Công nghệ nano giúp làm tăng giá trị cho những tinh chất quý từ trái khổ qua (mướp đắng), nhân trần, mầm đầu nành và nhiều loại thảo dược của Việt Nam.
Đã từng nghiên cứu các loại thuốc chữa bệnh y học dân tộc tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Trương Thị Diệu Hồng luôn trăn trở về một thực tế là những bài thuốc từ thảo dược của Việt Nam rất quý, nhưng do không tiện dụng như thuốc tây nên khó phổ biến. Bà đã quyết định cùng một số đồng nghiệp hùn vốn mở Công ty Nam Khoa chuyên nghiên cứu những sản phẩm từ các loại thảo dược, cỏ cây trong thiên nhiên để chữa bệnh cho mọi người.
Một lần tình cờ gặp TS Nguyễn Chánh Khê (một chuyên gia về công nghệ nano), bà hỏi TS Khê đã có ứng dụng nào về nano trong thực phẩm chức năng để hỗ trợ cho người bệnh hay chưa? Câu trả lời của TS Khê là chưa thấy có ứng dụng nào. Thế là bà nảy ra ý nghĩ phối hợp với TS Khê cùng nghiên cứu về nano trong lĩnh vực này.
Bà cho biết, nếu “băm” một miếng thảo dược nào đó nhỏ thành những hạt nano thì rất là tốn kém, cho nên nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm những giải pháp khác. Trong quá trình nghiên cứu, nhận thấy khi chuyển carbonate calcium thành hạt nano thì chúng có khả năng hấp thụ các chất khác. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã có ý tưởng lấy những hợp chất thảo dược bọc bên ngoài những hạt nano carbonate calcium đó. Lúc đấy, những hạt nano carbonate calcium trở thành những cỗ xe thông minh, ngoài cung cấp canxi cho cơ thể, những hạt nano này còn vận chuyển thêm những chất cần thiết khác mà mình mong muốn, như các chất dùng cho người bị bệnh tiểu đường, cho người bị suy dinh dưỡng, người bị nhiễm độc, ngộ độc rượu cho phụ nữ, nam giới, trẻ em, người già… Do những hạt nano bọc các tinh chất thảo dược có kích thước rất nhỏ nên chúng rất dễ dàng hấp thụ vào cơ thể con người hơn là khi sử dụng những loại thảo dược theo cách thông thường từ xưa đến nay.
“Trên thế giới, đã có những đề tài nghiên cứu dùng nano carbonate calcium trong y học (như người ta đã đưa những chất chống ung thư đi vào cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư), còn ứng dụng nano vào lĩnh vực thực phẩm chức năng như mình, chắc là chưa có ai làm” - bác sĩ Hồng khẳng định.
Bà cho biết, khả năng ứng dụng công nghệ nano dựa trên nguyên lý này là vô cùng lớn, có thể đưa bao nhiêu bài thuốc dân gian, dược liệu quý của cha ông vào nghiên cứu. Chính vì thành công này mà đã có nhiều dòng sản phẩm dành cho sức khỏe lần lượt ra đời. Từ chất chiết xuất trong trái khổ qua (mướp đắng) bọc vào hạt nano carbonate calcium để cho ra sản phẩm dành cho những người bị bệnh tiểu đường; tương tự là từ nhân trần giúp giảm mỡ và giảm cholesterol trong cơ thể; chất giúp giải độc rượu; collagen từ tinh chất mầm đậu nành bổ sung cho phụ nữ tuổi trên 30 bắt đầu thiếu hụt nội tiết tố nữ; cao ổn định đường ruột; chất dành cho nam giới chậm có con, bổ sung nội tiết tố nam; bột dinh dưỡng tăng cường sinh lực… Các dòng sản phẩm này đều đã đăng ký và được Bộ Y tế cấp phép và lần lượt được đưa ra thị trường từ năm 2011 đến nay với giá cả phù hợp.
Nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm, tất cả đều từ thiên nhiên, như carbonate calcium từ đá vôi mà cơ thể con người ai ai cũng cần đến, còn nguồn nguyên liệu chính là thảo dược cổ truyền đều từ nguồn cung cấp trong nước, ngoại trừ chất collagen phải nhập khẩu. Bà cho biết, mấu chốt là ở công nghệ nano, được Khu công nghệ cao TP.HCM chuyển giao và vẫn tiếp tục nghiên cứu để sản phẩm ngày càng hoàn chỉnh hơn và có thêm nhiều sản phẩm hơn.
Công nghệ nano đã làm thay đổi cách nhìn của mọi người về các bài thuốc y học cổ truyền vốn bị lấn át trong cuộc sống hiện đại. "Cây cỏ thảo dược của Việt Nam rất tốt, nếu đưa vào cơ thể một lượng hợp lý, bớt tiếp nhận hóa chất sẽ tốt cho sức khỏe và đó là tâm nguyện của tôi khi làm ra những sản phẩm này", bác sĩ Hồng nói.