Thông qua việc liên kết triển khai các đề tài, dự án đã mang lại nhiều kết quả, mô hình có tính khả thi, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, với vai trò là đầu mối nghiên cứu thích ứng công nghệ và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống ở địa phương, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lương Đăng Ninh – Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn xung quanh vấn đề này.
-NQ TW 6 đã khẳng định vai trò của KH&CN trong sự phát triển KT-XH của đất nước. Để các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương thực sự là cầu nối giữa nhà khoa học đến với cơ sở sản xuất chúng ta cần cơ chế chính sách và phương thức phối hợp như thế nào để hiệu quả?
Ông Lương Đăng Ninh: Trong tổng thể các hoạt động của KH&CN thì hoạt động của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN là giữ một vai trò hết sức quan trọng. Các trung tâm là cầu nối giữa các nhà khoa học đến với cơ sở sản xuất. Do vậy để chuyển tải tất cả các tiến bộ khoa học, từ các nhà nghiên cứu các viện nghiên cứu, các trường đại học cho người sản xuất nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN là một đơn vị chủ trì cùng phối hợp với trung tâm khuyến nông và cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp ở các huyện và thành phố để đưa các tiến bộ khoa học đến với người nông dân. Đối với địa phương nói riêng, tư tưởng chỉ đạo của Bộ là nâng cao năng lực cho các trung tâm ứng dụng.
Quyết định 317 của Chính phủ (về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) được ban hành là một hướng mở ra tạo điều kiện cho các Trung tâm có cơ hội nâng cao năng lực về nguồn nhân lực, trang thiết bị cơ sở để nghiên cứu và chuyển giao
- Với tư duy và cách nhìn nhận như vậy thì Sở KH&CN Lạng Sơn đã có phương pháp và giải pháp cụ thể như thế nào để thúc đẩy các tiến bộ của tỉnh Lạng Sơn đi vào cuộc sống?
Chúng tôi tập trung nghiên cứu ứng dụng cho Lạng Sơn có những đặc thù riêng so với các tỉnh khác. Cụ thể là ở vùng sâu vùng xa trình độ cũng như điều kiện cơ sở vật chất của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó chúng tôi tham mưu cho tỉnh ủy, UB tỉnh những đề án những kế hoạch cụ thể để đầu tư tăng cường tiềm lực cho trung tâm.
- Ông có thể khái quát những thành tựu mà Trung tâm đã đạt được trong thời gian qua?
Từ định hướng chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh, chúng tôi giao cho Trung tâm ứng dụng xây dựng các dự án chuyển giao. Trong thời gian qua Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn có nhiều tiến bộ, về cơ sở vật chất được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, từ phòng thí nghiệm đến các phòng nuôi cấy mô công nghệ sinh học cho đến cơ sở vật chất sau giai đoạn nuôi cấy mô đưa ra đồng ruộng.
Những kết quả chuyển giao Trung tâm đạt được trong thời gian qua như: Xây dựng mô hình và triển khai mở rộng mô hình trồng khoai tây thương phẩm tại một số địa bàn trọng điểm trồng khoai tây của tỉnh. Bình quân mỗi năm triển khai từ 30ha đến 50ha, năng suất đạt bình quân 15 tấn đến 18 tấn/ha.
Chuyển giao kỹ thuật sử dụng chế phẩm E.M cho Công ty TNHH Huy Hoàng xử lý môi trường bãi rác, chuyển giảo cho các nhà hàng, khách sạn, và một số hộ dân xử lý môi trường. Hay chuyển giao mô hình trồng hoa lyli chất lượng cao cho các hộ gia đình trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, bình quân mỗi năm tổ chức từ 3 đến 5 lớp tập huấn với gần 100 lượt người nghe,…
Thông qua các mô hình chuyển giao công nghệ, người dân đã nắm bắt được những kỹ thuật sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Diệu Huyền)
Thông qua các đợt tập huấn, các mô hình chuyển giao công nghệ, người dân đã nắm bắt được những kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cả lý thuyết và thực hành, từ đó tự tin vận dụng vào trong sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập của người nông dân.
- Vậy theo ông, đâu là những khó khăn và cần những chính sách gì để phát triển Trung tâm trong thời gian tới?
Mặc dù đạt được những kết quả như vậy, nhưng so với yêu cầu của sự phát triển và chức năng nhiệm vụ của Trung tâm hiện nay, tiềm lực vê cơ sở vật chất, về nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Với những cơ chế và nguồn lực như hiện nay Trung tâm rất khó trong việc tạo nguồn thu để thực hiện tăng thêm thu nhập cho cán bộ. Bên cạnh đó điều kiện vật chất và trình độ của người nông dân còn rất hạn chế trong tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật mới. Một số nơi bà con còn trông đợi có dự án, đề tài để được bao cấp hay khi cấp kinh phí thì lại không dùng đúng mục đích của đề tài, dự án… ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả triển khai.
Theo tôi để ứng dụng tiến bộ KH&CN của địa phương đóng vai thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN cần tiếp tục đầu tư cả cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực.
- Xin cảm ơn ông!
Diệu Huyền (thực hiện)