Tiềm lực KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 11:42 am
Cập nhật : 06/10/2014 , 00:10(GMT +7)
Truyền thông KH&CN Pháp: Học cách đứng trên vai người “khổng lồ”
Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với Ban TT&VH khoa học, Viện NC&PT Pháp
Kiến thức khoa học là vô tận- mỗi cá nhân không thể giỏi được tất cả lĩnh vực để truyền tải kho tri thức đó đến với công chúng- với cách nghĩ đó, những người làm truyền thông KH&CN Pháp đã chọn giải pháp: tận dụng trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia để tạo sức lan tỏa cho thông tin KH&CN.

Đứng trên vai người “khổng lồ” là cách ví von của những gì mà chúng tôi ghi nhận được sau chuyến công tác học tập, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông KH&CN tại Cộng hòa Pháp. Thực tế cho thấy, đây không phải là cách làm mới, nó đã được rất nhiều nơi triển khai nhưng mỗi nơi lại có những cách thức khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận tại Pháp, đó là sự linh hoạt, năng động và cách thức vận dụng chuyển tải kiến thức từ chuyên gia đến công chúng rất năng động và sáng tạo.

Tận dụng tri thức khoa học

Tạp chí khoa học Science au Sub- một ấn phẩm khá nổi tiếng và uy tín của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp là một ví dụ khá điển hình của cách thức truyền thông này. Ông Manuel Carrard- Tổng biên tập cho biết: Tòa soạn chỉ có 4 biên chế cơ hữu, còn lại là nhân sự được sử dụng dưới dạng cộng tác viên là các nhà báo chuyên nghiệp, các nhà khoa học không chỉ ở Pháp mà các quốc gia mà Viện có dự án đang triển khai.

Tòa soạn cũng hình thành được mạng lưới thu thập thông tin nghiên cứu khoa học, những công bố khoa học mới nhất sẽ được gửi về đây để lựa chọn sau đó triển khai thành tin, bài dưới dạng khoa học thường thức, dễ đọc, dễ hiểu với người dân. Với mỗi nghiên cứu mới, biên tập viên sẽ lựa chọn thông tin này có thực sự hữu ích với công chúng hay không. Bước tiếp theo là họ sẽ liên hệ với chính tác giả công trình nghiên cứu để trao đổi, làm rõ những vấn đề khoa học sao cho thật hiểu. Sau đó, hoặc chính các phóng viên ở tòa soạn sẽ trực tiếp viết tin, bài và gửi lại tác giả công trình chỉnh sửa hoặc chính tác giả sẽ viết. Quá trình trao đổi này sẽ khiến người làm truyền thông hiểu hơn các thông tin khoa học vốn khô cứng, còn nhà khoa học thì hiểu hơn, công chúng cần những gì từ khối tri thức mà họ có.

Chính điều này đã làm cho thông tin khoa học của Science au Sub trở nên rất hấp dẫn, thu hút người đọc. Nó lý giải con số 12.000 bản in cho một lần xuất bản- một con số đáng mơ của bất kỳ tòa soạn nào. Tuy nhiên, điều làm cho Science au Sub có chỗ đứng trong dòng tạp chí khoa học nói riêng và làng báo chí nói chung chính là tính trung thực, độ tin cậy từ mỗi thông tin, bài viết trên tờ báo. Hiện Science au Sub tự hào là tạp chí được các phóng viên, biên tập viên của các tòa soạn trên đất nước Pháp đón chờ để theo dõi các hoạt động khoa học không chỉ ở Pháp mà còn trên thế giới.

Những ấn phẩm của Viện phát hành nhằm đẩy mạnh truyền thông KH&CN

Nhìn vào số lượng công việc và kết quả mà Science au Sub đạt được, chắc hẳn khó có thể hình dung, với 4 nhân sự đang vận hành tòa soạn này làm sao họ có thể thực hiện được ngần đó công việc. Science au Sub được phát hành bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Mỗi năm, tạp chí xuất bản 4 kỳ. Các ấn phẩm của đơn vị được phát hành miễn phí trên 170 nước quốc gia.

Khi nhà khoa học làm truyền thông

Mô hình này không chỉ dừng lại ở quy mô một tòa soạn như Science au Sub. Dễ nhận thấy những người làm truyền thông KH&CN Pháp rất coi trọng việc sử dụng chuyên gia, các nhà khoa học, lôi kéo và đào tạo họ trở thành những người làm truyền thông KH&CN.

Các nhà khoa học cũng được đào tạo tại những khóa bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng truyền thông KH&CN, kỹ năng trao đổi thông tin với báo chí, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông… Với  sự trang bị này, nhà khoa học không chỉ có biết nghiên cứu với những con số khô khan mà họ trở nên năng động, linh hoạt và biết cách đưa những kiến thức khoa học mình có đến với công chúng.

Chính những người ngày đêm làm công tác nghiên cứu sẽ hiểu công việc và các công trình của mình hơn bất cứ ai. Họ sẽ là người truyền lửa, chia sẻ có sức thuyết phục nhất cho công chúng. Nhận thức được điều đó, mô hình truyền thông như: Gặp gỡ, trao đổi, tọa đàm… giữa các nhà khoa học, người dân, nhà doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách… được tổ chức phổ biến tại Pháp. Những buổi gặp gỡ này có thể ở quy mô lớn như hội thảo, diễn đàn với số lượng hàng trăm người nhưng có cũng có thể quy mô nhỏ, giữa 1 nhà khoa học và 1 học sinh. Sự linh hoạt này khiến khoa học trở nên rất gần gũi, cảm giác cho công chúng thấy, đâu cần- khoa học có. Đây cũng chính là điều mà bất cứ nền khoa học nào cũng cần vì hơn bao giờ hết- một mục tiêu mà bất cứ người làm khoa học nào cũng hướng tới: Khoa học vì cuộc sống!

Bài và ảnh: Minh Châu- Mai Hà


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner