Hai chế phẩm sinh học này được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ bọ xít, rầy hại lúa và bọ cánh cứng hại.
Hướng nghiên cứu thân thiện với môi trường
Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu và ứng dụng thành công chế phẩm sinh học Ometar ứng dụng rộng rãi để phòng trừ sâu, rầy hại lúa tại các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... kết quả của các mô hình thực hiện trên diện rộng đã khẳng định chế phẩm vi nấm Ometar có hiệu quả cao đối với rầy nâu, bọ xít hại lúa.
Đặc biệt, Ometar không gây ảnh hưởng tới thiên địch của sâu hại, hệ sinh thái, con người và môi trường. Chế phẩm Ometar trừ sâu hại cây trồng chỉ có thể thành công trong chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, phải có số lượng lớn chế phẩm sinh học Ometar để khống chế dịch hại một cách đồng bộ và đặc biệt là phải gắn với hoạt động “Cộng đồng nông dân”. Vì thế, Viện đã nghiên cứu thành công quy trình “sản xuất nhanh chế phẩm Ometar ở quy mô nông hộ”. Nông dân có thể áp dụng rất dễ dàng tại nhà bằng những thao tác đơn giản với các dụng cụ như nồi hấp, tủ cấy tự thiết kế rẻ tiền.
Xã hội hoá chế phẩm sinh học
Quy trình “sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ” đã được lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rất cao và cho phép phổ biến rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.
Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm thành công trên 25ha lúa giống tại Viện Lúa ĐBSCL, vụ Đông Xuân 2008-2009, quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ” đã được thủ nghiệm tại Mỹ Xuyên - Sóc Trăng cho thấy chế phẩm Ometar tươi có hiệu lực cao đối với rầy nâu.
Năm 2009 quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm Ometar ở quy mô nông hộ” đã được chuyển giao cho bà con nông dân 3 huyện Cầu Kè, Châu Thành và Trà Cú (Trà Vinh). Qua đó, nông dân của 3 huyện nói trên đã tự sản xuất được 1.564 gói chế phẩm nấm xanh Ometar đủ để phòng trừ rầy nâu cho 205ha lúa trong các vụ lúa Hè Thu, vụ lúa Đông Xuân. Hiệu quả kinh tế của chế phẩm này thấp hơn từ 7- 8 lần so với phun thuốc hoá học thông thường.
Vụ Hè Thu 2010, quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ” cũng đã được chuyển giao cho nông dân của xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Bà con nông dân tại đây đã tự sản xuất được 441 túi chế phẩm nấm xanh Ometar để phòng trừ rầy nâu hiệu quả cho 44 ha lúa của xã Định Hòa.
Sản phẩm Ometar tươi sản suất ra từ quy trình này có hiệu quả cao đối với rầy nâu hại lúa. Giá chế phẩm nấm xanh Ometar mà nông dân tự sản xuất để phun trừ rầy nâu hại lúa tính theo giá hiện hành có bao gồm cả công lao động của nông dân thì cũng chỉ có 50.000đ/ha cho một lần phun, giảm hơn nhiều so với thuốc hoá học, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Hiện nay, Viện cũng đã hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm nấm xanh ở quy mô tương đối lớn, với công suất là 3 tấn chế phẩm Ometar/tháng. Quy trình sản xuất chế phẩm Ometar của Viện Lúa đã đăng ký bằng độc quyền sáng chế. Bên cạnh đó, Viện cũng đã có phương hướng sản xuất và ứng dụng chể phẩm nấm xanh Ometar.
Trong thời gian tới, Viện sẽ thực hiện tiếp chủ trương “xã hội hoá” công tác sản xuất chế phẩm sinh học Ometar để phòng trừ rầy nâu đồng bộ, hiệu quả và bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Phương Hoàn – Thu Hiền