Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Thứ sáu, 19/04/2024 , 09:19 am
Cập nhật : 31/10/2019 , 15:10(GMT +7)
Thúc đẩy năng suất chất lượng đem lại hiệu quả kinh tế xã hội
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại buổi GLTT
Hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng quốc gia đã được chứng minh là đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới và khu vực. Đây là hoạt động xúc tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết như trên tại buổi giao lưu trực tuyến trên báo Đất Việt diễn ra ngày 30/10 với chủ đề “Khoa học và công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp”.

PV: Xin ông cho biết, thời gian qua Nhà nước đã có những cơ chế chính sách gì liên quan đến việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa?

- Ông Nguyễn Hoàng Linh: Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Một số văn bản thể hiện rõ được chủ trương trên như: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 27 NQ/CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 712 /QĐ/TTG ngày 21/05/2010 về việc phê duyệt chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Cùng với đó là các văn bản, quyết định khác có liên quan như Quyết định số 100/QĐ-TTG về quản lý chính sách nguồn gốc…

PV: Chương trình 712, trực tiếp là việc triển khai Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp” đã tác động như thế nào đến doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong thời gian vừa qua, thưa ông?

- Giai đoạn I của Chương trình 712 (2012 - 2015) đã mang lại nhiều kết quả như: 57/63 tỉnh/thành phố và một số bộ/ngành đã phê duyệt và triển khai các chương trình năng suất chất lượng, giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về năng suất, chất lượng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng; hướng dẫn hỗ trợ gần 1.000 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng như ISO 50001, ISO 31000, ISO 22000, ISO 9001, Lean, MFCA, TPM, KPIs, 7 công cụ kiểm soát chất lượng, 5S…; phát triển thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...

Giai đoạn II của Chương trình 712 tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế; tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; tiếp tục xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại tất cả các tỉnh thành phố trong cả nước; đa số các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng…

Hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã mang lại một số kết quả trọng tâm đó là:

Các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng, tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua không ngừng cải tiến năng suất, chất lượng và hiệu quả quản lý.

Các doanh nghiệp đã đưa vào áp dụng các chương trình cải tiến năng suất, chất lượng, coi đó là hoạt động không thể thiếu trong doanh nghiệp mình. Các hoạt động quản lý chất lượng, cải tiến chất lượng, tiêu chuẩn hoá và ứng dụng các tiêu chuẩn ngày càng được áp dụng hiệu quả và nhân rộng.

Các hệ thống quản lý như ISO 9000, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở thành các hệ thống quen thuộc với các doanh nghiệp. Đồng thời, các chương trình và công cụ cải tiến Kaizen, 5S, Lean, Lean 6Sigma… và các công cụ quản lý khác cũng được quan tâm và ứng dụng nhiều hơn.

Các tổ chức, cơ quan hành chính nhà nước cũng tham gia hỗ trợ tích cực trong việc thúc đẩy phong trào bằng việc tiếp thu và phổ biến những phương pháp mới, ứng dụng những công cụ quản lý như ISO 9000 để đẩy mạnh chất lượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng quốc gia đã được chứng minh là đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới và khu vực. Đây là hoạt động xúc tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

Hiện nay, chương trình năng suất chất lượng quốc gia 712 đã triển khai được gần 10 năm ở các Bộ/ngành, địa phương với nhiều kết quả nổi bật, nhiều cá nhân, doanh nghiệp điển hình đã được hỗ trợ từ chương trình và năng suất chất lượng đã tăng lên rõ rệt (có nhiều doanh nghiệp báo cáo sau khi được hỗ trợ tư vấn và áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến năng suất thì năng suất của doanh nghiệp đã tăng lên 20-30% so với trước khi áp dụng).

Có thể khẳng định (Chương trình 712) đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tham gia chương trình này, doanh nghiệp được tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000) và hệ thống các công cụ cải tiến cơ bản (như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma...).

PV: Sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 712? Xin ông đánh giá về thực trạng triển khai tại các tỉnh?

- Đến thời điểm hiện tại đã có 06/07 Bộ đã phê duyệt và đang triển khai thực hiện 08 dự án của Chương trình (bao gồm Bộ KH&CN 02 dự án nền; các Bộ Công thương, Xây dựng, Y tế, NN&PTNT, TTTT mỗi Bộ 01 dự án; riêng Bộ GTVT chưa phê duyệt dự án của ngành nhưng đã triển khai thực hiện lồng ghép vào các chương trình, đề án khác).

57/63 dự án NSCL địa phương đã được UBND tỉnh/tp phê duyệt và đang triển khai thực hiện (06 tỉnh/tp chưa phê duyệt dự án là Ninh Bình, Bắc Ninh, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An).

Các doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tham gia Chương trình và nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình (chỉ tính riêng trong khuôn khổ các dự án do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện, đã có khoảng 15.000 lượt doanh nghiệp được phổ biến, đào tạo, hướng dẫn trực tiếp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng).

Một số doanh nghiệp điển hình triển khai tốt công cụ NSCL nhờ sự hỗ trợ của Chương trình: Tập đoàn Dầu khí; Tổng công ty  Đức Giang, Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài gòn, Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Tổng công ty Liksin, Tổng công ty Đức Giang, Công ty May Nam Hà, Công ty TNHH Ô tô Trường Hải, Công ty SACOM, Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa; Công ty Nhựa Tiền phong, Công ty CADIVI;

Công ty Rạng Đông, Công ty Rau quả xuất khẩu An Giang; Công ty Tân Huê Viên, Công ty CP kỹ nghệ Thực phẩm ACECOOK, Công ty Dược phẩm Lâm Đồng; Công ty Nam Dược; Công ty TNHH DTK Phú Thọ...

Đến nay, đã có 15 nghìn doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến năng suất, chất lượng. Ban Điều hành Chương trình 712 cho biết, việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến và áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng Chất lượng quốc gia đã giúp cho hàng chục nghìn doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

Các khách mời tham dự giao lưu trực tuyến Khoa học và công nghệ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp

Thí dụ, tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, sau khi công ty áp dụng công cụ cải tiến cho dây chuyền lắp ráp đèn led, giảm lãng phí, chế tạo các dụng cụ, gá, thay đổi thiết kế và tự động hóa một số thiết bị lắp ráp, bao gói..., năng suất của dây chuyền điểm tăng 59%, giá trị mang lại gần một tỷ đồng/năm.

Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2011, sử dụng nguyên liệu sinh khối biomass đun nóng dầu tản nhiệt để sấy cao-su thay thế dầu DO, FO giúp tiết kiệm hơn 1,3 tỷ đồng (năm 2015), 803 triệu đồng (năm 2016) và hơn 1,4 tỷ đồng (năm 2017).

Thông qua việc triển khai hệ thống quản lý chất lượng ô-tô IATF, doanh nghiệp Lê Group (Hà Nội) và Công ty 4P Electronics (Hải Phòng) đã rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm, giảm đến mức thấp nhất sản phẩm lỗi, hỏng. Doanh nghiệp cũng đã tiếp cận và từng bước triển khai các công cụ cải tiến năng suất cơ bản khác.

PV: Theo ông, trong thời gian tới Việt Nam cần có những chính sách gì để tiếp tục thúc đẩy năng suất, chất lượng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

- Theo tôi, thứ nhất chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình năng suất chất lượng trong bối cảnh mới – cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có lẽ, cũng đến lúc chúng ta cần nghiên cứu xây dựng chương trình năng suất chất lượng cho thập niên chất lượng lần thứ III (2020 – 2030).

Thứ hai, cần tạo lập hạ tầng chất lượng quốc gia (gồm tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng) tương ứng với sự phát triển kinh tế xã hội, thậm chí cần phải đi trước một số bước để hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu phát triển cho các bên liên quan như doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học, hiệp hội, ngành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thứ ba, xây dựng và tiếp tục củng cố đội ngũ chuyên gia đầu ngành về các công cụ năng suất chất lượng, các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ tích hợp nhằm nhân rộng mạng lưới chuyên gia năng suất, chất lượng trên toàn quốc, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ tư, tăng cường năng lực các tổ chức đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, đối với hàng hóa chủ lực, hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông về các mô hình thành công áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, hệ thống quản lý một cách rộng rãi cho hệ thống doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Chi (lược ghi)

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner