Năng lượng nguyên tử Thứ tư, 24/04/2024 , 03:54 am
Cập nhật : 31/08/2021 , 15:08(GMT +7)
Ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam: Tập trung phát triển một số ứng dụng mới
ThS. Hà Lan Anh trong phòng thí nghiệm thủy văn đồng vị. Ảnh: NVCC
Để góp phần lan tỏa vai trò của mình trong việc giải quyết nhiều bài toán ý nghĩa và thiết thực với đời sống kinh tế xã hội, ngành năng lượng nguyên tử sẽ cần tập trung phát triển một số ứng dụng mới như truy xuất nguồn gốc, nông nghiệp xanh và kiểm soát dịch bệnh…

 Tại hội thảo trực tuyến “Ứng dụng Năng lượng nguyên tử (NLNT) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do Ban Chuyên môn và nghiên cứu khoa học Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN, Đoàn Viện NLNT Việt Nam, Chi đoàn Cục NLNT và Chi đoàn Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức vào ngày 28/8, ThS. Hà Lan Anh (Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện NLNT Việt Nam) đã cung cấp nhiều thông tin thú vị mà không phải ai cũng biết về ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân thông qua nghiên cứu mới của mình là ứng dụng kỹ thuật hạt nhân xác thực sự pha trộn đường trong sản phẩm nước hoa quả. Dù bắt đầu xuất hiện từ những năm 1980 nhưng việc ứng dụng đồng vị bền để truy xuất nguồn gốc trên thế giới chỉ phát triển mạnh nhất trong khoảng 10 năm gần đây.

Lò phản ứng Đà Lạt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của NLNT tại Việt Nam. Nơi đây đã góp phần vào việc bảo vệ mạng sống của rất nhiều trong số 97 triệu người Việt Nam mắc ung thư và 165.000 ca mới mỗi năm (theo số liệu của WHO năm 2018). Ảnh: vinatom

Là một trong những người tiên phong nghiên cứu về ứng dụng đồng vị bền trong truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, ThS. Hà Lan Anh chia sẻ “Trong nghiên cứu giám định thực phẩm, trên thế giới đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng kỹ thuật phân tích đồng vị nặng phân biệt giữa các vật liệu giống hệt nhau về hóa học, ví dụ như sucrose từ củ cải đường và mía”. Kỹ thuật này giúp xác định nước hoa quả, hay củ cải đường có bị thêm đường từ ngoài vào sản phẩm nguyên chất hay không. “Để phân biệt, có thể dựa vào quá trình cố định carbon dioxide trong thực vật gây ra quá trình phân tách đồng vị ở các loại thực vật C3, C4 và CAM”, chị giải thích và cho biết thêm, hầu hết các siro và các loại đường là sản phẩm từ thực vật C4 giàu giá trị đồng vị δ13C, vì vậy nếu thêm các sản phẩm đường từ cây C4 vào các sản phẩm C3 thì giá trị đồng vị sẽ tăng lên.

Chị và nhóm nghiên cứu đã thu thập 9 mẫu nước ép táo phổ biến trên thị trường và phát hiện ra trong đó có một sản phẩm thành phần thực tế sai lệch với nhãn mác. Dù trên nhãn ghi lượng đường C4 thêm vào chỉ có 5%, nhưng theo kết quả phân tích thì sản phẩm này pha trộn 96% là đường C4 và hương liệu. Tương tự, với mẫu nước ép cam, nhóm thu thập được 13 mẫu và trong đó có 1 mẫu nước ép táo từ Thái Lan dù công bố là nước cam 100% tự nhiên không pha trộn mía đường, tuy nhiên nhóm phân tích có 44% là đường C4. “Với kỹ thuật này, các nhà quản lý thị trường, nhà sản xuất, người tiêu dùng có thể ứng dụng kỹ thuật này để chứng minh, xác thực nguồn gốc đường trong sản phẩm”, ThS Hà Lan Anh kết luận.

Một trong những hướng đi tiềm năng khác là ứng dụng NLNT trong nông nghiệp xanh. Hiện tại, Viện NLNT Việt Nam đã hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai giải pháp công nghệ vi lượng đất hiếm trong nông nghiệp, từ đó phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bền vững. Viện đã hợp tác với công ty Atom Feed để triển khai dự án nuôi tôm thẻ chân trắng tại cửa sông Cổ Chiên, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre vào đầu năm nay. “Nhóm đã thả tổng cộng 140 kí tôm vào bể, sau đó trộn vi lượng đất hiếm vào thức ăn cho tôm”, anh Nguyễn Trọng Tín (Giám đốc CTCP Atom Feed) mô tả. Trong quá trình nuôi tôm, tiêu hóa và đường ruột của tôm rất tốt, dẫn đến giảm thiểu sử dụng kháng sinh vì tôm ít bị bệnh; thời gian tôm lột vỏ thấp hơn (còn 3 ngày thay vì 5 ngày).

Đáng chú ý, sau 98 ngày, tỷ lệ tôm rớt của ao sử dụng đất hiếm là 5 con/kg, trong khi tỷ lệ ở 3 ao đối chứng lần lượt là 30, 45 và 52 con/kg. Tôm thu hoạch trong ao sử dụng đất hiếm đạt khối lượng 24,8 con/cân, vào thời điểm thuận lợi có thể lên tới 15-22 con/kí. “Đây là tỷ lệ cực kỳ tốt”, anh Tín cho biết.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ về phổ ứng dụng của NLNT. Có thể thấy, sau quãng thời gian triển khai Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020, các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều khía cạnh của đời sống. Tuy nhiên, theo TS Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục NLNT, trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ cần xác định một số lĩnh vực tiềm năng trọng tâm để tập trung phát triển mạnh hơn, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT thời kỳ 2021 - 2030 vào đầu năm nay. “Chúng ta có thể tập trung vào những ứng dụng giúp giải quyết các vấn đề nóng và mới nổi trên thế giới như kiểm soát và ngăn chặn bệnh truyền nhiễm từ động vật, bảo vệ môi trường, xu hướng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc…”, chị gợi ý.

Một trong những điểm nhấn mới của kỹ thuật hạt nhân là trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, các trang thiết bị và hướng dẫn do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cung cấp đã giúp các cơ quan chuyên môn của Việt Nam ứng dụng kỹ thuật RT-PCR và phát hiện chính xác SARS-CoV-2. Ảnh: SGGP

Hiện tại, một trong những rào cản để NLNT có thể lan tỏa giá trị đóng góp của mình chính là định kiến bởi nhiều người vẫn còn hình dung NLNT như một thứ gì đó phức tạp và xa rời thực tế, thậm chí còn có phần e ngại. “Cần phải có cách truyền thông phù hợp để công chúng hiểu hơn về NLNT, khi đó những ứng dụng của NLNT mới dễ dàng đi vào đời sống hơn”, ông Bùi Hoàng Tùng, Phó Bí thư phụ trách Đoàn Khối các cơ quan trung ương, đề xuất.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Vũ Tiến, Bí thư Đoàn Bộ KH&CN, cho biết Đoàn khối có thể tham gia vào quá trình kết nối, thúc đẩy chuyển giao ứng dụng hữu ích với tư cách là cầu nối giữa người nghiên cứu và người thụ hưởng.

Từ góc nhìn của một người nghiên cứu lâu năm, PGS.TS. Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân cho rằng nếu muốn truyền thông về những ứng dụng của NLNT, “chúng ta có thể tiếp cận từ việc đào tạo của các trường đại học, đào tạo cao học tại viện, trường để vừa trao đổi chuyên môn vừa truyền thông cho các ứng dụng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể đơn giản hóa vốn từ, biến ngôn ngữ khoa học chuyên môn thành ngôn ngữ quần chúng để có thể dễ dàng tiếp cận người dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay”, ông gợi mở.

Nguồn tin: Khoa học và Phát triển

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner