã có Viện Hàn lâm nhưng không nhất thiết phải có ngay Viện sĩ. Và ở nước ta hiện nay, đã có một số nhà khoa học Việt Nam được các Viện Hàn lâm nước ngoài công nhận. Nhưng những người đó có trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học của Việt Nam hay không thì phải căn cứ vào quy chế do Chính phủ ban hành mới quyết định được…
Sau cùng, tôi muốn nhắc lại rằng việc Chính phủ quyết định thành lập Viện Hàn lâm KHXHVN đã mở ra triển vọng về một giai đoạn phát triển mới của nền khoa học xã hội nước nhà. Nhưng nó hoàn toàn không phải là chiếc đũa thần để có thể ngày một ngày hai giải quyết được mọi vấn đề. Điều đó đòi hỏi một quá trình nỗ lực phấn đấu gian khổ. Và chúng ta cùng hy vọng…
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!