Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 01/11/2024 , 02:19 pm
Cập nhật : 29/09/2013 , 08:09(GMT +7)
Truyền thông KHCN tại các địa phương: Yếu và thiếu!
Truyền thông góp phần đưa thành tựu khoa học công nghệ đến với người dân.
Hiện nay, ở các địa phương, hoạt động truyền thông KH&CN chủ yếu do các Trung tâm thông tin KH&CN của 63 Sở KH&CN đảm nhận. Một thực tế tồn tại khá lâu là nhận thức về vai trò của truyền thông KH&CN ở Trung ương và địa phương đều chưa đặt đúng vị trí, chưa được quan tâm đúng mức. Còn nhiều bất cập trong truyền thông KH&CN.

Rộng về quy mô

Ngoài các Trung tâm thông tin KH&CN tại các tỉnh, thành phố, các phòng quản lý KH&CN của các sở, ngành, các tổ chức KH&CN, tổ chức chủ trì thực hiện các đề tài, dự án KH&CN cũng tham gia các hoạt động truyền thông. Các Sở KH&CN thường phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình địa phương định kỳ (hàng tuần, tháng hoặc quý) phát chương trình truyền thông KH&CN; tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về các vấn đề quản lý nhà nước về KH&CN…

Các Sở KH&CN có tạp chí, website, tờ tin, có Sở ra hàng tháng rất bổ ích, nhưng có Sở đến 3 tháng mới ra một kỳ tạp chí, vì thiếu chuyên trách. Truyền thông KH&CN ở cấp tỉnh, cấp huyện càng khan hiếm. Một hoạt động có bề dày nhất liên quan đến công tác truyền thông KH&CN là hoạt động thông tin KH&CN. Hiện nay, hoạt động này được thực hiện đều khắp ở 63 tỉnh, thành phố.

Thời gian gần đây hoạt động thông tin KH&CN có nhiều bước phát triển hơn những năm trước với nhiều hình thức khác nhau, những mô hình mới được đưa vào sản xuất, phục vụ tốt cho nhu cầu nghiên cứu KH&CN và nâng cao kiến thức KH&CN của cán bộ, nhân viên nói riêng và nhân dân nói chung.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế như trình độ công nghệ thông tin của nhân viên còn chưa cao, thông tin chưa được phong phú và đa dạng, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác nghiên cứu cũng như phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo. 

Cán bộ tuyên truyền còn yếu

Một thực trạng tồn tại khá lâu là tại các địa phương, người làm khoa học thường ít viết. Các nhà khoa học tại đây thường ít tham gia viết bài. Điều này cũng giải thích tại sao trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin về KH&CN còn nghèo nàn. Thông tin KH&CN thường không dồi dào, lại phức tạp nên so với những thông tin khác trong đời sống xã hội càng khó hấp dẫn cộng đồng. 

Hầu hết thông tin KH&CN được biên soạn ở dạng báo cáo khoa học khô khan nên nhìn chung công chúng khó tiếp nhận. Vì vậy, đòi hỏi thông tin đầy đủ, chuyên sâu và lại hấp dẫn, hiệu quả trong việc tuyên truyền về KH&CN là một việc không dễ dàng. Bên cạnh đó, người làm khoa học ít quan tâm đến kỹ năng trình bày, diễn giải hoạt động, kết quả nghiên cứu của mình qua các bài báo một cách dễ hiểu, đại chúng để cung cấp thông tin cho xã hội. 

Trong cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN, cho đến nay, cũng chưa bố trí kinh phí cho các nội dung, hoạt động truyền thông của nhiệm vụ KH&CN. Thiết nghĩ nội dung như thế này là cần thiết, cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội của hoạt động KH&CN để cung cấp thông tin cho xã hội về hoạt động của mình, cũng như xã hội cũng có quyền được biết những hoạt động, như hoạt động KH&CN thực hiện trên cơ sở tiền thuế.

Những hạn chế chung là đội ngũ làm truyền thông chưa được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng chuyên môn; phương tiện tác nghiệp còn hạn chế. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Một tồn tại lâu nay cần khắc phục ngay là các phương tiện thông tin đại chúng công lập cả ở cấp Trung ương cũng như địa phương chưa dành thời lượng cần thiết cho công tác truyền thông về chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách, pháp luật về KH&CN; đầu tư cho truyền thông rất hạn hẹp…

Làm thế nào để tạo lực đẩy?

Để phát triển truyền thông KH&CN địa phương, về mặt tổ chức, cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho phòng thông tin KH&CN của các Sở KH&CN nhằm thực hiện tốt khoản 8 điều 50 Luật KH&CN “Mục đích chi ngân sách nhà nước cho KH&CN: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông, thông tin, thống kê KH&CN; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giải thưởng KH&CN. 

Cùng với đó là bổ sung nội dung chi cho việc truyền thông KH&CN: Tham gia triển lãm, hội thảo khoa học, tuyên truyền trên đài, truyền hình… trong nội dung của các đề tài, dự án KH&CN. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác truyền thông KH&CN, đội ngũ nhà báo về KH&CN nhằm nâng cao năng lực truyền đạt, chuyển tải kỹ năng thông tin về KH&CN.

Ngoài ra, có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng truyền thông cho các nhà khoa học; có yêu cầu bắt buộc bồi dưỡng kỹ năng truyền thông KH&CN đối với một số hoạt động KH&CN trong một số lĩnh vực; một số nhiệm vụ KH&CN có quy mô, ảnh hưởng lớn. 

Về phương pháp đào tạo, cần đổi mới nội dung đào tạo đối với sinh viên ngành khoa học, ngành truyền thông KH&CN như: học sinh chuyên ngành khoa học nên được yêu cầu để có các khóa học trong cách giao tiếp nghiên cứu khoa học cho công chúng. 

Những khóa học có thể bao gồm thông tin về văn bản kỹ thuật, nhưng cũng nên dạy các kỹ năng thông tin liên lạc hữu ích trong việc giải quyết công cộng, chẳng hạn như cách trình bày một bài viết về một công trình nghiên cứu khoa học, và làm thế nào để trình bày kiến thức mới về đồ họa. 

Ngoài ra, các trường đại học nên có nhiều cuộc hội thảo hơn để đào tạo các nhà khoa học đã bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của họ nhằm giao tiếp với các phương tiện truyền thông hiệu quả hơn; biết trình bày vấn đề mình nghiên cứu một cách dễ hiểu hơn.

Để công tác truyền thông KH&CN đạt hiệu quả cần tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông như tổ chức triển lãm, xây dựng bảo tàng KH&CN, tuyên truyền trên các loại báo hình, báo giấy, báo nói… 

Việc giao trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập về công tác tuyên truyền KH&CN cũng là điều cần thiết. Trong đó, các viện, các trường đại học đóng vai trò quan trọng. 

Còn gì lãng phí hơn khi chính các tập thể này có nhiều đề tài nghiên cứu, thành tựu nhưng không đến được với người dân, với doanh nghiệp. 

Đối với các địa phương, lãnh đạo địa phương phải là những người đi đầu trong công tác truyền thông KH&CN. “Truyền thông khoa học là lĩnh vực quan trọng nhưng Việt Nam lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, do đó cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng một chiến lược truyền thông khoa học công nghệ”.

Trong giai đoạn 7 năm 2006 - 2012, các địa phương trong toàn quốc đã thực hiện 10.286 đề tài, dự án cấp tỉnh, thành phố và trên 21.000 đề tài, dự án, mô hình KH&CN cấp cơ sở. Trong 10.286 đề tài dự án có: 10% số đề tài thuộc khoa học tự nhiên; 22,67% số đề tài thuộc khoa học kỹ thuật và công nghệ; 9,22% tổng số đề tài thuộc khoa học y dược; 34,33% tổng số đề tài thuộc khoa học nông nghiệp; 19,30% tổng số đề tài thuộc khoa học xã hội; 5,31% tổng số đề tài thuộc khoa học nhân văn. 

Các đề tài, dự án về nông nghiệp ở địa phương thường có nội dung hội nghị đầu bờ, tập huấn cho nông dân. Như vậy, trên 31.000 đề tài dự án của các địa phương đã có ít nhất trên 10.000 hội nghị tập huấn đầu bờ. Đây là một trong những hình thức truyền thông KH&CN, nhằm quảng bá, chuyển giao kết quả KH&CN đến người dân.

TS. Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN)

Nguồn tin: Lao Động cuối tuần

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner