Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 20/04/2024 , 08:32 pm
Cập nhật : 31/10/2014 , 17:10(GMT +7)
Viện Ứng dụng Công nghệ: Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ
Viện UDCN đã tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường
Lấy hướng đi đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực một cách rộng rãi, doanh thu mỗi năm của viện Ứng dụng công nghệ khoảng 20-30 tỷ đồng, đến chủ yếu từ các lĩnh vực quang điện tử, vi điện tử, vật liệu, điển hình là hàng nghìn thiết bị điều trị và phẫu thuật laser và các thiết bị điều trị bằng dòng điện đã được triển khai rộng khắp cả nước.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (1984-2014), đội ngũ các nhà khoa học của Viện Ứng dụng Công nghệ không những trưởng thành trong công tác nghiên cứu, làm chủ được một số nội dung công nghệ cao, công nghệ mới mà còn từng bước bắt nhịp được với cơ chế thị trường, tạo ra được các sản phẩm độc đáo, có tính ứng dụng, góp phần vào hình thành một số ngành mới ở nước ta.

Trong công tác chuyển giao nghệ từ các nước phát triển vào áp dụng tại Việt Nam, Viện đã góp phần tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị mới đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của thị trường. Viện đã chế tạo thiết bị và áp dụng thành công các phương pháp sử dụng trong chẩn đoán và điều trị, với các sản phẩm nghiên cứu được Bộ Y tế cấp phép lưu hành như: thiết bị điều trị bằng từ trường, phẫu thuật bằng Plasma, thiết bị điều trị trĩ, bệnh xương khớp, u xơ tiền liệt tuyến, thiết bị điện châm, dao mổ điện cao tần, laser phẫu thuật, laser châm cứu, hỗ trợ cai nghiện ma túy… Đặc biệt đã ứng dụng laser diode trong điều trị có hiệu quả cho 30 bệnh nhân ung thư thực quản ở Bệnh viện Việt-Đức.

Một số thiết bị điện tử y tế đã được nghiên cứu, cải tiến và chế tạo thành công như: máy lọc máu, máy chạy thận nhân tạo, máy rửa siêu âm, máy tán sỏi thận và niệu quản ngoài cơ thể, thiết bị điện tử thông minh đo nhịp tim, huyết áp, hàm lượng khí bão hoà trong máu. Đặc biệt, với việc chế tạo thành công thiết bị ảnh nhiệt phục vụ phát hiện bệnh nhân SARS của Viện đã góp phần quan trọng trong việc đối phó với đại dịch SARS năm 2003 ở Việt Nam.

Một số kết quả nghiên cứu về sinh học được ứng dụng tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người như các quy trình nuôi trồng và nhân giống một số loài vi tảo (Spirulina, Chlorella…); công nghệ tách chiết các hoạt chất sinh học (từ mô sẹo thông đỏ, diếp cá, La hán…) phục vụ sản xuất dược phẩm, các chế phẩm giàu dinh dưỡng và giàu hoạt chất sinh học, có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe cho người sử dụng.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông, Viện là đơn vị đầu tiên trong nước làm chủ công nghệ quản lý mạng máy tính diện rộng trên cơ sở hệ điều hành UNIX, áp dụng một số hệ thống máy tính tốc độ cao (100 triệu phép tính/giây) trong giai đoạn đất nước bị cấm vận. Trong giai đoạn 1992 – 1996, Viện đã thiết lập được một loạt mạng thông tin nội bộ và mạng thông tin diện rộng của Việt Nam. Tiêu biểu là mạng thông tin diện rộng của Chính phủ nối với tất cả các bộ, ngành và tỉnh, thành trong cả nước bằng kỹ thuật ISDN. Viện đã làm chủ và ứng dụng thành công công nghệ truyền - in báo trực tuyến nối từ Hà Nội tới các địa phương.

Điểm đặc biệt nữa, Viện là cơ quan đầu tiên áp dụng có kết quả công nghệ thiết kế và chế tạo các mạch vi điện tử chuyên dụng (ASIC) trên cơ sở các bán thành phẩm là ma trận lập trình theo hiệu ứng trường (FPGA). Công nghệ sử dụng FPGA đã đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển các thiết bị và hệ thống thiết bị điện tử có độ tin cậy cao, tốc độ xử lý nhanh, góp phần đắc lực cho việc phục hồi, cải tiến và chế tạo nhiều chủng loại thiết bị, khí tài quân sự và công nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Viện chế tạo thành công các hệ thiết bị laser CO2 có công suất từ 50 W tới 400 W, ứng dụng trong gia công cắt, khắc các vật liệu kim loại và phi kim loại theo những hình dạng phức tạp, đa dạng, được điều khiển bằng phần mềm.

Với việc khai thác, ứng dụng những công nghệ là sở trường, Viện đã tạo ra các quy trình công nghệ và thiết bị sấy nông lâm, thủy sản, thực phẩm, dược liệu bằng phương pháp sấy hồng ngoại; các quy trình công nghệ chế tạo các dụng cụ cơ khí có độ cứng bề mặt cao trên cơ sở công nghệ phun phủ plasma và công nghệ màng mỏng quang học; các bộ điều khiển lập trình (PLC) cho điều khiển tự động và giám sát trong công nghiệp (CNC); các bảng mạch điều khiển tổ máy phát điện (đã được ứng dụng tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình).

Viện đã đưa vào ứng dụng thực tế nhiều thành tựu công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, bảo vệ môi trường như: ứng dụng phương pháp và quy trình nuôi cấy mô tế bào thực vật đã nhân giống thành công nhiều loài cây dược liệu, loài hoa quý hiếm (Ba kích, lan Kim Tuyến, Bạch Tật Lê, Xáo tam phân...); sử dụng các biện pháp sinh học xử lý phế thải nông nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp; phân lập các chủng loại vi sinh, ứng dụng tạo ra các chế phẩm vi sinh phục vụ nông nghiệp, thực phẩm..

Viện có nhiều sản phẩm đóng góp, phục vụ cho an ninh - quốc phòng như: Thiết kế, chế tạo các hệ quang truyền hình chuyên dụng vùng cận hồng ngoại sử dụng để cảnh giới và xác định tọa độ mục tiêu trên không ở khoảng cách xa tới 100 km trong điều kiện ánh sáng yếu; chế tạo các bán thành phẩm cho sản xuất các thiết bị bắt bám quang học các đối tượng bay theo thời gian thực cho bộ đội phòng không. Đồng thời viện đã nghiên cứu, làm chủ nhiều công nghệ cao (IAD, Ebeam evaporation, RF sputtering, Vacuum Arc...) trong chế tạo màng mỏng quang học, phục vụ sửa chữa, cải tiến khí tài quang học..

Các công trình có tính ứng dụng Laser là một trong những nghiên cứu nổi bật của Viện
 
Viện cũng đã thử nghiệm cải tiến, hiện đại hóa thiết bị quét rađa kiểu cũ theo hướng nâng cao độ phân giải và tốc độ phát quét, giảm kích thước và bảo đảm hoạt động ổn định trong môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cải tiến chức năng của kênh thu cao tần của rađa và thiết kế hệ thống hiển thị sơ cấp của rađa P18 trên màn hình dân dụng; các hệ thống thông tin chỉ huy vô tuyến điện phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy; thiết bị cảnh báo xác định vật di chuyển bằng sóng siêu âm...

Hướng tới tổ chức KH&CN có uy tín, xứng tầm viện cấp quốc gia

Theo chiến lược phát triển Viện đến năm 2020 và Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động thực hiện tự chủ theo tinh thần Nghị định 115, Viện Ứng dụng Công nghệ đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành tổ chức KH&CN có uy tín trong cả nước về hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, xứng tầm là một Viện cấp quốc gia.

Để đạt được mục tiêu này, Viện tập trung vào các nhiệm vụ KH&CN xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn và thông qua đặt hàng, nhằm tạo ra những sản phẩm cụ thể ứng dụng vào sản xuất, đời sống. Các nhiệm vụ KH&CN cần tiên phong hướng vào các đối tượng chủ  lực và những vấn đề cấp thiết của ngành, của xã hội. Đồng thời, Viện sẽ nâng cao hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch, quản lý khoa học bằng việc tổ chức lại bộ máy, nhân sự, rà soát và hoàn thiện quy chế quản lý; Tăng cường vai trò của Hội đồng Khoa học trong việc tư vấn cho Lãnh đạo Viện về công tác KH&CN, phát triển nguồn lực nhân lực và tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất của Viện.

Cùng với đó, Viện sẽ tăng cường trao đổi, hợp tác về nghiên cứu, đào tạo với các tổ chức KH&CN trong nước và quốc tế, liên doanh, liên kết, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ mục tiêu phát triển Viện. Viện chú trọng đ ào tạo đội ngũ cán bộ vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vừa  nắm  vững các quy định của pháp luật để vận hành công việc thuận lợi, tạo nguồn phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý; ưu tiên phát triển đội ngũ nghiên  cứu có trình độ cao, theo hướng chuyên môn sâu.

Ngoài ra, Viện sẽ hỗ trợ, khuyến khích các nhà khoa học công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt chú trọng đến việc xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; quan tâm hơn nữa việc đăng ký bảo hộ, bản quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho các nhà khoa học và cho Viện...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân mong muốn Viện có thể mở rộng các đề tài nghiên cứu trong tương lai: “Không chỉ laser, là vật liệu, vi điện tử mà trên nền tảng xây dựng một hệ thống nghiên cứu xung quanh trục quang tử, sẽ có những dự án, đề tài nghiên cứu mới trong lĩnh vực quang tử và các lĩnh vực khác có liên quan”.

“Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong giai đoạn chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ sắp tới, song cũng có những thuận lợi và cơ hội mới. Chúng tôi tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết thống nhất, vượt khó, đi đầu trong nhiều lĩnh vực KH&CN, tập thể cán bộ, viên chức Viện Ứng dụng Công nghệ sẽ xây dựng Viện lớn mạnh hơn trong thời gian tới”, ông Trần Xuân Hồng bày tỏ.

Bài, ảnh: Phương Nga

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner