Cụm công trình nghiên cứu về kim loại đất hiếm kéo dài hơn 20 năm do một nhóm các nhà khoa học Việt Nam thực hiện. Người nhiều tuổi nhất đã gần 80, người trẻ nhất cũng ngoài 40. Ngọn lửa say mê khoa học đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và kết quả lớn nhất mà cụm công trình này đạt được là đã tạo ra một “tập thể khoa học mạnh” với những “nhóm nghiên cứu mạnh”.
Từ khát vọng nghiên cứu về đất hiếm…
Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn hướng nghiên cứu về vật liệu từ liên kim loại đất hiếm ở thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó đất nước còn nhiều khó khăn, GS.TSKH Thân Đức Hiền, trưởng nhóm nghiên cứu đã chia sẻ: “Thật ra khi lựa chọn một hướng nghiên cứu nào đó, nhà khoa học phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Việt Nam rất giàu tiềm năng về đất hiếm nên nghiên cứu này sẽ mở ra cơ hội để khai thác tiềm năng quý giá này cho phát triển”.
Một trong những định hướng của nhóm là nghiên cứu chế tạo nam châm đất hiếm có cường độ mạnh nhằm giảm bớt kích thước của thiết bị đồng thời tăng tính năng sử dụng của vật liệu đó. Nhớ lại những năm tháng đầu tiên, Giáo sư Hiền kể: “Công trình được triển khai năm 1980, khi đó, nước ta còn nhiều khó khăn lắm. Thiếu điện để chạy máy móc, thiếu thiết bị để thí nghiệm, nhân lực cũng còn non trẻ”. Khó khăn, thiếu thốn đến vậy vẫn không làm nản trí Giáo sư Hiền và các đồng nghiệp của ông. Niềm say mê của ông cộng với nhiệt huyết của các đồng nghiệp trẻ đã giúp ông và nhóm nghiên cứu vượt qua những khó khăn đầu tiên. Ý nghĩ làm sao khai thác nguồn tài nguyên đất hiếm vốn rất dồi dào ở Việt Nam đã thôi thúc ông tìm cách để có được thiết bị nghiên cứu cần thiết, có con người đủ trình độ để thực hiện những nghiên cứu tầm quốc tế.
Kết quả sau 22 năm thực hiện, cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp” đã công bố 80 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc hệ thống ISI, tổng số trích dẫn tính đến năm 2015 là hơn 1.000 lần, như vậy ít nhất mỗi bài báo có 20 lần trích dẫn, bằng mức trung bình của các phòng thí nghiệm trên thế giới. Nhìn lại thập kỷ 1980-2000 có thể thấy, việc công bố trên các tạp chí quốc tế mặc dù rất cần thiết nhưng vẫn còn xa lạ với các cơ sở nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Thành tích này của nhóm đã góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên thế giới.
Về định hướng ứng dụng, nhóm đã làm chủ công nghệ chế tạo các nam châm đất hiếm cao cấp sử dụng nguyên liệu đất hiếm nước ngoài và cả của Việt Nam; chế tạo thành công nam châm Ce(CoCuFe)5 với năng lượng từ đạt từ 5 đến 8 MGOe và nam châm Nd2Fe14B với năng lượng từ đạt 40 MGOe, cao hơn 10 lần so với các nam châm truyền thống. Các nam châm trên đã được ứng dụng chế tạo các thiết bị điện ở một số đơn vị trong nước cho kết quả khả quan.
… đến khát vọng truyền lửa cho thế hệ trẻ
GS.TSKH Thân Đức Hiền (áo đen, giữa) trong một chuyến công tác tại Hà Lan năm 1975.
Ngoài nghiên cứu, cụm công trình đã đào tạo thành công 7 tiến sĩ và 3 tiến sĩ khoa học; sau này có 6 người được phong giáo sư và 3 người là phó giáo sư. Nhiều thế hệ nhà khoa học đã trưởng thành, trở thành những chuyên gia đầu ngành về khoa học vật liệu, đó là GS.TSKH Nguyễn Phú Thùy, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương, GS.TS Nguyễn Huy Sinh, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh.
Giáo sư Thân Đức Hiền thực sự vui mừng và xúc động khi nhìn thấy các thế hệ học trò của mình dần trở thành những nhà khoa học “nòng cốt” của ngành khoa học vật liệu, đã và đang giữ những vị trí lãnh đạo tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo cấp quốc gia. Có được kết quả này, theo ông, một phần là do hợp tác với các trường đại học của Hà Lan. Đề tài do nhóm đưa ra, thực hiện ở trong nước nhưng các nghiên cứu sinh có thời gian ngắn làm việc ở Hà Lan để tiếp tục nghiên cứu theo nội dung đó. Khi trở về, nghiên cứu sinh tiếp tục hoàn thiện luận án của mình.
Các thế hệ nối tiếp nhau, dành tâm huyết cho ngành khoa học vật liệu-lĩnh vực được ưu tiên đầu tư hiện nay. Nhiều thế hệ học trò của GS.TSKH Thân Đức Hiền giờ đây đã trở thành đồng nghiệp, nghiên cứu cùng với ông. Là lớp nghiên cứu sinh cuối cùng được GS.TSKH Thân Đức Hiền hướng dẫn, TS. Lương Ngọc Anh cho biết: “Thầy Hiền có cách truyền lửa say mê cho học trò cũng hơi đặc biệt. Lúc đầu thầy cũng không hối thúc nhiều hay tạo áp lực cho học trò mà thầy cứ hướng dẫn từng bước kiểu như mưa dầm thấm lâu. Đến lúc mình thấy kết quả, thấy yêu nghiên cứu thì mình hoàn toàn chủ động và đi theo hướng mà thầy đã hướng dẫn”.
Đối với PGS.TS Nguyễn Phúc Dương, hiện là Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ITIMS), sự giúp đỡ của các thầy đã giúp anh thực hiện thành công nhiều nghiên cứu và đăng các kết quả ấy trên các tạp chí ISI. “Ban đầu chúng tôi rất khó khăn, bỡ ngỡ bởi từ lý thuyết đến thực tế là một khoảng cách. Nhưng các thầy đã kiên trì chỉ bảo tận tình. Điều đó giúp chúng tôi tin tưởng vào ý tưởng khoa học của các thầy và đi theo các thầy trong quá trình làm nghiên cứu sinh” – anh tâm sự.
Nhận xét về giá trị của cụm công trình, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, “đây là cụm công trình hết sức xuất sắc, tiêu biểu cho thành tựu của nền vật lý Việt Nam trong mấy thập kỷ qua”. Điểm xuất sắc ấy, theo ông, là do những nhà khoa học Việt Nam tham gia cụm công trình này “rất tài giỏi” và tuy đến nay“đã già” nhưng “đang có một đội ngũ trẻ kế cận và không ngừng lớn mạnh”.
Giáo sư Thân Đức Hiền đã dành hàng chục năm cho một niềm đam mê, cho khát vọng kiếm tìm một loại vật liệu mới hữu ích. Hơn cả mong đợi, không chỉ là những kết quả tích cực đã đạt được về mặt khoa học, thành công lớn nhất của công trình lại chính là đào tạo. Ngọn lửa say mê khoa học của các bậc tiền bối đã và đang được truyền cho các thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy./.
Bài, ảnh: Giáng Châu