Ngày 10/8, tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và nhu cầu đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh tới dự và chủ trì Hội thảo; Tham dự Hội thảo có Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia Hoàng Văn Phong, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam…, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Tại Hội thảo Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia Hoàng Văn Phong cho rằng: Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là động lực để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thành các doanh nghiệp vệ tinh cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn trong tương lai. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam còn rất hạn chế, nhất là các linh, phụ kiện đòi hỏi tính chính xác cao. Vì vậy, Hội thảo cũng là cơ hội để doanh nghiệp CNHT Việt Nam hiểu thêm khả năng hỗ trợ của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, để trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ hơn với Quỹ trong việc xây dựng và triển khai các dự án, các đề tài nhằm giải quyết được các vấn đề về công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNHT phát triển đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia Hoàng Văn Phong phát biểu tại Hội thảo
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: việc phát triển CNHT có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển như nước ta, đang đặt ra yêu cầu hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hiện đại, nhất là những ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, xe máy; các sản phẩm điện, điện tử, điện lạnh,... để đạt được mong muốn đó, tất yếu phải thực hiện thành công việc nội địa hóa một cách cơ bản các ngành công nghiệp đó.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đều có chung quan điểm CNHT đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nhưng hiện nay việc phát triển của ngành này vẫn chưa đáp ứng được như mong muốn. Các đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam là quốc gia đã từng có thế mạnh trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo. Tuy nhiên xu thế toàn cầu hóa cùng với sự lan tràn các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng giá rẻ đã làm cho các ngành cơ khí chế tạo khó có chỗ đứng, ngay cả trong thị trường nội địa. Bên cạnh đó, tỉ lệ nội địa hóa thấp, vẫn phụ thuộc vào nước ngoài.
Thời gian tới, để thúc đẩy các doanh nghiệp CNHT Việt Nam phát triển cần có những chính sách thiết thực và hiệu quả cũng như các giải pháp hỗ trợ cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng. Tạo điều kiện đưa các hội, hiệp hội ngành nghề về cơ khí chế tạo tham gia chương trình đổi mới công nghệ và phát triển CNHT. Làm lành mạnh hóa môi trường sản xuất kinh doanh, có chế tài xử phạt thật mạnh với các loại hàng giả, hàng nhái; nên chủ động quan tâm tới dung lượng thị trường, tránh tự do cạnh tranh vô tình chia nhỏ thị trường… Giúp đỡ các doanh nghiệp có thêm nhiều điều kiện thuận lợi và động lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dựa trên các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh phát biểu chủ trì Hội thảo
Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện mới có 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu là tham gia ở những công đoạn với công nghệ đơn giản, giá trị gia tăng thấp, mới chỉ cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT. Đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm trên 80% số doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng của Việt Nam, tập trung vào linh kiện điện - điện tử và linh kiện kim loại.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh việc việc đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Từ Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về Chính sách phát triển một số ngành CNHT… đến Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT. Các doanh nghiệp được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, GTGT, thuế nhập khẩu, đất đai… Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ trong ngành CNHT còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp.
Tin, ảnh: Bùi Hiếu