KH&CN địa phương Thứ sáu, 26/04/2024 , 06:22 am
Cập nhật : 28/08/2014 , 23:08(GMT +7)
Ứng dụng, chuyển giao KH&CN - tạo bước đột phá trong phát triển KTXH
Mô hình quản lý, nuôi một số loài cá có giá trị KT bằng lồng ở vùng cửa biển tỉnh Thừa Thiên Huế
Trong giai đoạn từ năm 2012 – 2014, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng Bắc Trung bộ (vùng) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ với nhiều nhiệm vụ được triển khai, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như khoa học nông, lâm nghiệp, khoa học y dược, công nghệ thông tin,… Tuy nhiên, để KH&CN góp phần tạo đà phát triển ổn định và bền vững cho toàn vùng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chú trọng nghiên cứu theo hướng đặt hàng

Vùng Bắc Trung bộ gồm 06 tỉnh ven biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 5,2 triệu hécta, dân số 11 triệu người, trong đó có gần 6 triệu người trong độ tuổi lao động, được đánh giá là vùng có nền kinh tế giàu tiềm năng, đang trong đà phát triển năng động. Vùng có 5 khu kinh tế và cảng biển đang phát triển với các lĩnh vực nổi bật như hóa dầu, công nghệ cao, khai thác, chế biến khoáng sản.

Giai đoạn từ năm 2012 đến nay, hoạt động KH&CN trong vùng đã diễn ra sôi động với nhiều chương trình, hội nghị, hội thảo được xúc tiến triển khai hướng đến mục tiêu tạo bước đột phá trong phát triển KH&CN. Công tác Quản lý nhà nước về KH&CN được các tỉnh trong vùng triển khai luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch (3 tỉnh vượt 120% là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình). Đặc biệt có có 05 doanh nghiệp KH&CN với doanh thu từ 3 đến 25 tỷ đồng/năm; 05 doanh nghiệp đã có quỹ phát triển KH&CN,…

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các địa phương trong vùng đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học, đặc biệt hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện theo hướng đặt hàng nhằm giải quyết các vấn đề xuất phát từ nhu cầu thực tế, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào thực tiễn, với 65% các nhiệm vụ KH&CN đã được chuyển giao, ứng dụng.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Vụ phó Vụ Phát triển KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN), thời gian qua, toàn vùng đã triển khai 18 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc các chương trình nông thôn miền núi, trong đó một số kết quả nổi bật đã được ứng dụng thành công tại các địa phương như: ứng dụng hệ thống chụp mạch kỹ thuật số trong chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sinh sản giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Vược tại Nghệ An; xây dựng mô hình trồng cỏ nuôi bò lai Sind ở thôn Bắc Bình xã Cam Tuyền tỉnh Quảng Trị; nghiên cứu giá trị của các kỹ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa Trường Đại học Y Dược Huế,...

Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng Bắc Trung bộ, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển nghiên cứu KH&CN. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai đã bám sát vào nhu cầu thực tiễn, tập trung vào những nhóm ngành trọng điểm như công nghiệp, nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn, y dược,… 

Đánh giá về hoạt động KH&CN của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND Phan Ngọc Thọ cho biết, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến KH&CN, trong đó có đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học của cả nước”, đặc biệt, sự hợp tác giữa Đại học Huế với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã dần đi vào phát triển chiều sâu gắn với nhu cầu thực tiễn.

Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2012 – 2014, tỉnh đã phê duyệt đưa vào triển khai thực hiện 59 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu thuộc các lĩnh vực trong điểm như khoa học nông nghiệp, môi trường, khoa học y dược,... 

Mô hình trồng cây Thanh Long ruột đỏ tại tỉnh Quảng Trị 

Một số dự án và công trình nghiên cứu tiêu biểu đã được triển khai và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn như: mô hình ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, sinh học để sản xuất lúa chất lượng cao tại thị xã Hương Trà; xây dựng quy trình sản xuất vật liệu zeolite 4A từ tro trấu và ứng dụng để xử lý nước ao hồ nuôi trồng thủy sản; xây dựng mô hình quản lý, nuôi một số loài cá có giá trị kinh tế bằng lồng của Đan Mạch ở vùng cửa biển của tỉnh,… Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng giải quyết những bất cập, khó khăn trong quản lý, điều hành và triển khai các nhiệm vụ khoa học đã mang lại nhiều thành công bước đầu, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tháo gỡ khó khăn, tạo bước phát triển đột phá

Tuy đã đạt được một số thành tựu nhất định trong giai đoạn 2012 – 2014, nhưng nhìn chung theo đánh giá của Vụ Phát triển KH&CN và đại diện các địa phương, hoạt động KH&CN của vùng còn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Tại Hội nghị giao ban vùng lần thứ XI do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại TP. Huế vừa qua, các đại biểu tham dự đã cùng phân tích, chỉ ra những khó khăn, tồn tại trong công tác đầu tư, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng KH&CN.

Theo Ông Lê Minh Thông, Phó Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa, một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học là cơ chế đầu tư tài chính và phân bổ ngân sách cho các chương trình và dự án phát triển KH&CN. Ông Thông cho rằng, việc đầu tư và phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN hiện nay còn nhiều bất cập và dàn trải khiến cho việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu gặp khó khăn, dẫn đến không đủ nguồn lực xử lý những nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm, có tính thiết thực trong đời sống và sản xuất. 

Ông Trần Thiềm, Phó Giám đốc Sở KH&CN Quảng Trị cho rằng, điểm yếu của hoạt động KH&CN trong vùng hiện nay là đang thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương, thiếu các nhiệm vụ có tính liên tỉnh, liên vùng. Đây là yêu tố quan trọng tạo mối liên hệ qua lại trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp triển khai hiệu quả và bền vững các nhiệm vụ khoa học giữa các địa phương trong vùng. Ngoài ra, hệ thống cung cấp, trao đổi thông tin giữa các tỉnh về danh mục còn thiếu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, kết quả các nhiệm vụ KH&CN vẫn còn xảy ra tình trạng trùng lặp; hoạt động nghiên cứu triển khai trong các doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh,...

Đại diện một số địa phương trong vùng cũng cho rằng, hiện nay các sản phẩm chủ lực của vùng chưa được đầu tư một cách thỏa đáng như công nghệ chế biến khoáng sản; công nghệ bảo quản chế biến nông, lâm sản; phát triển bền vững cây dược liệu,… nên chưa phát huy được các lĩnh vực thế mạnh của vùng.

Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực phát triển KH&CN của từng địa phương dựa trên tiềm năng, thế mạnh vốn có về điều kiện tự nhiên, nguồn lao động trong vùng, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hoạt động chuyển giao khoa học, đồng thời coi đây là “bàn đạp” quan trọng, tạo đà phát triển khoa học và kinh tế - xã hội toàn vùng.

Bài, ảnh: Ngũ Bùi

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner