Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Tình hình triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2013 – 2015” (Chương trình Tây Bắc) tổ chức vào ngày 17/5 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Báo cáo về tình hình triển khai Chương trình Tây Bắc giai đoạn 2013-2015, Ban Chủ nhiệm Chương trình cho biết, giai đoạn này, Chương trình đã nhận được hàng nghìn đề xuất, các đề xuất này được Hội đồng xét duyệt, Hội đồng tư vấn căn cứ vào quan điểm, mục tiêu, tính khả thi của Chương trình… đã tuyển chọn được 35 nhiệm vụ.
Kết quả nổi bật của các nhiệm vụ này được thể hiện qua 4 định hướng: cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xác định chiến lược, kế hoạch phát triển và các khâu đột phá của vùng và các địa phương vùng Tây Bắc (góp ý hoàn thiện Báo cáo Đại hội Đảng bộ các tỉnh, hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc); ứng dụng KH&CN để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống (xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái, xây dựng mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu, nghiên cứu đông trùng hạ thảo…); phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (xây dựng và bàn giao khung năng lực cán bộ quản lý lãnh đạo hành chính công, đánh giá tác động của hiệu quả đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo…); phát triển văn hóa - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc là cơ sở quan trọng để phục vụ đầu tư và quản lý, không chỉ đối với quốc gia, các bộ ngành mà còn với các tỉnh và là nhu cầu bức thiết đối với nước ta trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Một sản phẩm của Chương trình được trưng bày tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả Chương trình Tây Bắc đạt được về mặt khoa học và thực tiễn trong giai đoạn 2013 - 2015. Đặc biệt là xây dựng cơ chế chính sách, tạo dựng mô hình cụ thể, tăng cường vai trò của KH&CN. Kết quả đạt được trong giai đoạn này góp phần vào việc nâng cao nhận thức của các địa phương về vai trò KH&CN. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để tập trung vào việc triển khai giai đoạn tới mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Theo đó, cần đẩy mạnh tính liên kết vùng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các vùng.
Được biết, những định hướng triển khai Chương trình Tây Bắc giai đoạn 2016-2018 là tập trung đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu ứng dụng liên ngành, đưa các kết quả KH&CN vào đời sống và sản xuất, chú trọng các mô hình kinh tế - sinh kế cho địa phương, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, thay mặt ngành KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh gửi tới các vị đại biểu, các nhà khoa học và cộng đồng những người hoạt động trong lĩnh vực KH&CN lời chúc tốt đẹp nhất. Bộ trưởng mong muốn các bộ, ban,ngành, các nhà khoa học,… cùng chung tay phát triển sự nghiệp KH&CN trong đó mục tiêu của Chương trình Tây Bắc đặt ra.
Tin, ảnh: Hoàn Phương