Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm. Mới đây, trong chương trình Giao lưu trực tuyến Triển khai Luật KH&CN và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN, rất nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã được các khách mời đưa ra như những lợi ích từ việc chuyển đổi, những khó khăn, vướng mắc khi triển khai, đề xuất giải pháp để sớm hoàn thiện việc chuyển đổi,...
Tạo lập môi trường để các tổ chức KH&CN phát triển
Theo ông Đỗ Việt Trung, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập được Chính phủ ban hành tại Nghị định 115 năm 2005 nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho tổ chức KH&CN; tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động KH&CN; tạo điều kiện tập trung đầu tư có trọng điểm cho các tổ chức KH&CN; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, góp phần tăng cường tiềm lực KH&CN của đất nước.
Nghị định 115 đã trao các quyền tự chủ, phân cấp mạnh cho các tổ chức KH&CN gồm được tự chủ về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính, hợp tác quốc tế; được giao tài sản, kể cả giá trị quyền sử dụng đất; được chủ động nâng lương cho cán bộ viên chức đúng hạn, trước thời hạn và vượt bậc trong cùng ngạch; được hỗ trợ đầu tư phát triển khi tăng trưởng sớm, khi chuyển đổi sớm và có dự án khả thi; không giới hạn thu nhập, quỹ lương được tính vào chi phí thu nhập trước thuế.
Riêng đối với tổ chức KH&CN chuyển đổi thành tổ chức tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên được đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp. Được góp vốn, tài sản vào hoạt động sản xuất kinh doanh; được ưu đãi về thuế, đất đai, vay tín dụng,…
Cơ chế tự chủ và các chính sách ưu đãi trên khi được thực hiện đầy đủ sẽ tạo lập được môi trường và điều kiện thuận lợi để các tổ chức KH&CN phát triển, tăng cường trách nhiệm và nâng cao tính tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo của tổ chức KH&CN. Theo số liệu tổng hợp từ các Bộ, ngành và địa phương, trong tổng số 565 tổ chức KH&CN công lập có báo cáo (gồm 431 tổ chức thuộc các bộ, ngành, 134 tổ chức thuộc Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), có: 430 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (76%), 135 tổ chức đang xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (24%).
Cũng theo báo cáo, hiện 100% các tổ chức KH&CN đã được tự chủ trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Điều đó thể hiện, ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước giao, các tổ chức luôn tích cực trong việc tham gia tuyển chọn, xét chọn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do Nhà nước đặt hàng, tích cực liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN khác.
Năm 2013, nhiều tổ chức có nguồn kinh phí từ các nhiệm vụ KH&CN, dịch vụ KH&CN lớn hơn rất nhiều lần so với kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước cấp, ví dụ: Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước khoảng 8,5 tỷ đồng, kinh phí từ các nhiệm vụ KH&CN là 37 tỷ đồng; Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước cấp là 17 tỷ đồng, kinh phí từ các nhiệm vụ KH&CN là 34 tỷ đồng; Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước cấp là 14 tỷ đồng, kinh phí từ các nhiệm vụ KH&CN là 32 tỷ đồng,...
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo ông Phùng Đức Tiến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã được xem như “khoán 10” trong nông nghiệp. Việc chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là cơ hội cho các tổ chức KH&CN tạo sự chuyển biến, nâng cao hiệu quả hoạt động, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Cụ thể, nhận thức về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa được thông suốt. Công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành và UBND các cấp chưa thật sự quyết liệt. Các đơn vị KH&CN công lập đang còn e ngại vì khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ bị cắt suất lương và chi phí thường xuyên cho hoạt động bộ máy. Tư tưởng bao cấp trong nghiên cứu khoa học còn nặng nề. Về tự chủ tổ chức cũng còn nhiều vướng mắc như phê duyệt, đoàn ra, đoàn vào vẫn phải do Bộ chủ quản phê duyệt. Quyết định thành lập các đơn vị mới trực thuộc chưa được hướng dẫn cụ thể. Quyết định về chế độ lên lương sớm chưa phù hợp với Luật công chức, viên chức.
Về tự chủ tài chính, quyết toán hàng năm tại các đơn vị KH&CN công lập vẫn theo chế độ sự nghiệp có thu. Mở tài khoản kinh doanh còn nhiều khó khăn. Hạn mức tài chính của người đứng đầu với đơn vị cấp ba chỉ được phê duyệt dưới 100 triệu đồng, với người đứng đầu đơn vị cấp 2, chỉ ở mức dưới 500 triệu đồng, làm hạn chế tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh.
Về tự chủ nhiệm vụ, do kinh phí khoa học còn hạn chế, nên không phải đơn vị nào khi thực hiện tự chủ bị cắt hết kinh phí hoạt động thường xuyên cũng đấu thầu được đề tài, dự án. Do vậy, sẽ rất khó khăn trong hoạt động. Về chính sách đất đai, chủ yếu là đất giao không thu tiền, do vậy theo Luật Đất đai, thì không được mang đi thế chấp hoặc góp vốn để sản xuất kinh doanh. Với những khó khăn này, làm cho Nghị định 115 chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN Đỗ Việt Trung cho rằng, Luật KH&CN (sửa đổi) vừa được Quốc hội ban hành năm 2013 tiếp tục khẳng định cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KH&CN công lập. Đồng thời, Luật cũng đã ban hành nhiều chế tài tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với tổ chức KH&CN công lập. Tuy nhiên, để cơ chế tự chủ đi vào cuộc sống, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập trong lĩnh vực tài chính, thuế, đất đai, công chức viên chức,... nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy định của Nhà nước khi thực hiện cơ chế tự chủ; Các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức KH&CN công lập nghiêm túc thực hiện những quy định liên quan đến cơ chế tự chủ.
Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, xây dựng và ban hành quy định về việc sử dụng, trọng dụng đội ngũ cán bộ trong các tổ chức KH&CN. Đồng thời, cần có những biện pháp đầu tư phát triển, nâng cao tiềm lực cho các tổ chức KH&CN về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất giúp các tổ chức KH&CN đủ mạnh để thực hiện cơ chế tự chủ.
Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN cần quán triệt tinh thần đổi mới của cơ chế tự chủ, chủ động sáng tạo trong mọi hoạt động nhằm thực hiện thành công cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với hiệu quả cao nhất.
Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh