Nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được xác định là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ sẽ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và của toàn bộ nền kinh tế.
Tiền đề chuyển giao công nghệ
Trong những năm vừa qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (ƯD&PTCN) tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới của nước ngoài, các kết quả nghiên cứu trong nước nhằm kết nối chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong phạm vi cả nước thông qua các cuộc gặp gỡ, hội thảo, diễn đàn kết nối cung – cầu công nghệ trong nước với các đối tác quốc tế như Hungary, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Phần Lan, Đức, Mỹ…và các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam
Năm 2011, Cục ƯD&PTCN đã phối hợp với Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động giới thiệu, trưng bày trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ. Sự kiện này có sự tham gia của trên 40 đơn vị đến từ Viện nghiên cứu, Trường Đại học khối kỹ thuật công nghệ, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, nhóm nghiên cứu mạnh, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu và trình diễn hơn 80 công nghệ, thiết bị công nghệ và quy trình công nghệ tiên tiến, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến sau thu hoạch, công nghệ môi trường, sản xuất và lai tạo giống cây mới, công nghệ vật liệu và năng lượng tái tạo… Có 06 hợp đồng & biên bản được kết nối ký kết và chuyển giao công nghệ, với tổng trị giá trên 251 tỷ đồng. Trong đó có 1 công nghệ từ nước ngoài (Hoa Kỳ), 5 công nghệ trong nước.
Các công nghệ được chuyển giao gồm công nghệ khí hóa sinh khối chất thải nông nghiệp cho sản xuất nhiên liệu lỏng tổng hợp, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường, các nguồn thải hữu cơ và công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ Fitohoocmon, hệ thống lọc nước công nghệ nano cung cấp nước ăn uống chất lượng cao, công nghệ nâng cao độ đạm nước mắm, dây chuyền thiết bị và công nghệ nano cung cấp nước sạch ăn, uống phục vụ cho việc sản xuất nước đóng chai, phục vụ trường học.
Qua hoạt động trình diễn này, Cục ƯD&PTCN tiếp tục kết nối và hỗ trợ chuyển giao 2 công nghệ từ nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam gồm: phân Biosoil Summa grow của Công ty Bio Soil Enhancers Hoa Kỳ cho Công ty khoáng sản Khánh Hòa và công nghệ phân bón na nô của Cộng hòa Liên bang Đức cho Công ty vật tư – giống công nghệ cao tỉnh Phú Thọ và một số các công nghệ trong nước cũng đang được kết nối.
Hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ góp phần phát triển thị trường công nghệ (Ảnh: PN)
Tiếp nối những thành công của Hoạt động giới thiệu, trưng bày trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012, Cục ƯD&PTCN đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị khác có liên quan triển khai thực hiện “Hoạt động trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Bắc Trung Bộ 2012”.
Hoạt động năm nay thu hút sự tham gia của 46 đơn vị trong nước và quốc tế giới thiệu, trưng bày và trình diễn, ứng dụng chuyển giao cung cấp nguồn công nghệ, đưa các thành quả nghiên cứu trong và ngoài nước vào thực tiễn sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và chất lượng hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Hơn 100 loại quy trình, công nghệ, kết quả và sản phẩm thuộc các lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch, công nghệ môi trường, công nghệ sản xuất và lai tạo giống cây mới, công nghệ vật liệu và công nghệ tiết kiệm năng lượng,… Hầu hết các công nghệ này đã được các đơn vị nghiên cứu, làm chủ ở mức độ thương mại hóa, sẵn sàng chuyển giao cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu.
Tại sự kiện này có 16 hợp đồng chuyển giao công nghệ và thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị trong nước và nước ngoài được ký kết với trị giá hơn 100 tỷ đồng. Thông qua sự kiện lần này nhiều công nghệ sẽ được kết nối, chuyển giao và ứng dụng rộng rãi; từ đó tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ; tạo mối liên kết, trao đổi thông tin giữa khối các đơn vị nghiên cứu và khối các đơn vị, tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ được hình thành và phát triển cùng hướng tới mục tiêu chung đó là góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Thúc đẩy phát triển KH&CN địa phương
Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục ƯD&PTCN cho biết, hiện nay, thực trạng về nhu cầu công nghệ, đổi mới công nghệ và tiếp thu thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ của các địa phương tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Công nghệ sinh học; Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; Công nghệ vi sinh vật bảo vệ cây trồng ; Công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; Công nghệ sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; Công nghệ xử lý môi trường vùng nông thôn, phòng chống bão lụt; Công nghệ tiết kiệm năng lượng; Công nghệ vật liệu mới ; Công nghệ phục vụ nông nghiệp... Chính vì vậy để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ một cách mạnh mẽ và có hiệu quả chúng ta cần có các hoạt động tuyên truyền về công nghệ sâu rộng hơn nhằm ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đổi mới và phát triển công nghệ phù hợp cho các vùng miền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đó, hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ có ý nghĩa bổ sung cho các chợ công nghệ và thiết bị nhằm hỗ trợ góp phần phát triển của thị trường công nghệ. Đặc biệt tạo tiền đề để trợ giúp các giải pháp công nghệ, khai thác và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, các kết quả ứng dụng và những thành tựu khoa học kỹ thuật trong nước, quốc tế vào thực tiễn đời sống, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, thương mại hóa công nghệ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp KH&CN. Qua đó cũng góp phần giúp hình thành cơ chế chính sách và sự hỗ trợ kịp thời thông tin các chương trình quốc gia đối với nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với việc hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ ở địa phương sẽ góp phần phát huy được vai trò của cơ quan quản lý của Nhà nước trong việc hỗ trợ thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ ở địa phương. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp nguồn công nghệ theo nhu cầu địa phương, tạo ra được cầu nối trực tiếp và môi trường liên kết, hợp tác, trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là kênh để phổ biến, giới thiệu được các kết quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến; các quy trình, công nghệ và sản phẩm được tạo ra từ các kết quả nghiên cứu của các Chương trình, đề tài, đề án, dự án,... của các Viện nghiên cứu, trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu KH&CN, doanh nghiệp và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nước ra công chúng để nhân rộng các điển hình tiên tiến ra phạm vi cả nước, góp phần phát triển thị trường công nghệ...
Thực tế cho thấy, công tác chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ ở địa phương thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, nhiều công nghệ tiên tiến đã được chuyển giao và áp dụng có hiệu quả như sản xuất xi măng, thức ăn chăn nuôi, sản xuất nước mắm bằng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời... Hầu hết các địa phương đã ban hành được chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Phương Nga