Trong khuôn khổ triển lãm “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Hà Nội năm 2022”, chiều 10/12, tại Bảo tàng Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước”.
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao.
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển”.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Hà Nội năm 2022”
Hội thảo khoa học Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước là hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo Hà Nội năm 2022. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó đề xuất giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của quá trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước.
Trong tham luận “Tổng quan về chuyển đổi số Việt Nam, hiện trạng và định hướng”, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp những thông tin tổng quan về chuyển đổi số dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, qua đó thấy rõ 3 trụ cột của chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) trong các lĩnh vực của nền kinh tế cũng như đánh giá rõ hiện trạng và định hướng chuyển đổi số trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, để một cơ quan, tổ chức chuyển đổi số thành công, một trong những yếu tố quan trọng nhất là nhận thức của lãnh đạo cấp cao nhất về chuyển đổi số. Lãnh đạo phải thực sự muốn tổ chức của mình thay đổi để hoạt động hiệu quả hơn, từ đó mới có thể đề ra lộ trình và xây dựng chiến lược phát triển, xác định công nghệ số phù hợp và chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Mỗi cán bộ phải thoát khỏi thói quen vùng an toàn và ủng hộ cái mới.
Để bảo đảm công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước có thể được thực hiện hiệu quả và lan tỏa đến nhiều người dân hơn nữa, theo ông Trần Việt An, giảng viên Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cần tăng cường ứng dụng tài nguyên có sẵn (tổ chức các khóa tập huấn về năng lực số cho cán bộ; chia sẻ về kinh nghiệm giữa các đơn vị trong và ngoài tổ chức; đẩy mạnh tuyên truyền đa kênh qua các ứng dụng số; tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số, an toàn trên không gian số) và đào tạo kỹ năng truyền thông trong môi trường số.
Hội thảo quy tụ hơn 100 đại biểu, khách mời là những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Các tham luận được trình bày với góc nhìn mới lạ, sát với thực tiễn, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng đánh giá việc chuyển đổi số ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, vì lợi ích thiết thực cho người dân. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp triển khai những sáng kiến số; đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số.
Bài, ảnh: PV