KH&CN địa phương Thứ sáu, 26/04/2024 , 04:17 am
Cập nhật : 17/01/2021 , 08:01(GMT +7)
Ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi
Chương trình thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KTXH nông thôn và miền núi
Sau 5 năm triển khai, Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi" (giai đoạn 2016-2020), thực hiện gần 400 dự án thuộc 8 lĩnh vực. Đây là Chương trình có tính chất liên ngành, liên vùng, được thực hiện thông qua các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Ích, Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi xoay quanh Chương trình giai đoạn này.

- Xin ông cho biết trong giai đoạn 2016 - 2020 Chương trình đã có bao nhiêu dự án được triển khai, gồm những lĩnh vực nào? Kết quả sau 5 năm triển khai ra sao?
 
- Ông Nguyễn Thế Ích: Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN đã phê duyệt thực hiện 400 dự án triển khai trên địa bàn 61 tỉnh/thành phố. Các dự án triển khai trong 08 lĩnh vực: Trồng trọt; Chăn nuôi; Thủy sản; Công nghệ sinh học; Công nghệ bảo quản, chế biến; Trồng trọt kết hợp chăn nuôi, thủy sản; Vật liệu xây dựng; Xử lý môi trường nước, tưới tiết kiệm nước.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, dự kiến khi kết thúc nghiệm thu, các dự án sẽ xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển giao được 2.126 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 1.800 cán bộ quản lý; đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, tập huấn cho 78.610 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án. 
Có thể kể đến một số lĩnh vực cụ thể như các dự án trong lĩnh vực trồng trọt đã chuyển giao được các giống mới, sạch bệnh như: lúa Sơn Lâm 1, lúa Hương Cốm 4, lúa J02…, một số loại cây ăn quả đặc sản và các loại cây ăn quả khác có giá trị như bưởi Diễn, dừa Sáp, bưởi đỏ Hòa Bình...; hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ một số địa phương phát triển các loài dược liệu quý như: giảo cổ lam, cúc hoa vàng, đương quy Nhật Bản, đan sâm...;
Các dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi đã hỗ trợ cho địa phương về kinh phí và công nghệ để từng bước giải quyết được những khó khăn trong ngành chăn nuôi, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ đối phó sang phòng ngừa những vấn đề chuồng trại, con giống, dinh dưỡng, thú y, vệ sinh an toàn sinh học; giúp địa phương làm chủ được các công nghệ về sản xuất giống và chăn nuôi bò thịt, lợn. 
Giai đoạn 2016-2020, trong lĩnh vực thủy sản, Chương trình Nông thôn miền núi đã hỗ trợ một số dự án áp dụng công nghệ Biofloc - là công nghệ sinh học theo hướng mới, thân thiện với môi trường, giúp giảm tỷ lệ thức ăn và thành phần protein trong thức ăn thủy sản - là giải pháp để phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp.
Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc sản xuất các loại chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm vi sinh cải tạo đất, sản xuất các loại nấm đặc sản như linh chi, đông trùng hạ thảo….
 
Ông Nguyễn Thế Ích, Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi 
 
- Theo ông đâu là thành công nổi bật nhất của giai đoạn này? 
 
- Ông Nguyễn Thế Ích: Thành công nổi bật nhất của Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2020 là Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương triển khai dự án, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, cụ thể như sau:
Hiệu quả về mặt khoa học và công nghệ: Chương trình đã xác định được công nghệ phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Các dự án dự kiến sau khi kết thúc sẽ chuyển giao được 2.126 lượt công nghệ; giúp địa phương làm chủ được công nghệ sản xuất một số giống sạch bệnh, có chất lượng cao, giá thành hạ, thay thế giống nhập khẩu từ nước ngoài; đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên cơ sở và trên 1.800 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ ở địa phương; tập huấn 78.610 lượt nông dân tiếp nhận và làm chủ được công nghệ. 
Hiệu quả về kinh tế: hầu hết các dự án đều mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt cho Tổ chức chủ trì, thể hiện ở sự gia tăng doanh thu hay lợi nhuận so với trước khi thực hiện dự án hoặc so với đơn vị không thực hiện dự án. Đặc biệt, các dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế gián tiếp rất quan trọng đó là hiệu ứng lan tỏa: các dự án đã xây dựng các mô hình sản xuất là những mẫu hình về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ có tính đại diện cho địa bàn triển khai, do chính người dân sau khi được tập huấn kỹ thuật trựctiếp thực hiện, đó chính là các điểm trình diễn cho các tổ chức và cá nhân người nông dân đến tham quan học tập, từ đó thu hút được nhiều doanh nghiệp, người nông dân mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào sản xuất. 
Hiệu quả về xã hội:Các dự án triển khai thu hút được nhiều lao động tham gia sản xuất, nhất là khi các mô hình áp dụng kỹ thuật công nghệ được lan tỏa nhân rộng sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới góp phần giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn; góp phần nâng cao trình độ nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo phương thức công nghiệp với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ, giúp người dân nhanh chóng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong và ngoài nước.
Hiệu quả bảo vệ môi trường: Các dự án trồng nấm, sản xuất phân bón vi sinh đã tận dụng được các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, mùn cưa…) để sản xuất thành sản phẩm có giá trị sử dụng và trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Qua đó, không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà cả người nông dân sẽ có ý thức tận dụng, thu gom để cấp cho dự án, vừa có tác dụng tăng thu nhập, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông thôn. Các dự án sản xuất gạch không nung góp phần phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.Các dự án sản xuất rau, quả, chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn theo VietGap, an toàn hữu cơ không chỉ giúp tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn giúp giảm thiểu một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học ra môi trường, giảm phát thải từ sản xuất ra môi trường.
 
- Trong giai đoạn tới, Chương trình đã có những giải pháp gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các dự án, thưa ông?
 
- Ông Nguyễn Thế Ích: Trong giai đoạn tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả các dự án, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Sở KH&CN các tỉnh, thành phố cần tăng cường vai trò tham mưu, giúp UBND tỉnh lựa chọn, đề xuất dự án đảm bảo đúng, trúng các vấn đề cấp thiết của địa phương; tham mưu xây dựng cơ chế duy trì, nhân rộng dự án dựa trên chiến lược phát triển và quy hoạch tại địa phương; Tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ quản lý ở TW và địa phương để việc kiểm soát hồ sơ, quản lý dự án ngày càng chặt chẽ nhưng đồng thời cũng phát hiện, hạn chế các thủ tục hành chính không cần thiết; Thường xuyên trao đổi, hướng dẫn cho Lãnh đạo, kế toán của Tổ chức chủ trì để đảm bảo việc sử dụng kinh phí, tổ chức thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, đúng quy định. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành có liên quan tham mưu xây dựng chính sách để tháo gỡ khó khăn về việc xử lý tài sản cho các dự án, nghiên cứu, sửa đổi một số điều của Thông tư số 04/2015/TT-BKHCN ngày 11/3/2015 trong đó: điều chỉnh số lần gia hạn thời gian thực hiện dự án từ 01 lần lên tối đa 2 lần, mỗi lần tối đa 1 năm; chỉ nên quy định sự có mặt bắt buộc của 2 thành phần tham gia đoàn kiểm tra là đại diện đơn vị quản lý ở Trung ương và đại diện đơn vị quản lý ở địa phương; không quy định bắt buộc số lượng thành viên đoàn kiểm tra,…
- Xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Nhóm PV
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner