KH&CN địa phương Thứ năm, 25/04/2024 , 03:43 pm
Cập nhật : 15/07/2014 , 09:07(GMT +7)
Ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp – dựa vào thế mạnh từng vùng
Nông dân tận dụng thực phẩm trong chăn nuôi
Giai đoạn 2012 – 2014, Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc) đã thực hiện được gần 900 nhiệm vụ khoa học, trong đó có gần 50% nhiệm vụ thuộc nhóm khoa học nông nghiệp – lĩnh vực có lợi thế lớn nhất của Vùng.

Các nhiệm vụ khoa học đã bám sát thực tiễn sản xuất, đi sâu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất thế mạnh của từng địa phương, tạo ra giá trị kinh tế cao cho các sản phẩm hàng hóa trên thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp

Là vùng còn gặp nhiều khó khăn về địa hình, cơ sở hạ tầng và giao thông chưa phát triển khiến cho hoạt động kinh tế - xã hội trong vùng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, vùng núi Trung du phía Bắc cũng có nhiều tiềm năng và thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp.

Trong giai đoạn 2012 -2014, Chương trình Tây Bắc đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học, trong đó ưu tiên vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp. Chương trình đã tiến hành xây dựng và phát triển các dự án, đề tài nghiên cứu, hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ theo hướng tập trung, hiện đại đồng thời đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Theo thống kê của các Sở KH&CN các địa phương trong vùng giai đoạn 2012 – 2014, đã có 423 nhiệm vụ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai trên tổng số 878 nhiệm vụ khoa học của toàn vùng. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với chủ trương các nhiệm vụ KH&CN ở địa phương phải tập trung theo hướng ứng dụng là chính nên nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống (số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng tăng, trung bình đạt 50-70% tổng số các kết quả nghiên cứu ứng dụng).

Các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao, như: nghiên cứu tuyển chọn, phục tráng nhân giống các cây trồng chủ lực, cây đặc sản ở địa phương, nghiên cứu quy trình kỹ thuật mới với một số dự án đầu tư tiêu biểu như: “Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen bản địa quy hiếm có giá trị kinh tế như cây Bách tán, Táo mèo, lúa khẩu Nậm Xít (Bắc Hà), lúa Chăm Pét (Văn Bàn, Lào Cai)’’; “Tuyển chọn cây đầu dòng, phục tráng giống, sản xuất giống tốt phục vụ cho sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng mô hình thâm canh quýt Bắc Kạn’’,... đã giúp nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ,...

Giai đoạn 2012 – 2014, Chương trình KH&CN Tây Bắc cũng hỗ trợ đắc lực trong hoạt động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của vùng, như tỉnh Lào Cai đã hoàn thành đăng ký chứng nhận sản phẩm “Su su SaPa”; Bắc Giang đăng ký chỉ dẫn địa lý “vải thiều Lục Ngạn” và “gà đồi Yên Thế”,... 

KH&CN xuất phát từ thực tế

Tại Hội nghị giao ban KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc được Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức mới đây tại Bắc Kạn, các đại biểu và nhà khoa học đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình Tây Bắc trong những giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, các nhiệm vụ khoa học sẽ tiếp tục hướng đến những lĩnh vực có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển của vùng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, phục vụ phát triển sản xuất bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Chương trình cần tiếp tục đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; tập trung nghiên cứu các loại cây trồng truyền thống thế mạnh như cây dược liệu, rau bản địa, rau hoa chất lượng cao, giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất,… Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giới thiệu mô hình KH&CN, đặc biệt là việc cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp, nâng cao năng lực canh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

PGS-TS. Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, 14 tỉnh Tây Bắc và vùng phụ cận có những nét chung nên các địa phương cần trao đổi, chia sẻ, tích hợp các đề xuất, nhiệm vụ để triển khai các nhiệm vụ, chương trình, tránh trùng lặp. Các địa phương cần tập trung vào các nhiệm vụ KH&CN nhằm phòng tránh, giảm thiểu tác hại của tai biến thiên nhiên. TS. Nhạ đặc biệt nhấn mạnh đến việc chia sẻ trách nhiệm giữa các nhà khoa học với địa phương và khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình Tây Bắc trong các giai đoạn tiếp theo.

Nhận xét về hiệu quả kinh tế mang lại đối với tỉnh Bắc Kạn trong phát triển nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Văn Chí cho biết, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của KH&CN phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ KH&CN bám sát với yêu cầu thực tế, ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng. Điều này thể hiện qua  một số sản phẩm của địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ như: chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt; Quýt Bắc Kạn; gạo Bao Thai Chợ Đồn; Miến dong Bắc Kạn,…, đặc biệt một số dự án nhằm duy trì và phát huy một số vật nuôi bản địa như: Ngan, Gà của đồng bào Mông; công nghệ nuôi cấy invitro để nhân giống cây khoai môn phục vụ sản xuất; dự án chăn nuôi lợn bán hoang dã tại Thị xã Bắc Kạn,… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân của tỉnh.

Anh Nguyễn Văn Bình, một hộ nông dân chăn nuôi lợn thành công trong khuôn khổ dự án nuôi lợn bán hoang dã

Anh Nguyễn Văn Bình, một hộ nông dân chăn nuôi lợn thành công trong khuôn khổ dự án nuôi lợn bán hoang dã tại Thị xã Bắc Kạn hồ hởi chia sẻ, “Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn bởi không biết sản xuất, đầu tư vào lĩnh vực nào vừa mang tính bền vững, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, kể từ khi gia đình nhận được sự hỗ trợ về giống, quy trình nuôi lợn từ Sở KH&CN tỉnh với mức giá bán từ 120.000 đ – 130.000 đ/kg như hiện nay, đời sống kinh tế gia đình đã khá hơn rất nhiều”.

Theo PGS-TS. Phùng Xuân Nhạ, để mục tiêu phát triển KH&CN bền vững, có hiệu quả, thời gian tới Chương trình Tây Bắc cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính, gồm: Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tích hợp giữa các lĩnh vực và tiện ích sử dụng. Đây là yếu tố quan trọng việc quản lý điều hành các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học của vùng; Xây dựng các mô hình kinh tế sinh kế giải quyết các vấn đề về quốc phòng an ninh; 65% Chương trình sẽ tập trung chuyển giao công nghệ vào các mô hình sản xuất có nhiều tiềm năng và thế mạnh của vùng; Chú trọng phát triển và bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhóm nhân lực về lãnh đạo quản lý và nhân lực lao động nghề trong vùng. Bốn nhóm nhiệm vụ này sẽ được thiết kế bởi các đề tài, dự án trong đó phần lớn được đề xuất từ các địa phương. Các nhiệm vụ đề xuất phải bám sát và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất, thiết thực và hiệu quả.

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner