Với những kết quả đạt được, Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng đàn bò và chế biến thức ăn thô trong chăn nuôi bò thịt tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc” được đánh giá đã làm chủ được công nghệ chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao và có thể duy trì, nhân rộng mô hình tại vùng lân cận và các vùng khác trong tỉnh.
Nhiều kết quả ấn tượng
Đây là Dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2025, được thực hiện từ tháng 9/2017 đến tháng 08/2020. Dự án được triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng bò thịt của địa phương bằng cách cho lai tạo giữa bò cái lai Zebu của địa phương với giống bò đực có năng suất cao (Brahman thuần chủng màu đỏ), đồng thời xây dựng mô hình trồng, chế biến thức ăn thô xanh cho bò trên địa bàn huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Văn Cháng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Thạch Vĩnh Phúc – Cơ quan chủ trì Dự án
Báo cáo tại Hội đồng nghiệm thu, ông Nguyễn Văn Cháng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Thạch Vĩnh Phúc – Cơ quan chủ trì dự án cho biết, sau 3 năm triển khai, dự đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, cơ quan chủ trì, cơ quan chuyển giao và Ban quản lý dự án đã hoàn thành 100% các nội dung, quy mô, số lượng sản phẩm, chất lượng và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của dự án theo thuyết minh đã được phê duyệt và hợp đồng đã ký.
Từ tháng 9/2017 triển khai Dự án đến nay, Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Thạch tại Vĩnh Phúc đã ký kết hợp đồng với tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ là Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì hỗ trợ về kỹ thuật để triển khai thực hiện các công việc của dự án theo kế hoạch tiến độ đề ra. Đã lựa chọn được 30 gia đình có đủ điều kiện tham gia thực hiện dự án có kinh nghiệm nuôi bò sinh sản, có diện tích trồng cỏ thâm canh, có nhân lực tham gia tiếp nhận công nghệ, có bò cái trong độ tuổi sinh sản để làm nguồn đối ứng tham gia thực hiện dự án; Các hộ tham gia được tham gia tập huấn, hỗ trợ công nghệ trong phối giống cho bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, tham gia trong suốt quá trình triển khai dự án và sau kết thúc dự án.
Tuyển chọn mua về tổng số bò là 142 con, độ tuổi bò từ 18 tháng và đến đẻ lứa đầu đạt 112% so với yêu cầu; khối lượng đạt bình quân 238 kg/con đạt 119% so với yêu cầu. Bò phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 97%. Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã cử cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp hướng dẫn, thực hiện gây động dục đồng loạt trên đàn bò từ tháng 4 năm 2018 trên 100 lượt bò. Tiến hành gây động dục đồng loạt và phối giống cho đàn bò cái của mô hình bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với tinh bò đực Brahman đỏ. Sau gây động dục và phối giống đồng loạt đã có 86/108 con bò có chửa đạt tỷ lệ có chửa lần 1 là 79,6%; Số bê sinh ra từ công nghệ gây động dục đồng loạt là 86 con trong đó có 42 con đực và 44 con cái. Số bò cái còn lại (34 con) để động dục tự nhiên và phối giống bằng TTNT, đã có 25/34 con có chửa từ phối giống lần 1 đạt 73,5%; Số bê sinh ra là 25 con trong đó có 12 bê đực và 13 bê cái. Tổng số bê đã đẻ ra trong thời gian thực hiện dự án là 111 con trong đó có 54 con bê đực và 57 con bê cái. Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ là 13,7 tháng; Tỷ lệ đẻ hàng năm đạt 81%.
Kết quả, Dự án đã chuyển giao 10 quy trình công nghệ áp dụng trong chăn nuôi bò thịt, các hộ chăn nuôi áp dụng thành thạo và có hiệu quả. Dự án cũng đào tạo được 10 kỹ thuật viên và tập huấn cho 200 lượt hộ chăn nuôi về các quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò thịt.
Ngoài ra, Dự án đã xây dựng thành công 04 mô hình ứng dụng công nghệ về chăn nuôi bò. Nhìn chung các mô hình đều đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Đại Dũng, Thôn Yên Kiều xã Tứ Yên huyện Sông Lô, là một trong những người dân tham gia trực tiếp vào mô hình cho biết, khi bắt đầu tham gia, gia đình ông có 2 con bò mẹ trong lứa tuổi sinh sản, trước đây đàn bò này được phối giống bằng phương pháp nhảu trực tiếp, bê con sinh ra nhỏ con chỉ nặng từ 20 – 22kg, bê chậm lớn, khi bê được 12 tháng tuổi cũng chỉ được 150 – 160 kg hơi, giá bán từ 20 -22 triệu đồng. Khi tham gia dự án, bò mẹ được phối giống bằng thụ tinh nhân tạo với tinh bò Brahman đỏ bê sinh ra to hơn (nặng từ 26-28kg), bê khỏe lớn nhanh, khi bê được 12 tháng tuổi nặng 180 – 220kg hơi, giá bán từ 24 – 26 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi bò theo chương trình của dự án cao hơn, nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua thêm 1 con bò cái sinh sản nữa để phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mua thêm bò cái sinh sản nâng đàn bò sinh sản lên từ 5-7 con.
Công nghệ áp dụng phù hợp với lợi thế địa phương
Nhận định về kết quả của Dự án, PGS,TS. Trần Huê Viên, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên - Chủ tịch Hội đồng cho biết, Dự án đã được triển khai nghiêm túc, khoa học, đúng tiến độ đề ra, đã làm chủ được công nghệ chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao. Qua đó, có thể khẳng định, Dự án có thể duy trì và nhân rộng mô hình tại vùng lân cận và các vùng khác trong tỉnh.
GS.TS Trần Huê Viên, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên - Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi nghiệm thu
Các công nghệ áp dụng phù hợp với điều kiện chăn nuôi thâm canh trên đồng đất phù hợp với điều kiện canh tác vùng đất đồi núi tỉnh Vĩnh Phúc. Phù hợp với trình độ dân trí, phong tục tập quán, kinh tế vùng dự án và phù hợp với chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa của tỉnh giai đoạn 2015 – 2030.
Việc ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho bò bằng tinh bò đực Brahman thuần chủng và công nghệ gây động dục chủ động vào vùng triển khai dự án đã được triển khai ở nhiều nơi trong cả nước từ cơ sở chăn nuôi nhỏ vừa đến doanh nghiệp lớn đã được cơ quan tiếp nhận ứng dụng thành công trong nhiều năm và được bổ sung hoàn thiện. Với công nghệ này áp dụng tại vùng dự án huyện Sông Lô tỉnh VĨnh Phúc sẽ góp phần nâng cao chất lượng đàn bò tại các địa phương, vì vậy khi áp dụng công nghệ này vào các mô hình của dự án nhất định thành công và có tính lan tỏa lớn trong tỉnh Vĩnh Phúc.
Cán bộ kỹ thuật và hộ dân là những người trực tiếp tiếp nhận quy trình công nghệ của dự án. Qua quá trình triển khai dự án những người tiếp nhận công nghệ chăn nuôi đã làm chủ được công nghệ chuyển giao, nhận thức về chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững về môi trường được nâng lên.
Kết quả thành công của dự án đã khẳng định tính hiệu quả về môi trường, được minh chứng thông qua mô hình xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi thành phân hữu cơ tại mô hình tập trung và các hộ chăn nuôi tại mô hình vệ tinh. Việc sử dụng công nghệ ủ chua thân cây ngô sau thu hoạch bắp và chế biến rơm khô và rơm tươi đã tận dụng được phế phụ phẩm trong nông nghiệp cho chăn nuôi bò làm giảm việc đốt, bỏ các sản phẩm này trong trồng trọt, làm giảm bớt việc ô nhiễm môi trường do việc đốt các nguyên liệu này trong sản xuất nông nghiệp.
Tại buổi nghiệm thu, các đại biểu cũng cho rằng, kết quả thành công của Dự án đã khẳng định việc đưa tinh bò đực Brahman đỏ chất lượng cao bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với đàn bò cái tham gia mô hình đã cải thiện tầm vóc, năng suất đàn bê sinh ra để có khối lượng cơ thể lớn hơn, sinh trưởng nhanh hơn năng suất sinh sản và chất lượng đàn bò cao hơn từ 15-20% so với bò địa phương hiện có là khả thi.
Bên cạnh đó, việc trồng và thâm canh giống cỏ VA06, Mulato II, ngô lai, keo dậu năng suất cao, chất lượng phù hợp với vùng dự án, tạo nguồn thức ăn chủ động, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thức ăn xanh thô và tận dụng nguồn đất hiện có giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ trong chế biến ủ chua thức ăn từ phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô,… bằng ủ chua, phối hợp công thức thức ăn tinh bằng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, tăng tỷ lệ tiêu hóa, hấp thu, tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả chăn nuôi…
Bài, ảnh: Nhóm PV