Tối 15/01 tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt V. Có 09 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và 07 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 20h15.
Tham dự Lễ trao Giải có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai Giải thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho tác giả, đồng tác giả của các công trình, cụm công trình KH&CN tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế xã hội, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống; là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiều năm qua, các công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã có tính ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điểm mới của công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V đó là: Năm đầu tiên thực hiện việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN theo các quy định rất khắt khe tại Nghị định 78/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ (hiệu lực thi hành từ 15/9/2014) và Thông tư 31/2014/TT-BKHCN ngày 06/11/2014 của Bộ KH&CN; Thành phần Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Toán học có sự tham gia của GS. Ngô Bảo Châu, một nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực Toán học của Việt Nam và trên thế giới, người đã được tặng Giải thưởng FIELD năm 2010; Bộ KH&CN đã thành lập 19 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước để đánh giá các hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng trước khi Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá xét tặng giải thưởng; Nhiều công trình có các tác giả có tuổi đời còn rất trẻ, trung bình dưới 40 tuổi như công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”.
Ban Tổ chức Giải thưởng cũng cho biết, các Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Hội đồng cấp nhà nước với 200 nhà khoa học đã làm việc công tâm, khách quan, dân chủ, trung thực, tuân thủ đúng theo các nội dung quy định tại Nghị định 78 và Thông tư 31. Các công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng và trình Hội đồng cấp Nhà nước gồm 61 công trình, trong đó có 17 công trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 44 công trình xét tặng Giải thưởng Nhà nước.
Kết quả, các công trình được Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá và đề nghị xét tặng thưởng gồm 09 công trình đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh, 07 công trình đề nghị Giải thưởng Nhà nước.
Cùng với nhiều hình thức tôn vinh khác nhau của Đảng và Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước là một hình thức tôn vinh cao quý nhất đối với những đóng góp của các nhà khoa học thể hiện qua các công trình và cụm công trình. Đây chính là phần thưởng danh giá nhất đối với các nhà khoa học, góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh sự tôn vinh các nhà khoa học, 2 giải thưởng cao quý này còn mang đến giá trị nhân văn sâu sắc, đề cao giá trị tinh thần trong đời sống xã hội – trụ cột của sự phát triển bền vững.
Tin, ảnh: Song Hà