Hội nhập Quốc tế Thứ sáu, 19/04/2024 , 04:15 am
Cập nhật : 14/07/2022 , 14:07(GMT +7)
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – EU về KH&CN đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng và Cao Uỷ Janusz Wojciechowski nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác Việt Nam - EU về KH&CN, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cộng đồng khoa học và doanh nghiệp.

Chiều ngày 11/7/2022, tại Trụ sở KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã làm việc với Đoàn Cao uỷ phụ trách nông nghiệp EU do ông Janusz Wojciechowski, Cao uỷ phụ trách nông nghiệp, Ủy ban châu Âu làm trưởng đoàn. 

Tham gia Đoàn có ông Giorgio Alberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các thành viên khác. Tháp tùng Thứ trưởng Trần Văn Tùng tham dự buổi làm việc có đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chào mừng và cảm ơn Ngài Janusz Wojciechowski và Đoàn đã tới thăm, làm việc với Bộ KH&CN. 

Ông Janusz Wojciechowski, Cao uỷ phụ trách nông nghiệp, Ủy ban châu Âu

Ông Janusz Wojciechowski cảm ơn Bộ KH&CN đã có lời mời và tổ chức buổi làm việc và cho biết mục đích của Đoàn lần này sang Việt Nam là thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đặc biệt trong lĩnh vực thương mại về nông sản. Đồng thời, Đoàn mong muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó có khả năng về phát triển nông nghiệp và hiện đại hoá ngành nông nghiệp thông qua ứng dụng KH&CN. Đoàn đánh giá buổi làm việc tại Bộ KH&CN là quan trọng, góp phần tăng cường vấn đề về an ninh lương thực và ứng dụng KH&CN trong việc sản xuất nông sản. Ông Janusz Wojciechowski khẳng định lĩnh vực KH&CN là lĩnh vực quan trọng và đề cập vấn đề EU hiện đang quan tâm là bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đoàn mong muốn lắng nghe những đề xuất, kiến nghị từ phía Bộ KH&CN liên quan đến lĩnh vực hợp tác giữa hai phía. Phía EU cũng mong muốn tìm hiểu thêm một số thông tin về việc Chính phủ Việt Nam mới đây phê duyệt việc mua và tiêm vắc xin phòng tả lợn châu Phi đối với các đàn lợn tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ghi nhận ý kiến của ông Janusz Wojciechowski, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã thông tin với Đoàn công tác một số nội dung liên quan đến hoạt động KH&CN mà Bộ KH&CN đã tổ chức, thực hiện theo sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ trong thời gian qua. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Đảng và Chính phủ xác định như một trong các đột phá chiến lược, là động lực thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng, đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong những năm qua, hành lang pháp lý về KH&CN ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, mới đây, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã thông qua hai văn bản quan trọng: Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Sở hữu trí tuệ. Các văn bản này sẽ mở ra hành lang chính sách và pháp lý ngày càng thuận lợi để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác, ứng dụng và bảo vệ hiệu quả các tài sản trí tuệ; góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo việc tuân thủ các cam kết quốc tế theo các Hiệp định thương mại và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Toàn cảnh buổi làm việc

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao sự hợp tác giữa Việt Nam và EU trong thời gian qua trên toàn diện các lĩnh vực trong đó có hoạt động KH&CN. Hợp tác giữa Việt Nam và EU trong các lĩnh vực như Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội của hai bên. Thứ trưởng cũng đã chia sẻ với Đoàn về trình độ KH&CN của Việt Nam đang dần được nâng cao. Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu và ở một số lĩnh vực khoa học có thế mạnh. Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam đã luôn nỗ lực cải thiện và được tăng hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII): Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng thêm 3 bậc, năm 2019, 2020 và 2021 đều đạt thứ hạng tốt, xếp thứ 42 và 44 trên 131 quốc gia, luôn dẫn đầu nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp. Điều này khẳng định Việt Nam quan tâm và mong muốn dùng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển bền vững nền kinh tế của Việt Nam. Thứ trưởng cho biết, hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương luôn được chú trọng thúc đẩy, trong đó có hợp tác với EU. Hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam - EU được triển khai trên nhiều lĩnh vực cụ thể như: sở hữu trí tuệ; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, hạt nhân; thông tin KH&CN; hợp tác nghiên cứu chung; hợp tác trong khuôn khổ Đối tác đối thoại ASEAN - EU,… 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đề xuất một số nội dung hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với EU. Cụ thể là, hai bên xem xét thúc đẩy hợp tác KH&CN Việt Nam - EU trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - EU, qua đó, thúc đẩy chương trình nghiên cứu chung; liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ chuyển giao các công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn EU xem xét cung cấp các dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án ODA không hoàn lại để nâng cao năng lực cho Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, hỗ trợ Việt Nam trong việc ủng hộ Việt Nam trong việc bầu cử vào Hội đồng Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), xây dựng chiến lược Tiêu chuẩn hoá và hỗ trợ xây dựng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, hạt nhân; có cơ chế hỗ trợ các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam tham gia Chương trình Horizon Europe 2027. Thứ trưởng đề nghị phía EU hỗ trợ Việt Nam thực hiện các quy định mới của EU, triển khai các cam kết trong Hiệp định EVFTA về thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp và thuận lợi hóa thương mại; xây dựng hoàn thiện và vận hành có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nhằm giảm tình trạng tồn đọng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đối với một số mặt hàng nông nghiệp quan trọng như thủy sản, cà phê, tiêu điều, rau quả, gỗ…đồng thời tìm kiếm, mở rộng cơ hội hợp tác về nông nghiệp, đầu tư nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng, ông Janusz Wojciechowski chụp ảnh chung với đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN và đoàn công tác 

Ngay tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi một số nội dung thông tin liên quan đến chỉ dẫn địa lý và sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Về vấn đề này, ông Janusz Wojciechowski cho biết, EU rất ủng hộ cách tiếp cận và áp dụng khái niệm về chỉ dẫn địa lý đặc biệt là đối với các sản phẩm nông sản. Chỉ dẫn địa lý là một chính sách quan trọng trong nội dung của chính sách nông nghiệp chung của EU, ông bày tỏ tin tưởng chỉ dẫn địa lý có thể góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều người sản xuất quy mô nhỏ cũng như nâng cao chất lượng nông sản. Trong nhiều năm qua, EU đã lồng ghép vấn đề về chỉ dẫn địa lý trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như Hiệp định EVFTA…Gần đây, phía EU nhận được nhiều quan tâm từ các nhà sản xuất cũng như các nước thành viên của EU về việc bổ sung thêm vào danh mục các chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định EVFTA. Phía EU cũng đưa ra đề xuất đối với phía Việt Nam bổ sung thêm hơn 60 chỉ dẫn địa lý mới vào trong danh mục này. 

Ngài Janusz Wojciechowski đánh giá cao cách tiếp cận tích cực từ phía Bộ KH&CN đối với đề xuất từ phía EU trong việc rà soát và bổ sung các danh mục chỉ dẫn địa lý. Ông Janusz Wojciechowski hi vọng hai phía sẽ tiếp tục có những thảo luận cấp kỹ thuật để sớm hoàn thiện danh mục bổ sung này trong thời gian tới và chúc mừng Việt Nam đã có thành công bước đầu trong việc sản xuất vắc xin phòng tả lợn Châu Phi. Việc sản xuất thành công vắc xin thành công ở Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người chăn nuôi và ngành sản xuất cho chăn nuôi tại Việt Nam mà còn cho nhiều nơi trên thế giới. 

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác và giúp đỡ của EU nói chung, ngài Cao Uỷ phụ trách nông nghiệp nói riêng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam và kết quả tốt đẹp trong hợp tác KH&CN giữa hai bên. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn những đề xuất từ phía Việt Nam được Đoàn xem xét, chia sẻ và hai bên có những hợp tác chung triển khai trong thời gian tới và chúc quan hệ hợp tác giữa hai bên tiếp tục phát triển, mang lại các lợi ích thiết thực cho cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Bài, ảnh: Bảo Chi – Văn Nguyên


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner