Lúa là cây lương thực quan trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hướng phát triển của lúa gạo, vấn đề cấp thiết là cần tìm hướng đi cho lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội.
Những thách thức lớn trong sản xuất lúa gạo
Sản xuất lúa gạo ở nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức như biến đổi khí hậu (BĐKH), áp lực dân số, thị trường, diện tích đất lúa bị thu hẹp, đầu tư cho nông nghiệp thấp…, trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến 2 thách thức lớn nhất là BĐKH, nước biển dâng và hiệu quả sản xuất lúa gạo.
Tác động ngày một rõ rệt của biến đối khí hậu, nước biển dâng có thể nói là thách thức lớn nhất cho ngành lúa gạo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên sau nhiều năm GDP nông nghiệp giảm 0,78%, trong khi lâm nghiệp, thủy sản vẫn tăng làm cho GDP toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18%.
PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm giá trị sản xuất trong nông nghiệp là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các điều kiện liên quan đến thời tiết cực đoan bất thường.
Tính đến cuối tháng 6/2016, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã làm thiệt hại gần 250.000 ha lúa, 19.203 ha hoa màu, 37.369 ha cây ăn quả tập trung, 163.768 ha cây lâu năm,… với tổng giá trị lên đến hơn 142.000 tỷ đồng.
Thách thức tiếp đó là sản xuất lúa gạo ở nước ta hiệu quả còn thấp. Việt Nam đang là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, với diện tích thu hoạch năm 2015 là hơn 7,8 triệu ha, sản lượng 45,2 triệu tấn thóc, xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.852 triệu USD, chiếm trên 17% thị phần gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, xét về hiệu quả, các nghiên cứu cho thấy thu nhập của người trồng lúa rất thấp. Tình trạng sản xuất lúa gạo ở Việt Nam còn manh mún, chưa áp dụng nhiều tiến bộ KH&CN vào sản xuất nên hiệu quả còn chưa cao.
Nhà nước đã có những định hướng lớn cho nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo
Phát triển dựa trên tổng hợp nhiều yếu tố
Các định hướng lớn cho nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo đã được thể hiện trong Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao”, đó là “Phát triển ngành lúa gạo sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao trên cơ sở áp dụng đồng bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến gắn với cơ giới hóa, tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu…”. Thêm nữa, các mục tiêu cụ thể đến 2030 còn được nêu rõ tại “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”
Chính phủ và Bộ NN&PTNT cũng đã có chủ trương tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hay nuôi trồng thủy sản. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, các chương trình khuyến khích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, cây ăn quả… đã được đẩy mạnh. Theo kế hoạch năm 2015, Đồng bằng sông Cửu Long, phải chuyển đổi 112 nghìn ha.
Cùng với chính sách tích tụ đất đai, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp có vai trò quyết định. Ở nước ta, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào công đoạn sản xuất lúa gạo bởi rủi ro lớn, hiệu quả thấp.
Do vậy, cần có chính sách để doanh nghiệp chịu trách nhiệm từ khâu sản xuất đến chế biến và thương mại lúa gạo, nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất như các cổ đông của doanh nghiệp. Nếu làm được, tình trạng nhiều giống, thu gom lẫn giống sẽ được loại trừ, cơ sở hạ tầng cho sản xuất lúa gạo sẽ được cải thiện và thương hiệu gạo sẽ dần được xây dựng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ nhận định, để đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần nghiên cứu để có thể chuyển đổi một tỷ lệ nhất định diện tích đất lúa sang các cây trồng khác, thậm chí nuôi trồng thủy sản. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia đầy đủ vào chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Nhà nước cần sớm thúc đẩy hiện thực hóa chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp vốn được đề ra song chưa khả thi.
GS.TS. Lê Huy Hàm,Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, phát triển giống lúa cần chia làm hai hướng: Ưu tiên cải tiến các giống lúa chất lượng đang được sản xuất quy mô khá trở lên, đã có thị trường để xây dựng vùng sản xuất tập trung. Quan tâm đầu tư nghiên cứu các giống lúa có chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt và có sức chịu đựng với thời tiết bất thường.
Do vậy, việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cần được xem xét một cách thấu đáo cả từ góc độ kinh tế, xã hội và môi trường trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội.
Bài, ảnh: H.A