Để ngành chăn nuôi thú y thực sự phát triển bền vững thì việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là hướng đi tất yếu của ngành. Tuy nhiên, việc ứng dụng những thành tựu KH&CN đòi hỏi sự phối hợp cũng như trợ giúp từ chính phủ, các cơ quan nghiên cứu cho doanh nghiệp và người nông dân trong chăn nuôi.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị
Tại hội thảo “Khoa học công nghệ chăn nuôi thú y định hướng phát triển bền vững 2020” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập xuất hiện những thách thức và nguy cơ rõ rệt đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, thú y Việt Nam như: diễn biến phức tạp của dịch bệnh; sự ô nhiễm môi trường; sự khủng hoảng giá đầu vào, đầu ra; sự cạnh tranh của thịt nhập khẩu; dịch bệnh lây từ động vật sang người; biến đổi khí hậu; vấn đề an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật. Những khó khăn trên đòi hỏi ngành chăn nuôi, thú y phát triển theo một hướng mới: chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần, chăn nuôi lớn đảm bảo vệ sinh môi trường và đầu tư công nghệ cao theo chuỗi sẽ có cơ hội để phát triển.
Theo số liệu của Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thịt đạt trên 3,4 triệu tấn giảm trên 2% so với cùng kỳ 2019. Tổng đàn gia cầm khoảng 510 triệu con (trong đó gà 410 triệu con, thủy cầm 100 triệu con) tăng 7,4%. Sản lượng thịt đạt trên 930 nghìn tấn, tăng trên 12%; sản lượng trứng đạt trên 9,6 tỷ quả, tăng 11%. Tổng đàn bò đạt trên 6,06 triệu con, tăng khoảng 3,4%; trong đó bò thịt trên 5,7 triệu con, bò sữa trên 300 nghìn con; sản lượng thịt bò gần 250 nghìn tấn, tăng 4,1%; sữa bò đạt gần 700 nghìn tấn, tăng 8,1%. Tổng đàn trâu khoảng 2,39 triệu con tương đương cùng kỳ 2019, sản lượng thịt trâu đạt gần 65 ngàn tấn, tăng gần 3%.
Tại báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018), tăng 11,6% so với 1/1/2020 và tăng 4,2% so với 1/4/2020. Có 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Giang Thu, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kết quả từ các nghiên cứu là cơ sở quan trọng, có tính quyết định trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để thay đổi diện mạo và phát triển bền vững ngành chăn nuôi, thú y.
TS Nguyễn Giang Thu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ cho rằng, có nhiều chương trình KH&CN được mở ra như chương trình trọng điểm quốc gia, các nguồn từ Bộ KH&CN và các địa phương là những cơ hội để nhà khoa học có thể tham gia trực tiếp vào sự phát triển của ngành. Thời gian qua, chúng ta có nhiều nghiên cứu khoa học mạnh về giống, thời gian tới cần nhiều thêm các nghiên cứu về dinh dưỡng, công nghệ nuôi,… Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến, chuỗi sản xuất vẫn còn ít nghiên cứu và chưa được chú ý nhiều.
Đột phá thu hút đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển chăn nuôi, thú y
Với mục tiêu thảo luận, định hướng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi, thú y trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức và nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của ngành, tại hội thảo, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào những kết quả đạt được trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lĩnh vực chăn nuôi, thú y giai đoạn 2017-2020 cũng như định hướng nghiên cứu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, biến đổi khí hậu, phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng trưởng bền vững giai đoạn 2021-2025.
KH&CN góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi thú y
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, với vài trò cung cấp thực phẩm cho gần 100 triệu dân, hàng trục triệu khách du lịch mỗi năm, ngành chăn nuôi, thú y có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế, an sinh, xã hội của đất nước. Trong giai đoạn 2008-2018, sản lượng thịt các loại của nước ta đã tăng trên 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu như sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt gà, lợn sữa…, khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi thú y đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và khó lường như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid -19, biến đổi khí hậu, hội nhập sâu rộng, nhưng ngành vẫn vượt qua. Thực tiễn cho thấy, chăn nuôi bò và gia cầm vẫn tăng trưởng và tái đàn lợn được tăng cường. Đây là những cố gắng, nỗ lực lớn của ngành, và có được kết quả đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng, then chốt của khoa học công nghệ trong chăn nuôi thú y.
Thời gian tới, với xã hội yêu cầu ngành chăn nuôi ngày càng cao như phải đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, tăng cường công nghệ chế biến sâu.. Mặt khác, các thách thức ngày càng nhiều, khó lường đòi hỏi cần có sự đột phá về khoa học công nghệ trong chăn nuôi thú y, cần có cơ chế chính sách linh hoạt để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.
Do đó, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kết quả từ các nghiên cứu là cơ sở quan trọng, có tính quyết định trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để thay đổi diện mạo và phát triển bền vững ngành Chăn nuôi, Thú y. GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Để phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi, thú y, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi nước ta sẽ phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững và hội nhập sâu, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong nước, đẩy mạnh xuất khaair, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Để đạt được các mục tiêu đó cần một chiến lược giải pháp tổng thể, như: Đổi mới và hoàn thiện chủ trương, thể chế, chính sách; Rà soát thực hiện quy hoạch chăn nuôi trong phạm vi toàn quốc; Tổ chức hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị; Đột phá thu hút đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi; Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp;…
Bên cạnh đó các nhà khoa học cũng cần tiếp cận theo hướng mới đó là công nghệ số, công nghệ blockchain, nghiên cứu các mô hình sản xuất chăn nuôi hiện đại, quản lý chuỗi, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo truy xuất nguồn gốc...
Bài, ảnh: Diệu Huyền