Tiềm lực KH&CN Thứ tư, 24/04/2024 , 07:04 am
Cập nhật : 30/11/2014 , 04:11(GMT +7)
Thương hiệu Việt và đẳng cấp quốc tế: Nội lực đã đủ mạnh?
Bkav giới thiệu những thiết bị điện tử thông minh do Bkav sản xuất tại Diễn đàn. Ảnh: NH
Việc Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam và đại diện Canon Việt Nam tuyên bố doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa carton để đóng gói sản phẩm của họ thời gian gần đây đã khiến dư luận xôn xao về câu chuyện những sản phẩm tầm quốc tế mang thương hiệu Việt Nam.

Đây cũng là nội dung được trao đổi tại diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải từ Sản phẩm Việt” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức mới đây.

Chuyện con ốc vít

Thông tin của Samsung và Canon đã dấy lên nghi ngại rằng, các sản phẩm của Việt Nam đang ở một trình độ kém xa so với các nước trên thế giới. Dường như việc sản xuất ra các sản phẩm thông thường phục vụ nhu cầu trong nước cũng như nội địa hóa các sản phẩm nước ngoài tại Việt Nam đã quá khó khăn, chứ chưa nói tới giấc mơ về một sản phẩm "Made in Việt Nam" đạt đẳng cấp quốc tế.

Tại Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải từ Sản phẩm Việt”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Ông Nguyễn Mạnh Quân,Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, câu chuyện về con ốc vít đã động chạm đến lòng tự ái của các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ tích cực, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về những vấn đề lâu nay các nhà công nghệ, quản lý, sản xuất, hoạch định chính sách đã không ít lần nhắc đến nhưng chưa trao đổi một cách nghiêm túc.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đúng là doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng các sản phẩm đơn giản của Việt Nam, nhưng không phải doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất được các sản phẩm đơn giản. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mới đây một số doanh nghiệp Việt Nam đã đi tiên phong, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu với thiết bị hiện đại và nhân lực trình độ cao để triển khai nghiên cứu phát triển những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về công nghệ, chất lượng và giá thành. Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào năng lực doanh nghiệp Việt Nam có thể tự làm chủ công nghệ nguồn, đạt trình độ sản xuất không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới.

Đồng tình với ý kiến trên, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định, chúng ta thừa sức để sản xuất con ốc vít, vấn đề chúng ta có lựa chọn để làm hay không và có đáng để làm hay không? Theo ông Vũ Đình Ánh, trước khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu phải xác định chúng ta là ai, lựa chọn quan tâm sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu? Chuỗi giá trị toàn cầu có rất nhiều người tham gia, nhưng muốn tạo ra sản phẩm như Bkav phải tạo ra sản phẩm dẫn đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu đó.

Theo phân tích của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng,… phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Do nguồn cung và năng lực công nghệ trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Các doanh nghiệp chủ yếu phải nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài để đổi mới công nghệ. Mặc dù cơ cấu xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp (sản phẩm điện tử, máy móc - thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng), giảm tỷ trọng các mặt hàng nông nghiệp, khoáng sản và nhiên liệu. Tuy nhiên, nhóm các mặt hàng có tổng giá trị xuất khẩu cao nhất vẫn thuộc về sản phẩm công nghiệp nhẹ có giá trị gia tăng thấp (dệt may, giầy da, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản), sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm xấp xỉ 5% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 68 trên 144 quốc gia xếp hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, trong đó mức độ sẵn sàng về công nghệ đứng thứ 99, FDI và chuyển giao công nghệ thứ 93, mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp cận công nghệ mới chỉ đứng thứ 123/144 quốc gia. 

Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cải thiện năng lực cạnh tranh để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, và vì thế, cũng khó tồn tại bền vững trên thị trường nội địa, chưa nói tới chiếm lĩnh các thị trường khu vực và thế giới.

Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ


Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới thực trạng nói trên như đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất thấp. Mặc dù pháp luật hiện hành đã có quy định bắt buộc doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước (và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân) trích thu nhập tính thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, rất ít doanh nghiệp quan tâm tới đầu tư thành lập quỹ này.


Để có nhiều sản phẩm thương hiệu Việt đạt tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ. Ảnh: NH

Tham gia Diễn đàn với tư cách doanh nghiệp thành công, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav cho rằng, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa trên sự khai thác các nguồn tài nguyên có sẵn, như tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ, khoáng sản, tài nguyên nước. Các tài nguyên khai thác nhiều sẽ cạn kiệt, nhân công giá rẻ lợi nhuận thu về rất thấp, khiến nền kinh tế dễ bị phụ thuộc, không phát triển bền vững. Để tạo hướng đi mới cho sản phẩm Việt, các doanh nghiệp cần tạo ra công thức phát huy sức mạnh người Việt Nam và có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng cao nhất.

Chia sẻ về cách làm của Bkav, ông Thắng cho biết, cách đây 10 năm Bkav đã quyết định làm chủ công nghệ để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng đó là nghiên cứu, thiết kế phát triển… với bốn trọng tâm là nguồn nhân lực, sản xuất phụ trợ, văn hóa doanh nghiệp và vốn, trong đó con người và văn hóa là yếu tố quyết định.

Kết quả, Bkav đã ra mắt nhiều sản phẩm mới trong đó có hệ thống nhà thông minh Việt SmartHome. Đây là hệ thống hoàn chỉnh với phần mềm và các thiết kế phần cứng tinh xảo, có thể điều khiển, kiểm soát ngôi nhà thông minh qua một giao diện trực quan 3D trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Ở đó, các thiết bị trong ngôi nhà được mô phỏng giống như sử dụng thực tế. Hệ thống sẽ điều khiển từ ánh sáng, rèm mành, kiểm soát môi trường sống, an ninh, giải trí tới bình nóng lạnh… trong mỗi ngôi nhà.

Chia sẻ vấn đề “Việt Nam cần làm gì để có thể có những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế” dưới góc độ của cơ quan quản lý kinh tế và của chính doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước hết, các sản phẩm của Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn quốc tế công nhận. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có 5 điều: môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch; sản phẩm và dịch vụ đạt chuẩn mực kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế; đằng sau công nghệ phải là sáng tạo, đi cùng bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gắn với pháp lý và giá trị phải được tôn vinh. Cuối cùng là chắt chiu, giữ gìn lịch sử cha ông để lại, điều này tạo giá trị gia tăng rất cao cho doanh nghiệp.

TS.Vũ Tiến Lộc khẳng định, trong thời gian tới, để nhân rộng hơn nữa mô hình sản xuất thành công của các doanh nghiệp Việt điển hình, cần có sự vào cuộc không chỉ của chính doanh nghiệp mà cần sự sát cánh, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, trung tâm, viện nghiên cứu trong việc giúp doanh nghiệp hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, chất lượng, giá thành dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Bộ đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp chính sách đồng bộ nhằm đưa KH&CN trở thành động lực tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt. Cụ thể, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN; tăng cường mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ.

Đồng thời, phát triển mạnh các kênh tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến hoặc thay thế công nghệ, thiết bị lạc hậu thông qua các quỹ quốc gia trong lĩnh vực KH&CN: Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Đẩy mạnh thị trường KH&CN theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian môi giới chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN;...

Quỳnh Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner