Báo Đất Việt sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học-Công nghệ, Bộ KH&CN tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đổi mới quản lý KH&CN, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và phát triển nguồn nhân lực KH&CN” vào hồi 9 - 11h ngày 10/7/2012 tại Trụ sở Báo Đất Việt (108 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, KH&CN đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN, Đảng và Nhà nước luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hoạt động KHCN.
Từ những văn bản có hiệu lực pháp lý cao như Luật khoa học công nghệ (2000), Luật chuyển giao công nghệ (2006), Luật công nghệ cao (2008)…đến các Nghị định, Thông tư, Đề án. Các văn bản pháp luật trên về cơ bản đã từng bước bám sát và thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển sự nghiệp KH&CN, một mặt góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khoa học công nghệ trong thời gian qua đã có những đổi mới theo hướng tích cực, góp phần tạo điều kiện và thúc đẩy cho các tổ chức khoa học, công nghệ phát triển. Kết quả là khoa học và công nghệ đã đóng góp một phần quan trọng vào gia tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường trong nước cũng như quốc tế; hàm lượng công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản phẩm đang ngày càng được cải thiện; đội ngũ cán bộ KH&CN ngày càng đông đảo, trong đó cán bộ KH&CN có chuyên môn, trình độ chiếm ưu thế.
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI để phát triển mạnh KH&CN làm động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH&CN cùng các đơn vị liên quan đang xây dựng Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, nhấn mạnh quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động KH&CN, trong đó đổi mới cơ chế đầu tư, tài chính và chính sách đối với cán bộ KH&CN là khâu đột phá, cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc và có giải pháp thực hiện khả thi, quyết liệt đến cùng để giải phóng sức sáng tạo và tạo động lực cho KH&CN phát triển.
Nhằm lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, nhà khoa học doanh nghiệp và cung cấp thêm cho độc giả những thông tin liên quan đến tình hình phát triển KH&CN trong nước thời gian qua, cũng như việc định hướng phát triển KH&CN Việt Nam phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là vấn đề đổi mới cơ chế, chính sách, đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN, để người dân có dịp trao đổi, đóng góp ý kiến vào đề án trước khi trình Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10/2012, Báo Đất Việt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học-Công nghệ, Bộ KH&CN tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đổi mới quản lý KH&CN, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và phát triển nguồn nhân lực KH&CN” vào hồi 9 - 11h ngày 10/7/2012 tại Trụ sở Báo Đất Việt (108 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội).
Khách mời tham dự GLTT gồm:
1. Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN
2. Ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương
3. Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
4. Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương)
Kính mời Quý độc giả đóng góp ý kiến, đặt câu hỏi trực tiếp tại đia chỉ: http://baodatviet.vn/Interview/
Truyền thông khoa học và công nghệ