Lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và áp dụng công nghệ khí canh vào việc nhân giống khoai tây sạch bệnh. Kết quả thử nghiệm cho thấy năng suất nhân giống tăng nhiều lần so với nuôi cấy mô.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch, chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Sinh học nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp I Hà Nội), chủ nhiệm công trình nghiên cứu cho biết công nghệ này còn tiết kiệm đến 90% nước, 95% phân bón và không cần thuốc bảo vệ thực vật.
Nhân giống cây trồng sạch bệnh
GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết đây là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Nguyên lý của công nghệ này là phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây ra rễ mà không cần đến sự tham gia của đất. Rễ cây không trực tiếp nhúng vào dung dịch dinh dưỡng.
Thời gian phun và số lần phun trong ngày được điều chỉnh tuỳ theo tình trạng sinh lý của cây và nhiệt độ môi trường bên ngoài. Vì có thể điều khiển thời gian phun, hàm lượng dinh dưỡng… nên có thể tính chính xác chế độ dinh dưỡng cho từng cây, chẳng hạn cây lấy lá có thể tăng thêm hàm lượng natri, cây lấy củ thêm kali. Ngoài ra, cũng có thể dùng máy bơm cao áp, khí nén, áp lực nước… phun để cây sinh trưởng.
Bộ rễ cây trồng theo công nghệ này hoàn toàn nằm trong không khí, chất dinh dưỡng và nước được phun theo chu kỳ lên toàn bộ bộ rễ. Dung dịch thừa được thu lại, lọc, bổ sung để tiếp tục sử dụng. Theo tính toán, áp dụng công nghệ khí canh có thể giảm 90% chi phí về nước, 95% phân bón và 99% thuốc bảo vệ thực vật.
Trong hệ thống khí canh, nhiệt độ ở vùng rễ luôn thấp hơn nhiệt độ ngoài trời khoảng 2oC do hiệu ứng bốc hơi, nhờ vậy cây sinh trưởng nhanh hơn trong đất. Công nghệ khí canh không sử dụng đất nên môi trường có độ sạch cao, cây sạch bệnh. Khi trong hệ thống có một cây bị nhiễm bệnh thì có thể di chuyển ra khỏi hệ thống để không ảnh hưởng đến cây khác.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch và cộng sự đã thử nghiệm công nghệ này để nhân giống khoai tây. Đối với công nghệ nuôi cấy mô, phải mất 3 tuần mới thu được rễ để nhân giống. Nhưng chỉ sau 3 ngày nhân bằng công nghệ khí canh, cây giống đã ra rễ và có thể ngắt từ 8-10 lần/tháng.
Những kết quả nghiên cứu ban đầu tại viện Sinh học nông nghiệp cho thấy, cây giống trồng bằng phương pháp khí canh cho 50-60 củ giống (so với 4-5 củ trồng dưới đất). Sản phẩm sau thu hoạch của những cây được nhân giống từ công nghệ khí canh hoàn toàn sạch bệnh. “Do có nhiều ưu điểm so với các công nghệ trồng trọt khác, công nghệ khí canh có thể ứng dụng để giảm giá thành cây giống trong công nghệ sinh học thực vật” - ông Thạch nói.
Triển vọng để trồng rau sạch
Ngoài khoai tây, Viện Sinh học nông nghiệp còn nhân giống cà chua, dâu tây, ớt ngọt, hoa cẩm chướng... bằng công nghệ khí canh. Công nghệ này còn giúp tạo ra những cây trái trái vụ cho giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn, qua việc làm mát dung dịch dinh dưỡng, GS.TS Nguyễn Quang Thạch đã tiến hành trồng thử nghiệm các loại cây xứ lạnh trong thời tiết mùa hè ở miền Bắc, cũng như trồng các loại cây chỉ quen thời tiết Hà Nội ở TPHCM, trồng các loại hoa Đà Lạt tại Hà Nội...
Hiện, GS.TS Nguyễn Quang Thạch đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ này với các loại rau để phục vụ nhu cầu của các hộ gia đình. Thậm chí cà chua, ớt… sau thu hoạch, độc tố kim loại nặng thấp hơn cách trồng bằng đất. Các loại quả cũng cho hàm lượng vitamin tăng. Theo ông Thạch, do không cần lượng nước lớn nên trọng lượng của hệ khí canh tương đối nhẹ, dễ bố trí trên nóc các sân thượng ở các thành phố vừa thu được rau sạch, vừa tạo cảnh quan xanh cho gia đình.
“Chỉ cần 1 hộp xốp, 1 chiếc máy bơm và 1 giàn bơm tự chế với tổng chi phí gần 1 triệu đồng/m2 là các gia đình có thể tự tạo 1 hệ thống trồng rau bằng khí canh” - GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết.