Để phát triển hơn nữa Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian tới cần có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng KH&CN để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP. Trong đó, tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao.
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – gọi tắt là Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 diễn ra sáng 23/3, tại Hà Nội.
Nâng tầm sản phẩm địa phương
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong triển khai Chương trình OCOP gần 3 năm qua, đồng thời xác định những định hướng, mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của đất nước, những thách thức và cơ hội mới đã được Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII của Đảng khẳng định.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay, đã có 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59% (27,5% là doanh nghiệp), còn lại là kinh tế tập thể, hợp tác xã chiếm 41%, cho thấy mục tiêu là rất đúng hướng, là cơ sở, thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.
Báo cáo của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã đánh giá, công nhận 4.469 sản phẩm, vượt 1,86 lần so với mục tiêu, hiện có 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: Chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đã tiếp cận thị trường xuất khẩu như: Miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, cà phê Bích Thao của tỉnh Sơn La, đường thốt nốt Palmania của tỉnh An Giang...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân vùng nông thôn mà còn hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả Chương trình OCOP đã đạt được gần 3 năm qua là rất quan trọng, cho thấy đây là mục tiêu rất đúng hướng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Sản phẩm OCOP ngày càng được nâng cao chất lượng lẫn hình thức bao bì mẫu mã, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp và các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế như: Một số địa phương vẫn chưa tích cực triển khai thực hiện OCOP, làm OCOP theo phong trào. Quy mô sản phẩm OCOP vẫn còn hạn chế, công tác xúc tiến thương mại vẫn còn manh mún và chưa thực sự nổi trội, nguồn vốn huy động cho chương trình còn khó khăn; năng lực, trình độ quản trị của các tổ chức kinh tế, các thủ thể trong OCOP vẫn còn hạn chế...
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong thời gian tới cần xây dựng các cơ chế mang tính đột phá nhằm thúc đẩy chương trình OCOP đi vào chiều sâu hơn nữa nhằm đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt tránh làm OCOP theo phong trào mà không tính tới hiệu quả kinh tế, công nhận sản phẩm OCOP mang tính xuê xoa, cả nể mà không chú ý đến chất lượng sản phẩm, làm ảnh hưởng tới tính hiệu quả của chương trình...
Phó Thủ tướng đề nghị tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định (bao gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải-may mặc; lưu niệm-nội thất-trang trí; du lịch), trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.
Phát huy vai trò của KH&CN trong Chương trình OCOP
Đầu tư ứng dụng KH&CN trong chế biến, sản xuất chính là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP, xác định việc đầu tư ứng dụng KH&CN góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng để tham gia vào chu trình OCOP luôn là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm, phát huy.
Để các doanh nghiệp bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài sự nỗ lực từ mỗi doanh nghiệp, nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư KH&CN đã được Trung ương ban hành, như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN; chính sách cho phép doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN; miễn, giảm, thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền sử dụng đất; thuê đất đối với doanh nghiệp KH&CN...
Theo đó, hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn, hiệu quả cao. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh, đến năm 2019, cả nước có gần 10.000 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng gần 4 lần so với 10 năm trước khi thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ, hình thành và được nhân rộng ở nhiều địa phương. Hiện cả nước có gần 25.000 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn.
Gian hàng trưng bày của các địa phương tại Hội nghị
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Chương trình OCOP mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, để phát triển các chuỗi giá trị nông sản, nâng cao chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ, cần chú trọng phát huy vai trò quan trọng của KH&CN. Các địa phương cần tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, chế biến, trong đó cần chú trọng đến nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, thời gian tới cần có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng KHCN để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.
Bài, ảnh: Huyền Minh