KH&CN địa phương Thứ sáu, 29/03/2024 , 02:22 am
Cập nhật : 23/09/2021 , 09:09(GMT +7)
Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển thủy sản ở Ninh Bình
Nghề nuôi trồng thủy sản đã có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành NN tỉnh Ninh Bình
Nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển và đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình.

Nhờ áp dụng những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, ngành thủy sản đã nâng cao được năng suất, chất lượng, tạo thêm được sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực đang được tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường tôm vụ Đông, người nuôi tôm ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã tìm tòi, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt cho thu nhập từ 9-10 tỷ đồng/ha.

Sau khi mô hình xây dựng nhà bạt trong nuôi tôm thương phẩm được lựa chọn và triển khai đã cho kết quả đáng ghi nhận, chỉ cần 10 ha nhà bạt đưa vào sản xuất sẽ góp phần tăng sản lượng tôm toàn vùng lên khoảng 20%.

Mô hình này cũng cho phép áp dụng hệ thống xử lý nước tuần hoàn trong quản lý môi trường từ khâu lọc nước, sản xuất giống đến khâu nuôi tôm thương phẩm giúp hạn chế rủi ro do dịch bệnh.

Ông Đặng Thanh Tân, khối 8, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết, từ việc chỉ đạt sản lượng từ 5-27 tạ/ha giai đoạn 2000-2005, đến nay, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, trên diện tích 4 ha nuôi tôm thương phẩm của gia đình ông đã đạt từ 30-40 tấn/ha.

Hiện nay, gia đình ông đang nuôi tôm thương phẩm theo quy trình BIOFLOC, là quy trình an toàn về môi trường và giúp chủ động phòng ngừa dịch bệnh tốt.

Bên cạnh đó, đối với người nuôi tôm, con giống có vai trò rất quan trọng, hiện nay nhờ những những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đã tạo ra những con giống bảo đảm chất lượng và kháng bệnh.

Từ đó, giúp người nuôi trồng thủy sản nâng cao sức cạnh tranh cho tôm thương phẩm trên thị trường.

Đến nay, huyện Kim Sơn đã phát triển được 3.349 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2.019 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và thâm canh 130 ha cùng 1.200 ha nuôi ngao.

Các hộ nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn hiện áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như xây dựng các mô hình nuôi ao tròn, mô hình nuôi nhà lưới, mô hình sử dụng nước nhanh...

Các mô hình này đều đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao và hạn chế được dịch bệnh, rủi ro.

Trước đây khi chưa ứng dụng công nghệ cao, huyện chỉ đạt từ 100 - 150 triệu/ha/năm nhưng hiện nay đã đạt 200 triệu/ha/năm, trong khi bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 139 triệu/ha/năm. Chính kết quả này đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của người dân nơi đây.

Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh cho biết, để hạn chế những đặc điểm về khí hậu ảnh hưởng tới nuôi trồng thủy sản, người dân ở Kim Sơn đã ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là trong nuôi tôm thương phẩm.

Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào chuỗi sản xuất thủy sản tuần hoàn nước khép kín từ khâu con giống đến khâu nuôi giúp kiểm soát môi trường và dịch bệnh nhằm mục tiêu tạo dựng được uy tín, xây dựng thương hiệu, tăng năng xuất, sản lượng thủy sản.

Qua đó, giúp người nông dân tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng và sẽ là hướng phát triển chính trong thời gian tới tại vùng bãi bồi của huyện Kim Sơn.

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình xác định thủy sản là ngành mũi nhọn và phát triển theo 3 hướng: thủy sản nước ngọt, thủy sản mặn lợ và khai thác dài hơi.

Do đó, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào thủy sản mặn lợ thông qua Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020.

Riêng về nuôi tôm, tỉnh Ninh Bình duy trì diện tích 2.100 ha, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha đối với chính vụ. Sau khi ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính nuôi tôm vụ 3 (vụ Đông) từ năm 2017, đến nay diện tích nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh đã đạt tới gần 40 ha cho giá trị năng suất đạt 50 tấn/ha tôm vụ Đông.

Nếu như năm 2015, giá trị sản xuất thủy sản của Ninh Bình mới đạt khoảng 1.000 tỷ đồng thì sau 5 năm con số này đã là gần 2.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi và đóng góp hơn 20% vào tổng giá trị ngành nông nghiệp.

Đạt được bước đột phá này có sự đóng góp không nhỏ từ sự nhanh nhạy, dám nghĩ, dám làm của người dân và những chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh trong việc đưa công nghệ cao vào sản xuất.

Đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 14.280 ha, tăng 3.500 ha so với năm 2015. Tổng sản lượng đạt 58.800 tấn, tăng 41% so với năm 2015.

Giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2020 đạt 1.897 tỷ đồng, chiếm 20,6% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.

Ông Đinh Văn Khiêm, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho hay, nhờ ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản mà cơ cấu sản xuất của ngành đã chuyển đổi hợp lý từ chiều rộng sang chiều sâu và sản xuất theo định hướng thị trường, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Khoa học và công nghệ cao được ứng dụng nhanh vào sản xuất thủy sản đã giúp giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, việc đổi mới các hình thức sản xuất, thúc đẩy sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần đưa nông nghiệp Ninh Bình chuyển sang giai đoạn mới với tiêu chí sản xuất hàng hóa, công nghệ cao cùng các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất hiệu quả, bền vững.

Thời gian tới, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khoảng 40% chi phí công nghệ cao, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ vùng nuôi tôm ven biển Kim Sơn trong vấn đề quy hoạch, xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao với quy mô diện tích 6.000 ha từ đê Bình Minh I trở ra Cồn Nổi.

Tỉnh Ninh Bình cũng sẽ ưu tiên cho việc ứng dụng công nghệ cao cho phát triển các sản phẩm chủ lực vùng thủy sản mặn lợ.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính Phủ về chính sách phát triển thủy sản; trong đó, chú trọng hỗ trợ các tàu đánh bắt xa bờ để khai thác thủy sản gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh./.

 
Nguồn tin: TTXVN

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner