Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Mỹ Thành Nam
Tiền Giang là tỉnh nông nghiệp, có diện tích đất trồng lúa trên 80.000 ha, khoảng 70.000 ha đất trồng cây ăn trái với nhiều đặc sản nổi tiếng: lúa chất lượng cao, sầu riêng, vú sữa lò rèn, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm Tân Phong...
Để phát huy tốt các thế mạnh kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao hướng đến xuất khẩu, đảm bảo đời sống của nông hộ, địa phương đặc biệt quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, nâng chất lượng nông sản, tạo ra giá trị kinh tế lớn cho nông dân. “Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi vùng ngập nông Mỹ Thành Nam (Cai Lậy)” là dự án tiêu biểu trên lĩnh vực khoa học công nghệ mang lại hiệu quả lớn cho người dân địa bàn canh tác hết sức khó khăn thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Re, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang cho biết: Dự án có kinh phí trên 1,22 tỉ đồng trong đó kinh phí sự nghiệp khoa học Trung ương 400 triệu đồng, 220 triệu đồng từ kinh phí sự nghiệp khoa học địa phương, còn lại do nhân dân đóng góp. Được triển khai từ 8/2002, mục tiêu của dự án nhằm hình thành mô hình kinh tế vườn vùng ngập nông bền vững; làm bờ bao cho các ao nuôi để phát triển nuôi thủy sản trong mô hình VAC; nuôi cá trên ruộng lúa mùa lũ ngoài đê bao theo chủ trương “chung sống với lũ”; cải thiện chất lượng đàn giống gia súc tiến tới phát triển kinh tế trang trại...Trong khuôn khổ dự án, nhiều đối tượng chăn nuôi kinh tế phù hợp với điều kiện đặc thù địa phương được chú ý: thủy sản, lươn, gia súc, dê, tôm càng xanh...Từ đó tăng thu nhập cho người nông dân, bảo vệ được môi trường, môi sinh tiến tới sản xuất theo tiêu chí GAP...
Sở dĩ chọn Mỹ Thành Nam để triển khai dự án do địa bàn đặc thù vùng ngập nông phía tây bắc tỉnh Tiền Giang. Toàn xã có 1.992 ha đất trong đó có 1.415 ha đất trồng lúa và 453 ha đất trồng cây ăn trái. Hàng năm, lũ lụt sông Cửu Long tràn về gây nhiều bất lợi cho sản xuất, đời sống. Trong những năm lũ lớn như năm 2000 thiệt hại rất lớn, cuộc sống người dân rất gieo neo. Thuận lợi của xã Mỹ Thành Nam là nông dân tại đây đi đầu trong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để thâm canh cây trồng, tăng mùa, chuyển vụ, tăng năng suất và sản lượng.
Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi vùng ngập nông Mỹ Thành Nam (Cai Lậy)”, các mô hình chuyển đổi đều đạt hiệu quả cao, được nhân ra diện rộng. Về mô hình “cá ao” và “cá lúa” theo ghi nhận cho thu nhập gấp 2 lần so với độc canh cây lúa. Năng suất trong mô hình “nuôi cá trên ruộng lúa mùa lũ” đạt năng suất bình quân 5 tấn/ha, thu được 70 triệu đồng/ha trong đó lãi trên 30 triệu đồng/ha. Mô hình VAC trên vùng lũ, nông dân đã chọn được giống cây ăn trái phù hợp, chống chịu điều kiện lũ úng cục bộ, chọn được giống lợn lai hướng nạc, chuồng trại có thiết kế hầm túi ủ biogas giảm ô nhiễm môi trường lại có nguồn chất đốt, nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Mô hình “lúa chất lượng cao” lồng ghép trong chương trình “3 giảm, 3 tăng” là tiền đề cho nông dân trồng lúa theo tiêu chí Global GAP thành công rực rỡ...
Bà con an cư lạc nghiệp, thoát cảnh chạy lũ vất vả hàng năm, nhà ngói, nhà tầng mọc lên san sát. Hạ tầng nông thôn: điện, đường, trường, trạm được kiện toàn. Trình độ canh tác, trình độ khoa học của nông dân nâng lên – yếu tố cần thiết để xác lập nền nông nghiệp hàng hóa thời hội nhập kinh tế thế giới...Các hộ nông dân tham gia dự án trước đây rất khó khăn về sinh kế nay đã khấm khá hẳn lên. Đơn cử như hộ anh Hai Đồ ở ấp 2 với mô hình “cá ao” và “lúa + cá”, chăn nuôi dê...có thu nhập khá trả hết nợ nần, cất nhà cửa khang trang, đủ sức nuôi con ăn học thành tài. Hộ anh Ba Việt ở ấp 5 trước đây nghèo khó, nhà cửa tạm bợ sau vài vụ bội thu mô hình “nuôi cá ngoài đê bao mùa lũ” đã cất được nhà cửa khang trang, tôn nền cao vượt lũ, thu nhập ổn định. Anh rất vui mừng.
Kết quả trên có được chỉ sau 8 năm dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi vùng ngập nông Mỹ Thành Nam (Cai Lậy)” đi vào đời sống và được nông dân nồng nhiệt hưởng ứng. Hiệu quả trong ứng dụng, hiệu quả xã hội, thiết thực đưa Nghị quyết của Đảng ta về nông nghiệp – nông dân – nông thôn đến với từng nông hộ, giúp bà con đổi đời, mở ra đường hướng phát triển kinh tế nông hộ “ly nông nhưng không ly hương” là những lý do hết sức thuyết phục để dự án được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao và nhất trí xếp loại “xuất sắc”./.