Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia và Ngân hàng phát triển châu Á, Cơ quan thám hiểm Nhật Bản (JAXA) vừa khởi động dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý lưu vực sông”.
Đây là Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn vốn ODA do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ được thực hiện từ tháng 4/2011 - 3/2014.
Dự án này nhằm hỗ trợ các Chính phủ Việt Nam, Bangladesh và Philippines cải thiện các hệ thống giám sát và cảnh báo trong quản lý rủi ro do lũ lụt gây ra với chi phí hợp lý; kinh nghiệm thực tiễn thông qua ứng dụng công nghệ dựa trên không gian (SBT); công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Theo ông Phạm Văn Đức,Phó TGĐ Trung tâm KTTV quốc gia, công nghệ SBT và ICT có khả năng nâng cấp hệ thống giám sát và cảnh báo, bởi lẽ vệ tinh có thể bao phủ trên một phạm vi rộng lớn hơn so với các hệ thống quan trắc mặt đất hiện có, có thể chuyển tin nhắn trực tiếp và đồng thời cho người dân tại các vùng nguy hiểm. Công nghệ này còn có thể cập nhật dữ liệu đo mưa hàng giờ. Với những tính ưu việt trên, ông Yusuke Muraki - đại diện ADB cho biết, các chuyên gia dự án đã áp dụng công nghệ SBT và ICT để quản lý thiệt hại do lũ gây ra đối với lưu vực sông của Việt Nam. Các chuyên gia dự án cũng xác định, khu vực mục tiêu của dự án là lưu vực sông Hồng và sông Thao. Trong đó, các chuyên gia sẽ chọn huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) làm vùng chạy thử trạm đo mưa lưu vực sông và truyền tin nhắn qua điện thoại di động để cảnh báo thiên tai. Đối tượng được nhận tin nhắn trực tiếp là Chủ tịch xã và Trưởng thôn.
Các hoạt động sẽ được thực hiện tại dự án bao gồm: Hiện chỉnh số liệu mưa ở lưu vực sông đo qua vệ tinh; xây dựng hệ thống giao diện giữa số liệu mưa vệ tinh và hiện chỉnh dùng dự báo lũ; xây dựng GSWeb cảnh báo lũ; xây dựng mô hình chạy thử cảnh báo lũ qua tin nhắn và điện thoại di động; tăng cường năng lực công nghệ và xây dựng hướng dẫn chính sách, giám sát và đánh giá phương thức quản lý viễn thám…
Với dự án này, các chuyên gia Nhật Bản mong muốn chia sẻ ứng dụng công nghệ viễn thám tại Việt Nam, khuyến khích các nhà hoạch định chính sách sử dụng nhiều hơn công nghệ SBT và ICT. “Đây là một điều vô cùng hữu ích đối với một quốc gia có hơn 80% dân số có thể chịu rủi ro tác động tiêu cực từ các vấn đề liên quan đến thiên tai như Việt Nam”, đại diện ADB cho biết.