Là tên Cụm công trình của Cố GS. Nguyễn Đức Bình (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thuộc lĩnh vực khoa học chính trị. Cụm công trình đã được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ đợt 6.
Đây là Cụm công trình khoa học tập hợp 64 bài viết gồm 1131 trang của cố GS. Nguyễn Đức Bình – một trong những nhà lý luận hàng đầu của Việt Nam. Cụm công trình là sự khẳng định và bảo vệ chủ thuyết phát triển của Việt Nam thời đại ngày nay là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, Cụm công trình đã luận giải những vấn đề lý luận về nội dung, tính chất của thời đại ngày nay. Luận giải sâu sắc có cơ sở lý luận – thực tiễn những nguyên nhân khách quan và chủ quan về sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu.
Theo các chuyên gia, tác giả đã luận giải thuyết phục về tính tất yếu lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa của cách mạng Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của chính sử, dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là do sự lựa chọn của chính thực tiễn lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, Cố GS. Nguyễn Đức Bình đã góp phần làm sâu sắc thêm tư tưởng cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin, luận giải vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu xuyên suốt của cuộc cách mạng Việt Nam trải qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam Bắc và thời kỳ đổi mới cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngoài việc góp phần làm sâu sắc thêm nhận thức những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, về mối quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin, kết quả của Cụm công trình còn là một trong những cơ sở khoa học để khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh, là nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đặc biệt, thời gian qua, Cụm công trình đã được xã hội hóa rộng rãi, công bố trên các tạp chí khoa học uy tín, được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; được sử dụng trực tiếp vào quá trình đào tạo cán bộ và đào tạo sau đại học; góp phần hình thành bộ môn khoa học mới ở Việt Nam, đó là chính trị học và Hồ Chí Minh học. Đồng thời, góp phần đề xuất những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nghiên cứu lý luận và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Tin: Tần Quỳnh