Nói về hoạt động truyền thông khoa học, GS Graham Durant, Giám đốc Trung tâm KH&CN quốc gia Australia (Questacon) khẳng định: Quốc gia nào cũng cần có yêu cầu phát triển cơ sở khoa học để tạo ra tri thức, cũng phải có chuỗi cung cấp đầy đủ cho xã hội các nhà khoa học, các kỹ sư tương lai… Chính vì thế cần có mối tương tác rất tốt giữa khoa học và xã hội và công tác truyền thông KH&CN sẽ đáp ứng được yêu cầu này.
Thúc đẩy truyền thông KH&CN là rất cấp bách
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Truyền thông khoa học Úc: Chiến lược phát triển truyền thông khoa học Quốc gia và giải pháp thực hiện” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nghiêm Vũ Khải khẳng định: Công tác truyền thông KH&CN đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ lâu, tuy nhiên công việc này chưa đạt được những yêu cầu đặt ra. Chính vì vậy nhiệm vụ đổi mới, thúc đẩy hoạt động truyền thông KH&CN là rất cấp bách.
Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cho rằng, chưa bao giờ công tác truyền thông khoa học lại được nhấn mạnh trong các văn bản, chính sách KH&CN ở nước ta như hiện nay. Nhưng, ông cũng thừa nhận Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, do đó, cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng một chiến lược truyền thông KHCN hiệu quả.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng và sức mạnh của truyền thông đem lại, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã rất quan tâm và có nhiều hoạt động thúc đẩy công tác truyền thông KH&CN.
Điều này đã thể hiện trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020, trong đó giải pháp “Đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN” trở thành “một trong sáu giải pháp chủ yếu” để thực hiện thành công Chiến lược. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương (Khóa 11) của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển KH&CN, một trong các định hướng chủ yếu nhằm tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia là cần phải “Hình thành các bảo tàng KH&CN”. Trong Luật KH&CN (sửa đổi) sắp tới trình Quốc hội, Bộ KH&CN có kiến nghị đưa vào Luật thêm hai Điều liên quan tới công tác truyền thông KH&CN: “Phổ biến kiến thức, truyền thông KH&CN” và “Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam”…
Tại buổi tọa đàm, ông Graham Durant, Giám đốc Trung tâm Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ quốc gia Australia (Questacon) đã chia sẻ những kinh nghiệm của Australia trong việc xây dựng chiến lược phát triển truyền thông khoa học quốc gia cũng như tổ chức các hoạt động truyền bá khoa học.
Ông Durant cho biết, truyền thông là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KHCN của Australia. Nhiều năm trước, Australia từng có rất nhiều chương trình truyền thông KHCN nhưng lúc đó, phần lớn chỉ mang tính manh mún, không có tính kết nối. Để phát triển hoạt động này, Chính phủ Australia đã xây dựng những trung tâm truyền thông để các nhà khoa học có cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông, cũng như có thể chủ động trong việc kết nối với giới truyền thông nói chung, mà cơ quan đầu mối là Questacon.
Hằng năm, Questacon chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động như giải thưởng của Thủ tướng về khoa học, Tuần lễ khoa học, và quản lý Quỹ "Khai mở tiềm năng" nhằm hỗ trợ sáng kiến trong hoạt động truyền thông khoa học.
Hoạt động tuần lễ khoa học đã tác động tới hàng triệu người trên khắp cả nước với hơn 1.000 sự kiện diễn ra hằng năm. Sau 16 năm tổ chức, các sự kiện có tính đổi mới sáng tạo đã tác động lâu dài trên phạm vi cả nước, tạo ra kênh tương tác để nâng cao sự quan tâm, gắn kết những người trước đây không hề quan tâm tới các hoạt động này. Các chương trình được tổ chức còn giữ vai trò vườn ươm sáng tạo khoa học, chúng không chỉ tác động tới công chúng nói chung, mà còn làm lay động các chính trị gia, nhà khoa học hàng đầu.
Thời gian ít mà hiệu quả cao
Theo GS. Graham Durant, trên thế giới ngày càng công nhận KH&CN càng đóng vai trò quan trọng, vì vậy công tác truyền thông KHCN ngày càng nổi lên như là một công việc cần thiết và quan trọng.
Trước sự băn khoăn của các nhà làm truyền thông khoa học Việt Nam, về việc làm thế nào để có thể hoạt động hiệu quả trong bối cảnh kinh phí khiêm tốn, chuyên gia Australia đưa ra câu trả lời từ thực tế: Với các nhà khoa học, hãy tạo điều kiện để họ năng làm truyền thông và coi đó như một phần của công việc nghiên cứu. Điều quan trọng là tạo ra một địa chỉ liên kết, giúp họ diễn đàn chia sẻ suy nghĩ, giao lưu với báo chí. Với hoạt động truyền thông khoa học, các doanh nhân giữ vai trò quan trọng. Hãy khiến họ thấy hoạt động này có lợi cho mình, rằng công tác quảng bá khiến công chúng hiểu hơn về doanh nghiệp. Với các địa phương, họ sẽ thấy rằng những hoạt động này có ích cho mình, giống như các hoạt động thể thao có thể là cầu nối quảng bá hình ảnh và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Và làm sao họ có ít thời gian nhưng hiệu quả hơn trong công tác truyền thông KHCN. Làm thế nào để các nhà khoa học, các kỹ sư tham gia kết nối vào như một bộ phận của xã hội. Các nhà khoa học sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi họ được kết hợp với nhau. GS chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về truyền thông khoa học, có những việc quan trọng được thực hiện mà không cần có rất nhiều tiền, bởi việc khơi gợi niềm hứng khởi với giới khoa học đôi khi bắt đầu từ những điều rất nhỏ.
Các em học sinh hào hứng giải đố vui khoa học tại triển lãm khoa học Questacon (Ảnh: TH)
Mới đây, Questacon đã tổ chức một cuộc triển lãm khoa học kỳ thú tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây được coi là một sự kiện quan trọng cho việc truyền thông KH&CN tại Việt Nam. Triển lãm là một minh chứng cho thấy khoa học thực sự thú vị, phù hợp và lý thú với mọi lứa tuổi. Và theo GS Durant, đây là một hình thức triển lãm khoa học lưu động tạo hiệu quả truyền thông rõ ràng mà lại không tốn kém nhiều kinh phí.
Diệu Huyền