Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 01/11/2024 , 08:24 pm
Cập nhật : 31/03/2011 , 14:03(GMT +7)
Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống ở Hậu Giang
Thu hoạch lúa HG2 ở HTX ấp 4, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ.
Từ khi tách tỉnh (năm 2004) đến nay, Hậu Giang đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học phục vụ phát triển. Một số đề tài, dự án nghiên cứu, triển khai ứng dụng có kết quả cao, góp phần hoạch định đường lối, chính sách cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, kết quả ứng dụng nghiên cứu còn khá khiêm tốn so với số đề tài, dự án được nghiệm thu.

Hiệu quả bước đầu

Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Hậu Giang coi việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học là biện pháp khai thác hiệu quả thế mạnh này. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, những mặt hàng chủ lực như lúa, khóm cầu đúc, cá rô đồng, cá thát lát... đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Một trong những đề tài mang lại hiệu quả cao, đang được ứng dụng rộng rãi là 'Nghiên cứu chọn giống lúa phẩm chất cao thông qua công nghệ di truyền'. Qua ba năm nghiên cứu, đề tài đã cung cấp cho Hậu Giang hai giống lúa HG1, HG2 và các giống có phẩm chất gạo tốt; có hàm lượng Amylose trung bình, như OM 4900, OM 4668, OM 5930... Ðề tài đã góp nhiều bộ giống mới nâng cao sản lượng lúa gạo, tăng năng suất từ 0,2 đến 0,5 tấn/ha/năm. Hiệu quả kinh tế đề tài mang lại là gần 65 tỷ đồng. Với kết quả này, hiện nay tỉnh đang đặt hàng với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các bước tiếp theo để giống HG2 được công nhận và có thương hiệu trong thời gian tới.

Hôm chúng tôi ghé thăm hợp tác xã (HTX) nhân giống ấp 4, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, xã viên đang thu hoạch lúa HG2 trong niềm phấn khởi trúng mùa. Chủ nhiệm HTX Phạm Văn Dũng cho biết: Vụ lúa đông xuân năm nay xã viên được Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích 80 ha lúa HG2. Qua thực tế cho thấy, giống lúa này có sức kháng rầy cao, ít bị sâu bệnh, năng suất không thua các loại giống khác, thậm chí còn cao hơn, chất lượng gạo thơm, dẻo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ðây là cơ sở để HTX tăng tỷ lệ nhân giống lúa HG2, phục vụ nguồn lúa giống cho xã viên trong HTX và thị trường bên ngoài.

Ðề tài 'Nghiên cứu quy trình phục tráng và nhân giống khóm (dứa) Queen (khóm cầu đúc) sạch bệnh bằng biện pháp tổng hợp' cũng đang giúp Hậu Giang sản xuất được nguồn cây giống Queen sạch bệnh cung cấp cho nông dân trồng, khắc phục tình trạng rẫy khóm ở Vị Thanh, Long Mỹ bị thiệt hại nặng do bệnh héo khô đầu lá bởi vi-rút gây ra. Vùng chuyên canh khóm ở Vị Thanh với khoảng 1.000 ha đang được nông dân từng bước phá giống cũ, thay thế bằng giống mới. Chị Chiêm Thị Lũy, ở ấp Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh), người đầu tiên mạnh dạn phá rẫy khóm của mình để trồng lại giống mới theo quy trình được chuyển giao của ngành nông nghiệp. Bước đầu, chị trồng 10.000 cây giống mới (do Trường đại học Cần Thơ nhân giống cung cấp), đã thu hoạch được một vụ. Chị Lũy cho biết: 'Với quy trình canh tác giống mới, kết hợp sử dụng phân hữu cơ, cây khóm phát triển nhanh, không bị bệnh, giảm chi phí phân, thuốc, cho trái to, từ 2 kg/trái trở lên, khi chín rất thơm ngọt, mầu sắc đẹp, bán được giá cao. Gia đình chị đang chuẩn bị phá giống cũ và dần thay 100% diện tích (3 ha) khóm đã bị thoái hóa.

Ngoài nông nghiệp, nhiều đề tài khoa học thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường đang được nghiên cứu, ứng dụng. Về môi trường, có đề tài 'Nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng công cụ tin học ENVINMHG hỗ trợ công tác quản lý môi trường tại Hậu Giang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa'. Trong lĩnh vực hành chính có đề tài 'Nghiên cứu xây dựng quy trình triển khai văn bản của Văn phòng UBND tỉnh theo tiêu chuẩn, chất lượng ISO 9001:2000', được áp dụng từ năm 2008 tại Văn phòng UBND tỉnh, kết quả thể hiện rất rõ ràng, minh bạch trong thẩm quyền tiếp nhận và xử lý công việc của chuyên viên đến lãnh đạo, tạo phong cách làm việc khoa học, loại bỏ nhiều thủ tục rườm rà, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm chi phí hành chính, đồng thời, nâng cao năng lực, trách nhiệm cũng như ý thức phục vụ của cán bộ, công chức hành chính.

Ðể nâng cao hiệu quả ứng dụng đề tài khoa học

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang, từ năm 2004 đến tháng 8-2010, có 170 đề tài, dự án khoa học được xét duyệt và đã ký hợp đồng triển khai thực hiện 111 đề tài, dự án. Ðến nay 51 đề tài, dự án được nghiệm thu, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 22 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế số lượng đề tài, dự án được nghiệm thu mang ra ứng dụng chỉ chiếm khoảng 20% là quá ít so với nhu cầu. Song, đối với một tỉnh mới chia tách, còn nhiều khó khăn như Hậu Giang, thì có 20% kết quả đề tài được triển khai đã có ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ sản xuất và đời sống xã hội.

Tuy nhiên, còn nhiều đề tài chưa triển khai ứng dụng được, nguyên nhân do chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Có những đề tài trùng lắp với những đề tài khác trong vùng và cả nước; kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu thực tế... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang Ðặng Ngọc Giao cho rằng: Có những đề tài lĩnh vực nông nghiệp tại thời điểm nghiên cứu được đánh giá là rất khả thi, nhưng do yếu tố khách quan, kết quả nghiên cứu không thể ứng dụng được trong thực tế.

Một trong những nguyên nhân làm cho nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng chưa triển khai, nhân rộng là do thiếu vai trò của doanh nghiệp trong việc làm đầu mối tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ông Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX nhân giống ấp 4, thị trấn Long Mỹ, cho rằng: Với cơ chế thị trường hiện nay, hàng hóa nông sản do nông dân làm ra rất dễ rơi vào cảnh rớt giá, vì đầu ra không ổn định. Ðiều này cho thấy, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cần có sự liên kết chặt chẽ của 'bốn nhà'. Một khi thực hiện đề tài nghiên cứu có sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò là đầu mối tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân làm ra, sẽ góp phần bảo đảm quy trình sản xuất bền vững. Ðây cũng là cơ sở để nhân rộng, nhằm nâng cao hiệu quả các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đề tài khoa học vào thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Thành Lập cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để vừa làm công tác quản lý, vừa nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng. Hợp tác chặt chẽ với các viện, trường đại học, trong và ngoài tỉnh để có đơn đặt hàng những đề tài nghiên cứu phù hợp với nhu cầu cấp thiết trong thực tế sinh hoạt, sản xuất ở địa phương. Ðồng thời tăng nguồn kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ từ 1,5% lên 2% tổng thu ngân sách của tỉnh để ưu tiên cho công tác nghiên cứu các đề tài khoa học. Cùng với đó, tăng cường quản lý nhà nước trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học; xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học từ chính doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã cùng chung tay thực hiện, nhằm phát triển mạnh sự nghiệp khoa học và công nghệ, góp phần phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhân Dân


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner