Ông Nguyễn Thế Truyện: Ngay từ khi thành lập, Viện đã xác định hoạt động nghiên cứu phải gắn liền với các doanh nghiệp. Do đó, các nghiên cứu của VIELINA từ trước đến nay đã tạo ra được khá nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường. Hiện nay, VIELINA đang có những sản phẩm được thị trường chấp nhận và có uy tín đối với các doanh nghiệp.
Có thể kể đến Hệ thống giám sát khí mỏ giúp cảnh báo sớm các nguy cơ cháy nổ mỏ. Sản phẩm này hiện đang được ứng dụng trong một số mỏ hầm lò ở vùng Quảng Ninh và đem lại doanh thu chính cho VIELINA. Sản phẩm này có tính năng tương đương với các sản phẩm nhập ngoại của Ba Lan, Nhật nhưng giá thành bằng khoảng 2/3, đã được đưa vào danh mục hàng hóa sản xuất được trong nước.
Sản phẩm các hệ thống định lượng tự động ứng dụng trong các trạm trộn bê tông, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, nhà máy hóa chất, phân bón NPK,... Sản phẩm này đã đã được thị trường chấp nhận từ năm 1997.
Từ những năm 2000, hệ thống thiết bị đào tạo cho các ngành điện, điện tử, tự động hóa,... cũng đã được cung cấp cho hơn 120 trường đại học, cao đẳng trong nước.
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất? Vì sao ông lại quan tâm đến Dự án FIRST?
- KH&CN là động lực, yếu tố cơ bản cho sự phát triển kinh tế của xã hội, do đó hoạt động đổi mới sáng tạo là hoạt động áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến hơn công nghệ đang có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Đổi mới sáng tạo công nghệ là yếu tố rất quan trọng trong thời đại kinh tế trí thức ngày nay. Chỉ có ứng dụng đổi mới, sáng tạo công nghệ mới có thể nâng cao được sức cạnh tranh của nền sản xuất và đủ điều kiện để hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Dự án FIRST là nơi cung cấp nguồn lực kinh tế hỗ trợ các đơn vị đổi mới và sáng tạo công nghệ. Từ khi biết thông tin về Dự án, VIELINA đã quan tâm và tích cực tham gia từ những ngày đầu Dự án khởi động. Chúng tôi coi đây là cơ hội lớn để thay đổi VIELINA về chất cũng như về lượng.
PV: Ông đã xây dựng thành công đề xuất tài trợ và được Ngân hàng Thế giới đồng ý tài trợ. Vậy ông có chia sẻ gì đối những đơn vị đang xây dựng đề xuất xin tài trợ của Ngân hàng Thế giới? Đâu là yếu tố quyết định thành công khi xây dựng đề xuất tài trợ, thưa ông?
- Theo tôi đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN thực hiện đổi mới sáng tạo. Vì vậy, theo tôi cả các doanh nghiệp nên tích cực tham gia để tuyển chọn và nhận hỗ trợ kinh phí.
Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện các đề xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi đề xuất sẽ được tổ chuyên gia quốc tế chấm và đánh giá. Đó là một quy trình đánh giá bài bản, minh bạch, rõ ràng, nên nếu đề xuất được phê duyệt, trình độ viết dự án của cán bộ cũng sẽ được nâng lên.
Muốn đề xuất thành công, chúng ta cần xác định đúng yêu cầu của tiểu hợp phần mình tham gia, vì mỗi tiểu hợp phần đều có yêu cầu, mẫu biểu riêng. Với mỗi đề xuất, theo tôi quan trọng nhất là các ý tưởng. Các ý tưởng này cần phải phù hợp với chiến lược của tổ chức và đáp ứng được yêu cầu của Dự án FIRST, đặc biệt là yêu cầu về tính đổi mới sáng tạo hiện đại của công nghệ thực hiện trong đề xuất.
Khi viết, cần trả lời được tất cả các gợi ý theo mẫu hướng dẫn, đồng thời cũng phải bám sát vào các tiêu chí đánh giá theo Sổ tay hướng dẫn (PIM) được đăng tải trên website của Dự án FIRST. Xác định rõ những nội dung cần làm và áp dụng đúng quy định, định mức tài chính, tránh trùng lặp với các nhiệm vụ đã hoặc đang thực hiện. Đề xuất kinh phí cũng cần lưu ý không nên đưa mức quá cao, tránh bị hoàn trả khi không sử dụng hết (do đấu thầu luôn rất công khai minh bạch).
PV: Với khoản tài trợ hơn 3 triệu USD từ Dự án FIRST, VIELINA sẽ sử dụng nguồn vốn này như thế nào cho hiệu quả cao nhất? VIELINA có ưu tiên hoạt động nào đặc biệt không, thưa ông?
- Chúng tôi đã nhận được tài trợ của Dự án FIRST trong đợt xét duyệt đầu tiên với mức kinh phí tối đa là 3.196.000 USD. Về nguyên tắc, sử dụng kinh phí phải theo đúng thỏa thuận thuyết minh đã được ký kết, phê duyệt. Để sử dụng hiệu quả, chúng tôi xác định phải tuân thủ đúng các quy định của nhà nước cũng như của Ngân hàng Thế giới về quản lý tài chính. Đặc biệt, trong công tác đấu thầu cần đảm bảo tính minh bạch, công khai, không có các hạn chế nhằm lựa chọn được sản phẩm chất lượng nhất với giá thành hợp lý nhất và tạo điều kiện cạnh tranh sòng phẳng cho tất cả các nhà cung cấp.
Đây là dự án ODA đầu tiên VIELINA được nhận từ khi thành lập đến nay. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã nhận được những hỗ trợ, hướng dẫn của Ban Quản lý Dự án để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí này.
Thứ nhất, chúng tôi ưu tiên phần kinh phí dành cho đào tạo nhân lực của VIELINA. Bởi chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao chúng ta mới sử dụng hiệu quả được các trang thiết bị hiện đại. Thứ hai, khi đầu tư các trang thiết bị, chúng tôi hướng tới có thể xây dựng được các phòng thí nghiệm phục vụ công tác kiểm định, kiểm chuẩn và chuẩn bị các điều kiện để phòng thí nghiệm của mình được nằm trong hệ thống VILAS (hệ thống phòng thí nghiệm của Việt Nam) nhằm tạo cho VIELINA đủ điều kiện tham gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc đánh giá hợp chuẩn hợp quy sản phẩm trong giai đoạn hội nhập.
PV: Dự kiến sau khi tiểu dự án kết thúc sẽ đem lại hiệu quả như thế nào đối với VIELINA, thưa ông?
- Sau khi tiểu dự án kết thúc, các sản phẩm chính theo thỏa thuận gồm: Hệ thống trang thiết bị và phòng thí nghiệm hiện đại; nguồn nhân lực có chất lượng; một số sản phẩm chủ lực của VIELINA trong vài năm tới và các sản phẩm về công bố kết quả nghiên cứu, bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Do đó sau khi kết thúc, chúng tôi hy vọng sẽ có một số hiệu quả cụ thể như sau: Viện sẽ thực hiện chuyển đổi thành công đảm bảo tự chủ về kinh phí theo tinh thần Nghị định 115 như mục tiêu của tiểu hợp phần 2.a Dự án FIRST. Trình độ KH&CN của các cán bộ trong VIELINA được nâng lên. Cùng với các trang thiết bị hiện đại được trang bị sẽ thu hút thêm các nhà khoa học trong nước cũng như thế giới đến làm việc tại Viện, đưa VIELINA trở thành một trong những Viện đầu ngành có trình độ tiên tiến trong khu vực theo chiến lược phát triển KH&CN đã được phê duyệt.
Khi Dự án kết thúc, việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm của VIELINA sẽ đảm bảo thực hiện theo các chuẩn quốc tế để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm do Việt Nam chế tạo trên thị trường.
PV: Ông có đề xuất gì đối với các cơ quan nhà nước để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào FIRST nói riêng và các dự án KH&CN nói chung?
- Muốn các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào Dự án FIRST cũng như các dự án KH&CN khác, theo tôi chúng ta cần phải tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp về tất cả các dự án KH&CN đang có, các yêu cầu tiêu chí đánh giá cho từng dự án.
Đồng thời, cần tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn viết thuyết minh, giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp. Mặt khác, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc đăng ký, nộp đề xuất, rút ngắn thời gian xét duyệt cấp vốn, thủ tục kiểm tra đánh giá,... Một yếu tố cũng rất quan trọng nữa, đó là các hồ sơ phải đơn giản, dễ hiểu, có hướng dẫn chi tiết.