Ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào địa bàn nông thôn, miền núi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Nhà nước hiện nay. Đưa khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất và đời sống ở nông thôn được coi là khâu đột phá quan trọng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã chú trọng vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đối với địa bàn nông thôn miền núi.
Hiệu quả từ Chương trình nông thôn miền núi
Từ năm 2004 - 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Bắc Giang triển khai 8 dự án Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT - XH nông thôn và miền núi. Tỉnh đã xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với địa bàn nông thôn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy phát triển KT - XH theo hướng CNH - HĐH. Trong giai đoạn này, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện mô hình nuôi bò giống với quy mô 150 con và thâm canh 5ha cỏ voi, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nuôi ong ngoại, khai thác, tinh lọc mật ong xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn với quy mô 1.000 đàn ong và trang thiết bị, máy móc để tinh lọc mật ong xuất khẩu…
Bắc Giang có trên 90% dân số ở khu vực nông thôn, trên 80% lao động làm nông nghiệp, hiện có 27 xã đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 50% so với bình quân cả nước. Tuy Bắc Giang có thế mạnh về đất đai, lao động nhưng năng suất, sản lượng cây trồng còn thấp, việc tiếp thu khoa học kỹ thuật của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc còn hạn chế, cơ cấu giống cây trồng chậm được chuyển đổi.
|
Trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, toàn tỉnh đã triển khai trên 20 dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh với trên 30 mô hình ứng dụng kỹ thuật tiến bộ và chuyển giao công nghệ trên địa bàn các huyện. Các mô hình của dự án tập trung vào việc chuyển giao và tuyển chọn bộ giống lúa, sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1, các giống ngô lai. Cùng với cây lương thực, tỉnh đã thực hiện việc lồng ghép các chương trình phát triển cây ăn quả. Đối với cây giống ăn quả chủ lực như vải thiều đưa vào ghép cải tạo cây vải nhằm ổn định lại cơ cấu giống vải... Đồng thời, tỉnh xác định tính đặc thù về chất lượng vải thiều Lục Ngạn, xác định vùng địa danh tương ứng với chỉ dẫn địa lý Lục Ngạn cho sản phẩm vải thiều, sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, trên cơ sở đó nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của vải thiều Lục Ngạn.
Các mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại, gắn giữa sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, như mô hình nuôi lợn hướng nạc, nuôi gà chăn thả, nuôi ong ngoại, chăn nuôi bò lai Sid, Brashman, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi cũng đã được triển khai; các mô hình chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản…cũng đã đem lại kết quả tốt và đang được nhân rộng.
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang Hà Văn Quê cho biết, trong giai đoạn 2 của Chương trình, tỉnh thực hiện dự án trồng thâm canh cải tạo nương chè già cỗi bằng một số giống chè mới và chế biến chè an toàn tại huyện Yên Thế... với diện tích từ 300- 800ha, hình thành vùng chè an toàn có thể chế biến xuất khẩu.
Ngoài ra, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trong sản xuất rau quả như cà chua, dưa chuột bao tử, na… phục vụ người tiêu dùng và chế biến nông sản xuất khẩu ở huyện Lục Nam đã tạo cơ sở cho tỉnh xây dựng đề án vùng rau chế biến trên 20.000ha tạo ra vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho 10 nhà máy chế biến nông sản của tỉnh.
Đây là những chương trình đưa tiến bộ rất mới và công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, giúp nông dân vừa giảm nghèo, vừa xây dựng kinh tế nông thôn bền vững tạo sự chuyển đổi về cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp ở Bắc Giang theo hướng phát triển vùng cây ăn quả, vùng cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi thủy sản khai thác mặt nước và đưa các chương trình tổng hợp vào khai thác thế mạnh như trồng nấm. Đây chính là giá trị chuyển đổi lớn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giúp cho việc giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn- ông Hà Văn Quê cho hay.
Cũng theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, trong thời gian tới, cần hình thành các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất như thu gom, thuê đất, đứng ra chuyển giao công nghệ cho người nông dân. Đây là nhân tố mới trong quá trình thực hiện các chương trình khoa học công nghệ tại Bắc Giang. Nếu như chương trình trước tạo được những điểm sáng, vùng nguyên liệu, những mô hình mới cho nông dân học tập thì giai đoạn tiếp theo cần mở rộng quy mô tạo ra sản phẩm hàng hóa rộng lớn với cách thức tiếp cận gắn với một doanh nghiệp hay một tập đoàn sản xuất. Như vậy, người nông dân sẽ yên tâm sản xuất đúng quy trình kỹ thuật đem lại năng suất cao, nhà máy có nguyên liệu xuất khẩu tốt.
Phương Nga