Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 01:27 am
Cập nhật : 16/02/2018 , 17:02(GMT +7)
Ứng dụng tế bào gốc tủy xương trong điều trị
Nghiên cứu phối hợp sử dụng tế bào gốc điều trị chậm liền xương hay khớp giả đang được tập trung nc
Đội ngũ y, bác sĩ và cộng sự tại Bệnh viện Trung ương Huế đã nghiên cứu ứng dụng thực tế thành công tế bào gốc tuỷ xương trong điều trị chậm liền xương và khớp giả.

Điều trị các trường hợp chậm liền xương hay khớp giả sau gãy xương vẫn còn là thách thức lớn đối với ngành phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình và Tạo hình trong việc bảo tồn đoạn chi. Nghiên cứu phối hợp sử dụng tế bào gốc điều trị chậm liền xương hay khớp giả là một trong những phương pháp đang được tập trung nhiên cứu mạnh mẽ trên thế giới trong những năm gần đây. Những nghiên cứu này mở ra khả năng mới trong việc điều trị những bệnh lý trên.

Từ nghiên cứu thực nghiệm trên động vật đạt kết quả tốt, bác sĩ Lê Thừa Trung Hậu và các cộng sự tại Bệnh viện Trung ương Huế được Hội đồng khoa học Bệnh viện thông qua nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trên lâm sàng. Hai nghiên cứu điều trị can thiệp tối thiểu chậm liền xương và khớp giả bằng bơm tế bào gốc qua da và ghép tế bào gốc tủy xương tự thân trong điều trị chậm liền xương và khớp giả đã được ứng dụng thực tế. 

Với phương pháp này, khoảng 350 ml máu tủy xương được lấy từ xương cánh chậu của bệnh nhân được xử lý tách chiết và cô đặc tại phòng thí nghiệm trong điều kiện vô trùng tuyệt đối cho ra khoảng 80ml tế bào gốc tủy xương. Lượng tế bào gốc này được phân tích để xác định tỉ lệ tế bào sống, mật độ tế bào và sự vô khuẩn trước khi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân. Tế bào gốc được bơm trực tiếp vào ổ gãy không liền xương dưới hướng dẫn màng hình tăng sáng. Quy trình này bao gồm nhiều công đoạn phức tạp đòi hỏi trình độ của đội ngũ bác sĩ và thiết bị y tế với công nghệ cao. 

ThS. Bác sĩ Phan Thị Thúy Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong tất cả các công đoạn của quy trình thì quy trình nào cũng khó, ví dụ ngay cả khi tách tế bào gốc của bệnh nhân, tách cho được 250-350 ml dịch tủy xương cũng là một vấn đề đòi hỏi bác sĩ thực hành chọc tủy với thao tác rất thành thạo... 

Áp dụng mới này không những giúp làm tăng tỷ lệ liền xương mà còn mở ra triển vọng tạo ra quy trình điều trị phối hợp thay thế xương bị thiếu và khuyết trong khớp giả hoặc khuyết hổng xương. Quy trình này cho phép không cần phải lấy một lượng xương lớn xương ghép tự thân, do đó giúp làm giảm 1 phẫu thuật lấy xương ghép và giảm nhiều biến chứng tại chổ. Và đặc biệt có ý nghĩa trong những trường hợp không thể lấy đủ xương tự thân trên bệnh nhân.

Bệnh nhân bị gãy xương đùi được điều trị bằng phương pháp tế bào gốc, sau một năm kết quả trên X-quang không thấy ổ gãy nữa, xương đã liền trở lại bình thường

Song song với nghiên cứu, ứng dụng phương pháp điều trị mới, các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế đã có những nghiên cứu đối chứng. Phương pháp ghép tế bào gốc tủy xương tự thân cho kết quả điều trị rất tốt so với những phương pháp truyền thống. 

TS. Bác sĩ Lê Thừa Trung Hậu, Chủ nhiệm đề tài, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, song song với biện pháp thực nghiệm điều trị tế bào gốc ghép xương trên khớp giả mình làm một lô song song đối chứng cùng thời điểm và điều trị khớp giả chậm liền xương bằng phương pháp cổ điển. So sánh kết quả hai nhóm thì thấy tỉ lệ liền xương giữa hai nhóm là như nhau. THời gian liền xương của nhóm tế bào gốc rất nhanh rất sớm, trung bình sau 3 tháng. 

Quy trình ứng dụng tế bào gốc tự thân, kết hợp trong điều trị các bệnh lý khớp giả và khuyết hổng xương là quy trình mới với kỹ thuật tiên tiến có hàm lượng nghiên cứu khoa học cao đang được ứng dụng tại Việt Nam, đóng góp những nguồn tư liệu về ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cho cộng đồng nghiên cứu khoa học của Việt Nam và thế giới. 

PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện tế bào gốc trên thế giới cũng giống như Việt Nam còn là “mảnh đất đang bỏ hoang”, mới sơ khai. Hiện nay,  ứng dụng y học Việt Nam trong tế bào gốc rất lớn. Tại Bệnh viện Trung ương Huế đã ứng dụng trong điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng đã thành công. Đây là một đề tài độc lập cấp Nhà nước đã được nghiệm thu, được Bộ KH&CN và Bộ Y tế đánh giá cao. Thứ hai là ứng dụng trong chậm liền xương cũng được đánh giá cao và hiện đang mở rộng với một số bệnh mãn tính. Đây là cơ hội để ngành y học Việt Nam có thể phát triển. 

Với phương pháp ghép tế bào gốc tủy xương tự thân này, bệnh nhân từ tình trạng thương tật do biến chứng của gãy xương hoặc có nguy cơ cao bị tàn phế do cắt tứ chi sẽ được điều trị với tỉ lệ liền xương cao. Bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt và lao động như trước đây, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Chị Lê Thị Hồng Hoa là một bệnh nhân gãy xương đùi do tai nạn giao thông, chấn thương của chị Hoa thông thường sau điều trị sẽ để lại di chứng như phải dùng nạng. Hoạt động của chân bị chấn thương kém linh hoạt. Chị Hoa đã được điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Sau khoảng 1 năm thời điểm điều trị, từ người ngồi trên xe lăn một thời gian, phải đi bẳng hai nạng, đến nay chị không cần phải dùng đến nạng, kết quả trên x quang không thấy ổ gãy nữa, xương đã liền trở lại bình thường.

Việc hỗ trợ điều trị thành công các bệnh lý phức tạp và khó điều trị trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình như chậm liền xương, khớp giả mất đoạn xương... giúp rút ngắn quá trình điều trị của bệnh nhân, giảm chi phí điều trị, tiết kiệm chi phí cho gia đình. Đây cũng là một thành công lớn của Bệnh viện Trung ương Huế. 

Bài, ảnh: Phương Nga

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner