|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu tại buổi làm việc với VUSTA. |
Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 27 trong 3 năm qua, bên cạnh những việc đã làm được GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA cũng thẳng thắn bày tỏ những vướng mắc khó khăn. Đặc biệt công tác củng cố và phát triển tổ chức của Liên hiệp hội Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 27 chưa được quan tâm đúng mức. “Vì vậy, việc thể chế hóa các nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 27 thành các chính sách, chế độ cụ thể chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời”, GS Minh nói.
PGS.TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực VUSTA nhắc lại một mệnh đề được nêu trong Nghị quyết 27: “Xây dựng đội ngũ trí thức là nâng cao tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững...”. Theo PGS Liêm, sau văn bản của Đảng được ban hành, chuyển sang đến các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương triển khai vô cùng chậm. “Mong Tổng bí thư quan tâm hơn tới vấn đề này”, PGS Liêm bày tỏ.
Minh chứng thêm về sự thừa nhận vai trò và công tác đãi ngộ, PGS.TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam còn dẫn các văn bản trước đó từ những năm 1988, Đảng đã khẳng định hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam sinh hoạt theo cơ chế như một đoàn thể quần chúng (thanh niên, phụ nữ...).
Đến năm 1993 thông báo của đồng chí Đào Duy Tùng khi đó là Thường trực ban bí thư đã dùng từ Liên hiệp hội là tổ chức chính trị xã hội. Nếu lấy theo mốc năm 1988 thì đến nay đã là 23 năm, còn theo mốc năm 1993 thì đến nay đã là 18 năm. “Thưa Tổng bí thư, 18 năm đó Đảng đã nhắc lại rất nhiều lần vai trò tổ chức chính trị - xã hội của Liên hiệp hội. Nếu điều này là đúng, cần phải xem lại làm quá chậm do vướng mắc ở đâu.”, PGS Lương thẳng thắn.
|
|
|
GS Hồ Uy Liêm, GS Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại buổi làm việc của Tổng Bí thư với VUSTA. Ảnh: Như Ý |
Và như thế, đến bây giờ mọi cơ chế, chính sách dành cho “ngôi nhà chung” của giới trí thức vẫn như một tổ chức xã hội nghề nghiệp, thậm chí tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP coi Liên hiệp hội Việt Nam là một hội đặc thù.
Định kỳ nghe báo cáo về công tác trí thức
Buổi làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này được ghi dấu là lần đầu tiên tổ chức của giới trí thức được tiếp xúc trực tiếp với người đứng đầu cao nhất của Đảng, được chia sẻ và lắng nghe. Đã có 10 ý kiến được bày tỏ.
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch hội các ngành sinh học Việt Nam nói: “kính mong lãnh đạo Đảng hãy tin cậy đội ngũ trí thức. Nếu được tin cậy trí thức sẽ phát huy được sự sáng tạo. Tin trí thức, Đảng và Nhà nước rất có lợi”.