Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 26/04/2024 , 10:17 am
Cập nhật : 17/08/2012 , 18:08(GMT +7)
Việt Nam cần làm gì để tạo ra sự phát triển đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN
Công ty hạt giống Việt Nông dành 20% tổng doanh số để đầu tư cho công nghệ sản xuất hạt giống
Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên trên thực tế trong bối cảnh cạnh tranh và phát triển giữa các quốc gia thì KH&CN vẫn chưa được đặt đúng vị trí để có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước. Hiện nay, hàng năm nhà nước vẫn dành khoảng 2% chi ngân sách cho KH&CN nhưng khoản đầu tư này lại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Vậy chúng ta cần phải làm gì để tạo ra sự phát triển đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào cuộc sống.

Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam với TS. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN - khách mời của Chương trình “Theo dòng thời sự” ngày 15/8.

PV: Thưa Bộ trưởng, có một số ý kiến cho rằng ở nước ta vẫn còn tình trạng nhiều nhà khoa học có học hàm, học vị cao nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc. Điều này cũng thể hiện ở hàm lượng KH&CN trong sản phẩm và dịch vụ ở nước ta vẫn còn khá thấp. Vậy ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi cho rằng có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là thị trường KH&CN Việt Nam còn đang rất manh nha do ra đời rất muộn và chưa có sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của kinh tế xã hội. Hiện nay, giữa nguồn cung (tức là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở các viện, trường) với nguồn cầu (nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp) rất thiếu định chế trung gian, tức là các tổ chức làm dịch vụ trong thị trường KH&CN. Vì thế kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học rất khó đến với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận với các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học.

Thứ hai là môi trường cho các nhà khoa học làm nghiên cứu còn khó khăn. Các nhà khoa học chưa có điều kiện thuận lợi để có đủ trang thiết bị trong phòng thí nghiệm, chưa có điều kiện để giao lưu quốc tế thuận lợi nhất, cũng như chưa có chế độ tự chủ để có thể làm được những công việc theo khả năng.

Thứ ba là bản thân các nhà khoa học vẫn còn có những mặt khiếm khuyết, đó là các đề tài nghiên cứu của họ nhiều khi không bám sát vào nhu cầu phát triển thực tiễn sản xuất kinh doanh. Do đời sống còn nhiều khó khăn nên thực sự các nhà khoa học còn đang bươn chải để có thể tồn tại được trong nền kinh tế thị trường, chưa dành toàn tâm toàn trí cho hoạt động nghiên cứu. Vì thế trong phương hướng sắp tới, chúng tôi cố gắng giải quyết cả ba nguyên nhân này để làm sao giới khoa học có thể đóng góp thiết thực nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Thưa Bộ trưởng, thính giả Phan Trí Thức (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đặt câu hỏi: Theo tôi một số giáo sư, tiến sĩ phải thi lại học hàm, học vị, không cứ ngồi ghế đến tháng lấy tiền của dân là không được. Rồi một số cá nhân phát minh ra nhiều cái mới có năng suất cho nhân dân phải thưởng cho người ta cao lên. Bộ trưởng nghĩ như thế nào sau khi nghe ý kiến này?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi đồng ý với một phần ý kiến của bác Thức. Thực tế thì chúng ta vẫn thường nói tới chuyện học giả bằng thật hoặc là học thật nhưng bằng giả. Những vấn đề đó chúng ta đã nói đến nhiều, tuy nhiên trong thời gian vừa qua mặc dù còn một vài thiếu sót như vậy nhưng giới khoa học Việt Nam cũng đã làm được rất nhiều việc. Thực sự có nhiều nhà khoa học tận tâm với sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước. Trong thời gian rất ngắn chúng ta đã làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới.

Ví dụ trong ngành cầu đường chúng ta đã làm chủ được công nghệ và thi công được những loại cầu phức tạp và có thể nói ở trình độ tiến tiến của thế giới như cầu Dây Văng Bãi Cháy, cầu Hàm Luông và gần đây nhất là cầu Pá Uôn trên vùng núi phía Bắc. Đây là những cầu có trụ cầu cao tới gần 100 m hoặc có nhịp đúc hẫng tới 150 m. Những công nghệ tiên tiến nhất của các nước tiên tiến được áp dụng ở đây và chúng ta đã rất thành công. Hoặc trong ngành đóng tàu, về mặt công nghệ chúng ta đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về đóng tàu. Chúng ta cũng đã đóng được những tàu chở dầu 100.000 tấn hoặc tàu chở ô tô tới 6.000 chiếc và những loại tàu trọng tải trung bình cỡ 53.000 tấn. Không phải quốc gia nào cũng có thể làm được.

Vì thế xin nói với bác Thức là giới khoa học Việt Nam cũng vẫn còn rất nhiều người tài giỏi, tâm huyết, xứng đáng là nhà khoa học của nhân dân. Còn những trường hợp đặc biệt, đơn lẻ mà nhà khoa học không đáp ứng được thì chắc là cuộc sống sẽ tự đào thải họ, họ sẽ không thể tồn tại với học vị giáo sư, tiến sĩ mà họ không có đóng góp gì cho xã hội.

PV: Thưa Bộ trưởng, KH&CN ngày càng phát triển, một trong những yếu tố quan trọng đó là nhân lực. Tuy nhiên, trong thời đại của KH&CN như hiện nay chúng ta vẫn đang thiếu trầm trọng những cán bộ KH&CN trình độ cao. Xin Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua Bộ KH&CN đã làm gì để khắc phục tình trạng này?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng ta đang rất thiếu những nhà khoa học hàng đầu mà chúng tôi thường gọi là các tổng công trình sư, các kỹ sư trưởng. Đối với doanh nghiệp, hiện nay chúng ta rất thiếu những người có trình độ kỹ thuật cao có thể coi là kỹ sư trưởng của một dây chuyền sản xuất, đặc biệt là trong các doanh nghiệp của Việt Nam. Các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư với nước ngoài thì đội ngũ này đã tương đối trưởng thành. Còn tổng công trình sư quả thực chúng ta thiếu những người có khả năng tập hợp được đội ngũ khoa học mạnh để có thể làm được những công trình trọn vẹn. Hiện nay những công trình lớn thường chúng ta vẫn phải thuê tư vấn nước ngoài.

Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã xây dựng một số đề án hướng tới việc tạo ra những tập thể khoa học mạnh và những nhà khoa học hàng đầu, những tổng công trình sư. Một trong những đề án đó là đề án về chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ KH&CN.

Chúng tôi cũng đã 3 lần trình với Chính phủ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, Chính phủ thấy rằng nội dung của đề án là đúng, rất là tốt nhưng nguồn lực để đáp ứng còn có khó khăn nhất định. Vì thế hiện nay, chúng tôi đang xây dựng một đề án lớn để trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa 11, sẽ họp vào tháng 10 năm nay về “Phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Trong đó có một nội dung tạo cơ chế đặc biệt để đãi ngộ một số nhà khoa học hàng đầu, những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam, những nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ quốc gia và những nhà khoa học trẻ có tài năng, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi hy vọng với đề án này nguồn lực của chúng ta có thể đáp ứng được và chúng ta sẽ sớm có được những tập thể khoa học mạnh. Các nhà khoa học lớn họ sẽ có kết quả nghiên cứu, kết quả sáng tạo xứng đáng đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Thính giả Vũ Quang (Yên Bái) có hỏi Bộ trưởng: Nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển KH&CN cao nhưng tôi được biết hiện nay Việt Nam đang thiếu những cán bộ khoa học có trình độ cao. Xin Bộ trưởng cho biết tại sao Việt Nam lại thiếu, trong khi nhiều nhà khoa học được đào tạo tại nước ngoài lại không muốn quay trở về làm việc tại Việt Nam?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng ta rất thiếu nhà khoa học trình độ cao, mặc dù trí tuệ người Việt Nam chắc không thua kém bất kỳ dân tộc nào. Tuy nhiên, có thể nói trong thời gian vừa qua do đất nước còn khó khăn, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động KH&CN còn rất khiêm tốn, vì thế mà chúng ta chưa có chế độ đãi ngộ thích đáng với những nhà khoa học, đặc biệt là những người có đóng góp lớn cho đất nước và những người có trình độ cao.

Trong khi đó, điều kiện làm việc của giới khoa học cũng chưa được tạo điều kiện thuận lợi nhất. Chính vì thế có xu hướng các nhà khoa học trẻ thường phải tìm cho mình một vị trí làm việc ở các công ty nước ngoài, hoặc làm việc ở nước ngoài. Tôi cho rằng đây là một xu hướng chúng ta phải chấp nhận. Bởi vì trong tương lai chúng ta rất cần đến nhà khoa học có trình độ cao. Nếu các nhà khoa học có thời gian làm việc, nghiên cứu, học tập ở nước ngoài, họ tích lũy kinh nghiệm và khi chúng ta có đủ điều kiện họ sẽ quay trở về phục vụ đất nước. Chúng tôi thấy rằng cần phải tạo môi trường làm việc trong nước thuận lợi nhất cho các nhà khoa học.

Chính phủ đã dành một khoản ngân sách tương đối lớn đầu tư 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cũng như xây dựng một số viện nghiên cứu trọng điểm của nhà nước. Chúng tôi cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước thành lập các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu của các doanh nghiệp hoặc tổ chức khoa học ngoài nhà nước.

Trong thời gian vừa qua đã có những tín hiệu đáng mừng, nhiều viện nghiên cứu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn được thành lập. Với chính sách đãi ngộ, chính sách trọng dụng họ đã thu hút được nhiều cán bộ trẻ vào làm việc và đã có những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Vì vậy chúng tôi cho rằng Chính phủ sẽ tiếp tục theo xu hướng này, để làm sao thu hút được người giỏi về nước làm việc cũng như các bạn trẻ trong nước tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học có những đóng góp to lớn cho đất nước.

PV: Thưa Bộ trưởng, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học. Trong khi vẫn có tình trạng phải trả lại tiền ngân sách nhà nước (NSNN) thì các nhà khoa học lại đang rất đau đầu trong việc hợp thức hóa chứng từ cho những dự án, đề tài nghiên cứu của mình. Hay nói một cách khác những vướng mắc trong cơ chế tài chính vẫn còn khá là nhiều. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang phải làm mấy việc đồng thời. Thứ nhất là chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xây dựng một đề án về “Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN”, trong đó trọng tâm là đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN. Để hậu thuẫn cho đề án này, chúng tôi đang tiến hành xây dựng Luật KH&CN sửa đổi. Bởi vì chúng ta phải đưa vào những văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của nhà nước những vấn đề mang tính đổi mới mới có thể hỗ trợ cho việc thực thi đề án đổi mới của Bộ KH&CN.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xây dựng và ban hành Luật KH&CN sửa đổi, chúng tôi xây dựng đề án trình Trung ương Đảng trong phiên họp lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10 năm nay. Trong Đề án này Trung ương Đảng sẽ nghiên cứu, thảo luận và thông qua, sẽ có thể ban hành một Nghị quyết mới của Trung ương Đảng thay thế cho Nghị quyết Trung ương 2 Khóa 8 từ năm 1996.

Theo đó, chúng ta phải đổi mới đồng bộ, toàn diện về cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN nhưng trước hết đó là đổi mới cơ chế quản lý về tài chính. Có thể nói các đề tài nghiên cứu hiện nay phải lập kế hoạch theo một quy định không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN. Đó là chúng ta phải xây dựng kế hoạch từ trước năm tài chính khoảng 1,5 năm cho đến khi các nhà khoa học nhận được kinh phí thông qua hợp đồng thì nhiều đề xuất nghiên cứu của họ đã trở nên lạc hậu trong xu hướng phát triển như vũ bão của KH&CN hiện nay. Nhiều nội dung trong đó đã trở nên không đáp ứng nổi bởi tốc độ lạm phát và trượt giá của nền kinh tế. Chính vì thế khi nhận được kinh phí nhiều nhà khoa học đã không triển khai được đề tài theo kế hoạch của họ và buộc phải trả lại một phần kinh phí đó cho ngân sách nhà nước.

Toàn bộ kinh phí đầu tư phát triển cho đến thời điểm này Bộ KH&CN cũng chưa thể quản lý một cách hiệu quả nhất. Bởi các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng các dự án đầu tư sử dụng vốn KH&CN đều làm việc trực tiếp với Bộ Kế hoạch Đầu tư. Vì thế có tình trạng khi phân bổ vốn đó về địa phương, Hội đồng nhân dân lại quyết định sử dụng kinh phí đó cho công việc cấp bách khác của địa phương như là thiên tai, dịch bệnh, các cơ sở giáo dục, y tế. Vì thế kinh phí dành cho KH&CN hầu như ở các địa phương chỉ sử dụng được một nửa đúng mục đích là xây dựng hạ tầng cho phát triển KH&CN. Khi chúng tôi có ý kiến hoặc can thiệp vào việc sử dụng ngân sách KH&CN, thường các địa phương lại phải trả lại cho NSNN.

Điều đó cũng phản ánh thực trạng kinh phí dành cho KH&CN chưa nhiều, chỉ có 2% tổng chi ngân sách nhưng hàng năm vẫn có một phần kinh phí đó không sử dụng được phải trả lại NSNN. Trong khi các nhà khoa học cũng nói rằng đang rất thiếu kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này trong đề án trình Trung ương Đảng cũng như Luật KH&CN sửa đổi sắp tới. Hy vọng trong giai đoạn sắp tới chúng ta không phải giải quyết vấn đề này như là hiện nay.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong thời gian gần đây chúng ta đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho KH&CN và đạt được một số kết quả kinh doanh khả quan nhờ ứng dụng những kết quả đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong sản xuất. Theo Bộ trưởng để tiếp tục phát huy và thu hút sự đầu tư của xã hội, nhất là sự đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực KH&CN, chúng ta cần có những cơ chế chính sách như thế nào?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng tôi cho rằng đầu tư của xã hội cho KH&CN là hướng đi đúng đắn. Đây là kinh nghiệm của tất cả các nước đã phát triển và đang phát triển trên thế giới. Bởi nếu chúng ta làm khoa học chỉ dựa vào NSNN thì vừa thiếu nguồn, cơ chế chi tiêu lại rất khó khăn. Trong khi đóng góp của doanh nghiệp cho KH&CN ở Việt Nam còn rất thấp. Kinh nghiệm của các nước, doanh nghiệp thường đóng góp cho KH&CN gấp 3-4 lần NSNN. Thậm chí tại Hàn Quốc, doanh nghiệp đóng góp gấp gần 10 lần so với NSNN. Khi sử dụng tiền của doanh nghiệp chắc chắn các nhà khoa học không phải chịu chế độ chi tiêu tài chính khắc nghiệt như NSNN.

Cho nên trong Đề án lần này chúng tôi tiếp tục kiên trì đề nghị với Quốc hội thông qua Luật KH&CN sửa đổi, cho phép doanh nghiệp trích một tỉ lệ nhất định lợi nhuận trước thuế của họ để đầu tư phát triển KH&CN. Trực tiếp là thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Tuy nhiên đề xuất này đang vấp phải một vài vướng mắc. Ví dụ người ta sợ rằng nếu doanh nghiệp họ trích quá nhiều lợi nhuận của họ cho KH&CN (vì phần trích này sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp) có thể sẽ dẫn tới việc giảm sút nguồn thu cho NSNN. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khi doanh nghiệp trích nhiều cho KH&CN đương nhiên họ đổi mới được công nghệ, năng suất lao động  và doanh thu tăng lên, những năm sau họ sẽ đóng thuế nhiều hơn cho nhà nước.

Vì vậy chúng ta có thể thắt lưng buộc bụng một vài năm, chúng ta bớt thu thuế của doanh nghiệp để họ dành cho đầu tư phát triển KH&CN thì những năm tiếp theo họ sẽ đóng góp cho NSNN thông qua thuế và các nghĩa vụ khác nhiều gấp 5-10 lần so với giai đoạn trước đây.

Do vậy, chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty 90, 91 gương mẫu đi đầu trong việc dành một phần lợi nhuận trước thuế của mình cho KH&CN và các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác cũng sẽ hưởng ứng, đóng góp cho quỹ này. Đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dành một phần kinh phí đó cho Quỹ phát triển KH&CN của các tỉnh, thành phố để có thể đầu tư có trọng điểm cho một số doanh nghiệp hàng đầu của địa phương đổi mới công nghệ trước để nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp và nâng cao GDP của các địa phương.

PV: Thưa Bộ trưởng, đó là việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào KH&CN. Vậy theo Bộ trưởng chúng ta cần phải làm gì để những khoản đầu tư cho khoa học ngày càng sát với yêu cầu thực tiễn đời sống và thực sự khẳng định hiệu quả trong phát triển kinh tế đất nước?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và chúng tôi đang quyết liệt thực hiện. Đó là chuyển việc đề xuất nhiệm vụ KH&CN theo phương thức do các nhà khoa học đề xuất từ cơ sở chuyển sang phương thức đặt hàng của nhà nước. Tức là chúng ta đề xuất các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là nhiệm vụ cấp nhà nước theo tình hình phát triển, nhu cầu phát triển của các bộ, ngành và địa phương. Nếu làm được điều này toàn bộ nhiệm vụ KH&CN được đưa ra để đấu thầu tuyển chọn sẽ là những nhiệm vụ do thực tiễn cuộc sống đòi hỏi và đó cũng là đặt hàng của các bộ, ngành, địa phương đối với giới khoa học.

Khi thực hiện chế độ đặt hàng, ai đặt hàng người đó phải chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả nghiên cứu và chịu trách nhiệm tổ chức đưa kết quả nghiên cứu đó vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, không còn tình trạng đề tài nghiên cứu xong rồi phải xếp ngăn kéo không có người ứng dụng, cũng như chúng ta thường kêu ca các nhà khoa học ngồi trong tháp ngà. Bây giờ các nhà khoa học nhận đặt hàng của các bộ, ngành, các địa phương, thậm chí đặt hàng doanh nghiệp. Khi đó họ sẽ nghiên cứu có kết quả, kết quả nghiên cứu ấy là đã được các bộ, ngành, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức thực hiện để đưa nó vào sản xuất kinh doanh và cuộc sống. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ kết hợp cả hai phương thức đặt hàng của nhà nước cũng như đề xuất của giới khoa học thông qua kiểm nghiệm của doanh nghiệp. Như vậy sẽ có thể nâng cao được hiệu quả của các đề tài nghiên cứu và giảm bớt tình trạng nghiên cứu được nghiệm thu xuất sắc nhưng không có địa chỉ ứng dụng.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Phương Nga (ghi)



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner