Chuyện thầy thuốc Việt Nam ra nước ngoài học tập về kỹ thuật phẫu thuật nội soi là chuyện bình thường. Thế nhưng trong hơn một năm trở lại đây, hàng chục bác sĩ của các nước trong khu vực đến Bệnh viện Nội tiết T.Ư học, nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp không để lại sẹo. Người để lại dấu ấn này là TS Trần Ngọc Lương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nội tiết T.Ư.
Ở nước ta, những người mắc bệnh tuyến giáp (như bướu cổ đơn thuần) liên quan đến thiếu hụt i-ốt đã giảm hẳn, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều căn bệnh tuyến giáp khác vẫn đang hàng ngày hàng giờ đe dọa tới sức khỏe của người dân, như basedow, bướu nhân một thùy, bướu đa nhân hai thùy, cường giáp trạng, ung thư tuyến giáp... Trước đây, các trường hợp này khi được chỉ định phẫu thuật thì chỉ có một biện pháp duy nhất là mổ mở. Phương pháp này vừa không thẩm mỹ lại mất thời gian, dễ để lại biến chứng. Nhu cầu cần được phẫu thuật của người bệnh ngày càng nhiều, nhất là bệnh về tuyến giáp như bướu cổ chiếm phần lớn ở phụ nữ, trong đó có nhiều bạn gái trẻ đang đi học, đi làm, thường xuyên giao tiếp xã hội, nên không muốn có sẹo ở cổ, sẽ khiến họ mất tự tin...
Trước đòi hỏi ngày một cao của người bệnh, cũng như sự ham mê khám phá lĩnh vực mới mà TS Trần Ngọc Lương đã dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp mà không để lại sẹo. Ðây là phương pháp rất phức tạp, ít bác sĩ trong nước và khu vực có thể thực hiện được. Với phương pháp mổ mở cho những căn bệnh này đã khó thực hiện, thì phẫu thuật nội soi càng khó hơn. Nguyên nhân là do tuyến giáp không nằm trong khoang có sẵn như khoang ngực, khoang bụng, dạ dày hoặc phổi, mà nằm ở cổ. Cổ thì không có khoang, muốn phẫu thuật nội soi được, cần phải tạo khoang ở cổ. Khó nữa là tuyến giáp nằm cạnh những cấu trúc rất quan trọng như bó mạch cảnh, khí quản và dây thần kinh quặt ngược - dây thần kinh để nói, rồi tuyến cận giáp trạng (điều hòa việc chuyển hóa can-xi trong cơ thể, nếu làm tổn thương nó, thì sẽ gây co quắp chân tay). Do tuyến giáp có liên quan mật thiết đến dây thần kinh nói và tuyến cận giáp nên việc mổ cắt tuyến giáp bằng nội soi không đơn giản. TS Trần Ngọc Lương cho biết: Tuyến giáp nằm ở cổ không có khoang sẵn như khoang ngực, khoang bụng, vì thế để lấy được các khối u, bác sĩ phải tạo ra được 'khoang làm việc' ở vùng cổ. Ðể khắc phục, anh sáng tạo kỹ thuật dùng khí CO2 để tạo khoang làm việc sau khi bóc tách các thành phần dưới da. Việc này đơn giản, dễ làm và khi đã có khoang làm việc thì chuyện 'đi' vào tuyến giáp để xử lý thương tổn bên trong cũng an toàn và thuận lợi hơn. Sau mổ lại không có sẹo bảo đảm yếu tố thẩm mỹ.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp mổ nội soi là không để lại sẹo trên cổ. Mặt khác, khi mổ nội soi, đường rạch da nhỏ, chỉ khoảng 0,5-1 cm (lồng từ nách và lồng ngực lên cổ), cho nên người bệnh không cảm thấy khó chịu khi nuốt, thở, thời gian phục hồi ngắn hơn nhiều so với mổ mở... Kỹ thuật này đang mở ra hướng phát triển mới cho ngành nội tiết trong nước cũng như khu vực. Ðể triển khai thành công kỹ thuật này, TS Lương đã phải trải qua không ít khó khăn. Vì đây là một kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, lại do anh tự mày mò từng công đoạn, không học ở đâu, nên áp lực của công việc khá lớn. Nhưng con số gần 1.800 người bệnh được điều trị bằng phương pháp này mà không xảy ra sai sót, biến chứng đã nói lên tất cả. Từ tháng 7-2009, Khoa Ngoại Bệnh viện Nội tiết T.Ư liên tiếp tổ chức các lớp đào tạo về kỹ thuật nội soi cho các bác sĩ khắp mọi miền đất nước, từ Bệnh viện K Hà Nội, Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đến bệnh viện các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Vũng Tàu, Nghệ An... Ðến nay một số bệnh viện trên cũng đã triển khai được kỹ thuật này, mở ra khả năng điều trị cho người bệnh. Ðồng thời, khoa cũng đã tổ chức thành công các lớp đào tạo bác sĩ đến từ: Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a,Thái-lan, Phi-li-pin... nhiều bệnh viện ở các nước này liên tục mời anh sang mổ trình diễn và chuyển giao kỹ thuật.
Tại Hội nghị phẫu thuật nội soi châu Á tổ chức cuối năm 2010 vừa qua, ca mổ trình diễn cắt tuyến giáp bằng nội soi của TS Trần Ngọc Lương được đồng nghiệp đánh giá rất cao lại càng thu hút nhiều bác sĩ nước ngoài sang học tập (lịch học đã sắp xếp đến hết năm 2011). Theo nhận định của một số chuyên gia, thời gian tới sẽ có cả người bệnh nước ngoài sang điều trị bệnh bằng phương pháp này.